Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Chưa thống nhất quy định về đô thị du lịch
(Cadn.com.vn) - Chiều 29-5, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Liên quan đến nội dung về đô thị du lịch, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị giữ nguyên quy định như Luật hiện hành về đô thị du lịch vì trên thực tiễn đã hình thành đô thị du lịch. Đại biểu Trần Thị Hằng phân tích: Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì rất cần những đô thị du lịch ở Việt Nam, thậm chí có thể khuyến khích hình thành chuỗi đô thị du lịch. Sự xuất hiện đô thị du lịch không những đáp ứng yêu cầu thực tế mà còn là sản phẩm mô hình đặc trưng của du lịch Việt Nam. Thực tế, đã có những đô thị du lịch, những thành phố du lịch như: Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Hạ Long... Những đô thị du lịch ấy đã tạo nên thương hiệu, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nếu Luật không quy định về đô thị du lịch thì những đô thị du lịch như trên vẫn phát triển một cách khách quan, hiện hữu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ bị động, dẫn đến lúng túng trong việc quy hoạch hoặc đề xuất những chế định, quy chế đặc thù để quản lý, phát triển đô thị dạng này. Mặt khác, tại Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cụ thể về tổ chức lãnh thổ, trong đó đưa ra 12 đô thị du lịch, tuy nhiên, do không có các cơ chế chính sách về quy hoạch đầu tư phát triển theo đúng nghĩa nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Quy định về đô thị du lịch là đáp ứng yêu cầu thực tiễn để chủ động trong quản lý và phát triển - đại biểu chỉ rõ.
Đồng tình với việc quy định về đô thị du lịch, nhưng đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng: Quy định về nội dung này trong dự án Luật còn sơ sài. Nếu đưa nội dung này vào Luật Du lịch, cần làm rõ các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của chính quyền, cơ quan chức năng và chính sách riêng cho đô thị du lịch, đặc biệt là chính sách về kết cấu hạ tầng dịch vụ, nếu không sẽ không khác đô thị thường.
Trái với quan điểm trên, các đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)... đề nghị không nên quy định nội dung này trong dự án Luật bởi Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị không quy định về loại hình này. Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản Luật. Hơn nữa, dự án Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Nếu chỉ cần một danh hiệu để làm phong phú thêm thương hiệu của du lịch địa phương hay một tổ chức nào đó thì không cần thiết quy định trong Luật mà cần giao cho Hiệp hội du lịch và các tổ chức du lịch trong khuôn khổ của Hiệp hội tôn vinh lẫn nhau để tạo điều kiện cùng phát triển. Nếu nhất thiết phải quy định về đô thị du lịch thì câu hỏi đặt ra là: Quy định về đô thị du lịch nhằm mục đích gì? Với luận giải, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung phát triển trong giai đoạn sắp tới thì việc xác định một đô thị du lịch phải là một thực thể đóng vai trò là trung tâm kết nối, đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển và cần quy định rõ định hướng phát triển, quy hoạch, nguồn lực phân bổ theo định hướng phát triển. Vì vậy, đại biểu cho rằng không cần thiết phải có quy định này trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phát biểu tham luận về dự án Luật Du lịch. Ảnh: Vũ Hưng |
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề cập: Theo quy định tại khoản 4, Điều 45 và điểm d, khoản 1, Điều 50 thì doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được quyền sử dụng hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách và chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên trong thời gian hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không rõ ràng, hợp đồng của các công ty lữ hành với hướng dẫn viên cũng khá lỏng lẻo, trong khi hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng như là “đại sứ du lịch” cho điểm đến.
Theo đại biểu Sơn, điểm e, khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 39 Dự thảo Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tương tự như Luật Du lịch hiện hành, không có gì thay đổi. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn nữa trách nhiệm các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong việc quản lý các hướng dẫn viên và giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể về Hợp đồng Hướng dẫn viên khi hoạt động lữ hành.
Thu Thủy - Trần Vinh- Vũ Hưng