Kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc (1899-2019): Tự hào Đại Lộc

Thứ bảy, 14/12/2019 13:55

120 năm, người dân Đại Lộc bao nhiêu lần chứng kiến dòng sông Thu Bồn, Vu Gia đổi dòng và chứng kiến bao biến động của lịch sử... Từ những ngày đầu thành lập,  người và đất Đại Lộc đã vượt qua biết bao gian khó để vươn mình đi lên, trở thành địa phương có nền kinh tế-văn hóa... phát triển.

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức.

Nhớ lại ngày đầu thành lập (năm 1899) đến Cách mạng tháng 8 năm 1945, hơn 90% người dân phải sống trong cảnh đói nghèo, mù chữ... Nông dân nghèo quanh năm suốt tháng sống trong cảnh "ăn cơm vay, cày ruộng rẻ", chịu cảnh đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn mãi sống trong cảnh đói nghèo... Vì phải sống dưới tầng tầng, lớp lớp của sự áp bức nên người nông dân Đại Lộc nung nấu ý chí quật khởi, sẵn sàng hưởng ứng các cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột và giải phóng dân tộc mà tiêu biểu là phong trào Cần vương do Nghĩa hội  Quảng Nam phát động giai đoạn 1885-1887 và mở đầu phong trào kháng thuế tại miền Trung vào năm 1908. Mặc dù những phong trào đấu tranh này đều bị thất bại dưới sự đàn áp dã man của kẻ thù song từ đây ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm luôn nung nấu trong tâm can các tầng lớp nhân dân để chờ cơ hội bùng lên mạnh mẽ... và để Đại Lộc trở thành mảnh đất màu mỡ cho hạt giống chủ nghĩa Mác-Lê nin ươm mầm, phát triển. Từ đây, những người con ưu tú của Đại Lộc, như: Nguyễn Đức Thiệu tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 3-1928; Lê Cao Phong, Nguyễn Soạn tham gia Đảng Tân Việt. Đến tháng 4-1930, cả 3 người được kết nạp, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ những "hạt giống" đầu tiên, chủ nghĩa Mác-Lê nin được truyền bá rộng rãi trong đội ngũ công nhân, trí thức trên địa bàn. Đến giữa năm 1937, toàn huyện Đại Lộc đã có 3 chi bộ Đảng được thành lập, lãnh đạo nhân dân dấy lên phong trào đòi dân sinh, dân chủ làm sôi động khí thế chính trị trong toàn huyện. Một dấu ấn đáng nhớ nhất đối với người dân Đại Lộc là ngày 9-12-1937, hội nghị thành lập Đảng bộ huyện được tổ chức tại làng Bàng Trạch, tổng Đại An (nay là thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang). Tại hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ nhân dân huyện Đại Lộc đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác và cùng nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền về tay Cách mạng vào tháng 8-1945.

