Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Giáo dục phải hướng đến phát triển toàn diện con người Việt Nam
* HỌC SINH VIỆT NAM LIÊN TỤC VƯỢT TRỘI SO VỚI HỌC SINH MỸ, ANH TRONG CÁC BÀI KIỂM TRA TOÁN HỌC VÀ KHOA HỌC, NHƯNG…
Tại phiên làm việc sáng 30-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung vào mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam. Trong ảnh: Một tiết học của cô trò Trường tiểu học Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng). |
Đề nghị vẫn sử dụng khái niệm "học phí"
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, qua 5 năm thi hành, Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Việc xây dựng và ban hành dự án Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục đại học thời gian qua, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; nhất trí với đề xuất rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Về tự chủ đại học, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học; đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường. Tuy cơ bản nhất trí với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo, song Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị, cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình.
Đối với giá dịch vụ đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo Luật và đề nghị vẫn sử dụng khái niệm "học phí" như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Làm rõ “những yếu tố đầu tiên của nhân cách”
Chiều 30-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Ninh Bình.
ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần này, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành; thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ĐB Quang đề nghị cần đánh giá rõ thêm về thực trạng xuống cấp đạo đức trong nhà trường trong thời gian qua, bạo lực học đường dường như không còn là những trường hợp cá biệt, đơn lẻ mà dần trở nên phổ biến khiến dư luận rất bức xúc; cần có sự nhận định, đánh giá khách quan, tìm ra những nguyên nhân, đề ra những chính sách phù hợp để khắc phục. Có như vậy mới hướng đến mục tiêu giáo dục quy định tại Điều 2 là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo ĐB Quang, Điều 22 Luật Giáo dục hiện hành quy định, mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. ĐB Quang đề nghị nghiên cứu sửa đổi điều này theo hướng, không nên đặt mục tiêu “hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một” vì quá chung chung và khó xác định, mà nên xác định hình thành những kỹ năng cơ bản cho trẻ em trong việc chăm sóc bản thân, yêu thương gia đình, bạn bè, yêu thiên nhiên và biết cách thể hiện tình cảm đó, giáo dục lòng trung thực, lòng nhân ái, tính tự giác, tự lập...
Có nên thu học phí của sinh viên sư phạm?
Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, dự thảo Luật sửa đổi Khoản 3, Điều 89 Luật Giáo dục theo hướng thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm thay vì không phải đóng như quy định hiện hành. Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Tờ trình của Chính phủ nêu lý do để sửa đổi, bổ sung quy định này là do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục. ĐB Quang đề nghị cân nhắc thêm quy định này, cần có các quy định nhằm hạn chế đầu vào đối với sinh viên sư phạm, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, vừa không lãng phí nguồn lực; đồng thời cần nghiên cứu bổ sung các chính sách đối với giáo viên nhằm tạo động lực thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học ngành sư phạm.
Đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng, về mục tiêu giáo dục hiện nay chúng ta đang gắn việc giáo dục ngang bằng với việc đánh giá học sinh, sinh viên bằng điểm số các môn học qua các kỳ thi mà chưa chú trọng về phát triển kỹ năng, hiểu biết về cuộc sống và nhất là các hoạt động xã hội, trình độ ngoại ngữ. ĐB Yến cho biết, chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) chỉ ra kết quả của học sinh Việt Nam đã vượt qua học sinh trong khu vực và liên tục vượt trội so với học sinh Mỹ, Anh trong các bài kiểm tra toán học và khoa học. Tuy nhiên, đó chỉ là khía cạnh rất nhỏ của giáo dục. Thực tế học sinh ngày càng yếu kém về kỹ năng, hiểu biết về cuộc sống và nhất là trình độ ngoại ngữ. Tất cả những yếu kém này rất khó có cơ hội cho người Việt Nam hòa nhập với thế giới tiến bộ.
ĐB Yến đề nghị bổ sung vào mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, kỹ năng, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về cơ chế tự chủ tài chính đối với ngành giáo dục quy định tại các Điều 58 và Điều 66; ĐB Yến cho rằng, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì cần đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục. Trong sự đổi mới đó, tự chủ của cơ sở giáo dục cần được hiểu là một chính sách quản lý, một công cụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục của nhà trường. Muốn vậy, ĐB Yến đề nghị cần tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục làm căn cứ để đầu tư ngân sách theo kết quả đầu ra. Từ đó, quy định tỷ lệ trách nhiệm về tài chính của nhà nước cho từng cấp học, trình độ đào tạo và đối với đối tượng chính sách; trong đó quy định rõ là nhà nước chịu tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, người dân chịu tỷ lệ bao nhiêu phần trăm như dịch vụ y tế.
PHẠM HỮU HOA – THU THỦY – TTXVN
"Học phí" và "giá dịch vụ đào tạo" là hai vấn đề khác nhau Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đề cập việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không nhất trí với thuật ngữ "học phí" đổi thành "giá dịch vụ đào tạo", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc này không phải việc đổi tên, quy định gọi là giá dịch vụ đào tạo là căn cứ theo Luật giá. Theo Bộ trưởng, tên gọi học phí là do mọi người quen với cách gọi truyền thống và mang nội hàm khác với giá dịch vụ đào tạo. Học phí không bao gồm tất cả các chi phí của dịch vụ đào tạo. Trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo. Từ nội hàm khác nhau giữa giá dịch vụ đào tạo và học phí nên chúng tôi đề xuất tên gọi phải khác nhau vì hai vấn đề không phải là một.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, và quy định này là căn cứ vào Luật giá. Việc chuyển sang tự chủ có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá. Tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng chất lượng. Tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ: dự thảo Luật vẫn đang trong giai đoạn Quốc hội họp bàn cho ý kiến. Mong rằng các đại biểu sẽ cân nhắc vì nội hàm hai khái niệm "học phí" và "giá dịch vụ đào tạo" có sự khác nhau nên cần tên gọi phản ánh đúng bản chất và trước hết phải theo pháp luật hiện hành - đó là Luật giá. Khi vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn, không sai Luật giá thì các cơ sở giáo dục sẽ hoạt động đúng pháp luật và thuận lợi hơn. T.THỦY |