Kỷ niệm 25 năm ngày người khuyết tật Việt Nam 18-4 (1998-2023): Nơi “chữa lành” những… khiếm khuyết

Thứ ba, 18/04/2023 08:04
Theo thống kê chưa đầy đủ,  nước ta có hơn 6 triệu người có những khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể, gây khó khăn đến việc vận động, hạn chế trong công việc, sinh hoạt hàng ngày... Để giúp những người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội. Bệnh viện phục hồi chức năng TP Đà Nẵng là một trong những nơi “sửa chữa”” những khiếm khuyết đó...
Tập phục hồi chức năng kết hợp châm cứu.
Tập phục hồi chức năng kết hợp châm cứu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện PHCN là bệnh viện chuyên khoa hạng 2 thuộc Sở Y tế, quy mô 120 giường với các chức năng nhiệm vụ: khám bệnh, chăm sóc điều trị và phục hồi chức năng; đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến; hợp tác quốc tế, quản lý kinh tế y tế. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ trẻ nhiệt huyết, năng động trong công tác chuyên môn, nhất là trình độ chuyên ngành PHCN, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, dụng cụ PHCN… và phối hợp y học cổ truyền. Đây là nơi tiếp nhận điều trị, chăm sóc PHCN cho người bệnh TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Những bệnh nhân được nhận chữa trị đa số là những người bị khiếm khuyết, giảm chức năng và các di chứng sau bệnh lý thần kinh cơ xương khớp…phối hợp trong chuyên khoa sâu PHCN và công tác PHCN dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, khoa Nhi-Ngôn ngữ trị liệu trung bình mỗi ngày điều trị chăm sóc PHCN hàng trăm trẻ có rối loạn phát triển: tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, trẻ khuyết tật vận động và các dị tật khác ở trẻ em và điều trị sau đột quỵ, trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Với chức năng đó cộng với sự nhiệt tình, trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y, bác sĩ nên số lượng bệnh nhân điều trị hàng năm cứ dần tăng lên. Cụ thể, năm 2021 có gần 3.500 bệnh nhân, năm 2022 tiếp nhận và điều trị gần 6.000 bệnh nhân… Theo ghi nhận của nhiều bệnh nhân và người nhà, Bệnh viện PHCN Đà Nẵng là địa chỉ tin cậy để điều trị hiệu quả những căn bệnh, như: phục hồi vận động sau chấn thương, trẻ em mắc chứng tự kỷ hoặc tăng động.Là một trong số những bệnh nhân phục hồi sau tai biến, chị Phạm Thị Lạc, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng, xúc động chia sẻ: “Là bệnh nhân điều trị phục hồi sau tai biến, tôi thấy hiệu quả khi được các y, bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị vừa khoa học và phù hợp với từng bệnh nhân. Từ chỗ tất cả phải nhờ người thân, sau một thời gian điều trị, hiện tại tôi đã đi lại và tự chăm sóc bản thân…”.

Đặc biệt, đối với việc điều trị chứng tự kỷ ở trẻ, mỗi năm, có gần 1.600 trẻ em đến khám và điều trị tại bệnh viện; trong đó có trên 400 trẻ điều trị nội trú. Riêng số bệnh nhi có trên 150 em đang châm cứu PHCN đông y; trong đó hội chứng tự kỷ gần 100 trẻ em. Bà Nguyễn Thị Lan, trú Quế Lộc, H. Nông Sơn (Quảng Nam), là phụ huynh có con bị bệnh tự kỷ đang điều trị tại đây phấn khởi cho biết: “Tôi đưa cháu ra đây điều trị được vài tháng và thấy bệnh tình cháu thuyên giảm nhiều. Nếu tiếp tục điều trị, chắc cháu sẽ sớm hòa nhập với các bạn”.

Qua tìm hiểu, được biết, ngoài những phương pháp khám chữa bệnh thông thường, kích thích trẻ hoạt hóa hành vi, phát triển tâm lý… bệnh viện còn tìm các phương pháp điều trị tích cực hơn, như: châm cứu, thủy trị liệu...để nâng cao hiệu quả điều trị.

Bác sỹ Hồ Minh Cảnh-Khoa Nhi-Trị liệu cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện áp dụng liệu pháp phối hợp với đông y châm cứu cho những trẻ tự kỷ để tăng cường ô xy não và làm cho các bé kiểm soát hành vi tốt hơn. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng nhận được sự quan tâm từ chính quyền, ngành Y tế TP Đà Nẵng nên nhiều chuyên khoa đặc biệt như Thủy Trị liệu được mở để phối hợp chữa trị, giúp bệnh nhân sớm cải thiện các chức năng về thần kinh. Bác sỹ Phạm Đức Quang-Chủ tịch Công đoàn, trao đổi: “Để nâng cao hiệu quả điều trị hơn nữa, thời gian đến, Bệnh viện PHCN sẽ chú trọng phát triển về nguồn lực, về con người cũng như trang thiết bị theo hướng hiện đại, để ngày càng phát triển, xứng tầm là Trung tâm khám chữa các bệnh liên quan đến vận động và trẻ tự kỷ của cả miền Trung-Tây nguyên”. Cũng theo bác sỹ Phạm Đức Quang, ngoài việc điều trị tại chỗ, các y, bác sĩ… của bệnh viện còn tổ chức truyền đạt những kiến thức, kỹ năng chăm sóc, hoạt động trị liệu cho người nhà bệnh nhân áp dụng tại nhà để quá trình điều trị mang lại những kết quả tích cực…

Hy vọng, với định hướng phát triển đúng đắn, Bệnh viện PHCN Đà Nẵng sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy của những bệnh nhân mắc các chứng bệnh về vận động và là nơi gửi gắm niềm tin của những gia đình không may có con mắc chứng bệnh tự kỷ, tăng động…

M.T