Cách mạng tháng 8 thành công, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập-tự do cho dân tộc. Thế nhưng, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Trước âm mưu đen tối của kẻ thù, ngày 19-12-1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Một lần nữa quân dân Đại Lộc cùng quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ. Với phương châm: "toàn dân, toàn diện, trường kỳ", quân và dân Đại Lộc một lòng bám làng, bám ruộng thực hiện cuộc chiến tranh du kích, tạo nên những chiến công vang dội, như: Ba Khe, Cầu Chìm, Núi Lỡ..., biến Đại Lộc trở thành vùng tự do của tỉnh Quảng Nam và Khu 5.     Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), địch biến cả miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới. Địch liên tiếp mở các chiến dịch "tố Cộng", "diệt Cộng". Nhiều địa phương tại Đại Lộc trở thành điểm thảm sát tập thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân, như: động Hà Sống, Khe Cổng; những điểm "tố Cộng", "diệt Cộng", như: đình Không Chái, Nha Lộc Hiệp, đình Đại Phú... mãi mãi là bằng chứng về tội ác man rợ của kẻ thù. Mặc dù bị đàn áp dã man nhưng quân và dân Đại Lộc vẫn một lòng kiên trung với Cách mạng. Từ năm 1959 đến năm 1961, Đại Lộc nhanh chóng chuyển hình thức đấu tranh từ chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, đấu tranh vũ trang kết hợp với nổi dậy phát triển mạnh mẽ. Cũng từ đây, quân dân Đại Lộc cùng với cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh do quân Mỹ và Ngụy phát động, như: chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh... làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Đại Lộc tiêu điều, xơ xác. Toàn huyện có 128 thôn đã có 116 thôn bị bom đạn tàn phá, nhiều nơi không còn màu xanh của sự sống. Một lần nữa, người dân Đại Lộc lại chứng minh được sức sống mãnh liệt của mình. Nhiều phong trào, như: tháo dỡ bom mìn, tiến công đồng cỏ, toàn dân làm thủy lợi... được phát động. Những hố bom được biến thành đồng lúa, nương dâu... mang lại sự no ấm cho người dân. Từ một huyện thuần nông, nay Đại Lộc đã khoác lên mình chiếc áo mới, đầy đủ gam màu của một nền kinh tế toàn diện, đầy đủ theo cơ cấu nông nghiệp-công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng cơ bản và dịch vụ, đảm bảo giá trị sản xuất tăng bình quân 5%/năm. Đến nay, toàn huyện có 11/17 xã tiêu chuẩn xã nông thôn mới cùng với lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục ngày được nâng cao...

Khi được hỏi: có suy nghĩ gì về quê hương, mọi người dân đều trả lời: luôn tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương, là người con của đất Đại Lộc... Và, ông Nguyễn Công Thanh-Bí thư, Chủ tịch HĐND H. Đại Lộc, đánh giá: Để có được ngày hôm nay, những người con của đất Đại Lộc đã biết kế thừa văn hóa Đại Việt, tiếp thu văn hóa Chăm-pa và khai thác mọi tiềm năng của vùng đất mới, tạo dựng một nền kinh tế nội sinh đầy sức sống về văn hóa, kinh tế...

Đúng vậy, 120 năm là thời gian không dài so với quá trình hình thành và phát triển của một đất nước nhưng cũng đủ để khắc họa nên hình ảnh của một vùng đất anh hùng mang tên: Đại Lộc.

M.T 

Chương trình nghệ thuật "Nơi hai dòng sông chảy qua"

QUẢNG NAM- Chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập H. Đại Lộc (1899 - 2019), kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng bộ H. Đại Lộc (9-12-1937 - 9-12-2019), một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên "Nơi hai dòng sông chảy qua" sẽ được tổ chức vào tối 14-12-2019 tại Quảng trường trung tâm thị trấn Ái Nghĩa. Sau phần hòa tấu chào mừng, nghi lễ và chiếu phim tài liệu về lịch sử, văn hóa, đất và người quê hương Đại Lộc, chương trình nghệ thuật bắt đầu từ 21 giờ và kéo dài đến 23 giờ với sự tham gia của các ca sĩ Anh Thơ, Hoàng Nguyên, Hồng Gấm, Hoàng Ngọc Sang, Thu Thảo, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Đề, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh,  ca sĩ  Huyền Tân, Hữu Đức, Nhã My, An Lành, Lý Nguyên... Các vũ công, ca sĩ đến từ TPHCM, TT- Huế, Đà Nẵng và quê hương Quảng Nam sẽ thể hiện các ca khúc từng thấm sâu vào tâm tình người dân xứ Quảng như "Tre Việt Nam", "Nơi  hai dòng sông chảy qua", "Lẽ nào ta không thành đôi", "Đại Lộc và Anh", "Quê hương tuổi thơ tôi", "Hương Quê", "Đại Lộc ơi còn nhớ", "Quảng Nam- Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình", "Trở về dòng sông tuổi thơ"...

Chương trình nghệ thuật "Nơi 2 dòng sông chảy qua" hứa hẹn sẽ hấp dẫn do được dàn dựng công phu, ứng dụng công nghệ hiện đại với sự đạo diễn của nhạc sĩ Trần Quế Sơn, Vân Trình và Diễm Hương.

T.S