Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Cơ bản tán thành phê chuẩn CPTPP

Thứ bảy, 03/11/2018 07:48

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2-11, đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Tờ trình nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò, vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP giúp Việt Nam vừa có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Việc tham gia Hiệp định là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực,  khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các đại biểu cũng phân tích về những thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP.

CPTPP - Cơ hội phát triển tốt cho các doanh nghiệp

Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP sẽ đem lại cơ hội phát triển tốt cho nền kinh tế của Việt Nam; giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều thị trường xuất nhập khẩu. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, CPTPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Đại biểu cho biết, tác động của CPTPP đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện đầu tiên chính là không gian thị trường được mở rộng. Các quốc gia khi tham gia vào Hiệp định này được hưởng mức độ ưu đãi rất cao khi mọi rào cản thuế quan được dỡ bỏ; phần lớn, thuế xuất nhập khẩu vào thị trường trong nước đều bằng 0. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên của CPTPP, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động đang có lợi thế như dệt may, giày dép, túi xách, nông sản, thủy sản....

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội nhiều hơn trong việc đa dạng hóa thị trường và đối tác. Các doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn cho việc phát triển, điều này thể hiện rõ trong việc thu hút đầu tư cũng như thuận lợi trong việc nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao, có điều kiện tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Đề xuất thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật  nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1-1-2019.

Về tên gọi, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên gọi của Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Dự thảo Luật đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước; hai là quy hoạch xây dựng tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn. Điều này giúp cụ thể hóa các định hướng về không gian và vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đề xuất thực hiện song song 2 hệ thống, cũng có những ý kiến cho rằng nên tích hợp 2 thành 1.

Tại phiên họp chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch khu chức năng; vấn đề công bố công khai thông tin quy hoạch, việc lấy ý kiến về quy hoạch.

T.THỦY – TTXVN

Đề nghị giữ nguyên Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trong Luật Xây dựng

Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (QH), ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giữ nguyên QH xây dựng vùng tỉnh (đối với TP Đà Nẵng là QH đô thị) trong Luật Xây dựng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống QH. Để minh chứng cho kiến nghị của mình, ĐB đã dẫn chứng những lý do từ thực tiễn quá trình QH TP Đà Nẵng. ĐB Bá Sơn cho rằng, Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ. Sự thay đổi nhanh thiếu kiểm soát dẫn tới cấu trúc đô thị đã bị biến dạng và vượt quá sức chịu tải của nó. Những khu đô thị mới không bản sắc, na ná nhau tràn lan khắp các vùng; đất nông nghiệp, ao hồ, sông suối ở các vùng phụ cận bị chiếm dụng một cách thiếu kiểm soát; đường sá trở nên tắc nghẽn hơn vì lượng xe tư nhân tăng nhanh; cung cấp điện, nước sạch không theo kịp nhu cầu; những vấn đề về thoát nước đô thị, xử lý nước thải, chất thải rắn, về môi trường ngày càng gia tăng,... Để giải bài toán cho tổng thể đô thị ấy, QH đô thị cần được tổ chức  nhằm hoạch định các khu vực để đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững. Do vậy, nhu cầu cần thiết là pháp lý QH đô thị cần phải xác lập ổn định, đồng thời cũng cần tạo hành lang pháp lý cho các phương pháp QH đô thị đương đại, tiên tiến trên thế giới được tiếp cận một cách khoa học để định hướng cho đô thị phát triển bền vững.

VŨ HƯNG