Ký sự Đà thành (Kỳ 3: Từ Cảng Tourane đến tư duy liên vùng)

Thứ tư, 15/11/2017 14:04

Có thể nói, việc xây dựng hạ tầng giao thông của toàn Đông Dương dưới thời Toàn quyền Paul Doumer không chỉ chiếm nhiều tâm trí của ông mà còn gây ra nhiều tranh cãi tại chính trường nước Pháp thời đó. Nhưng dù sao, mọi trở ngại đã được vượt qua và nó để lại cho Đông Dương một khối tài sản quý giá trên đường phát triển sau này. Đối với nhượng địa Tourane từ sau nhiệm kỳ của Paul Doumer, các tuyến đường sắt, đường bộ nối liền Đà Nẵng với Huế, Hội An, Quảng Ngãi vẫn còn được sử dụng hàng thập niên sau 1954 là một bằng chứng...

Tàu lửa từ Đà Nẵng đi Huế vào những năm đầu thế kỷ XIX.

Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng Cảng Đà Nẵng và tuyến đường sắt nối liền với nhà ga là quan trọng hơn cả, tạo ra một động lực phát triển của Đà Nẵng buổi sơ khai... Paul Doumer cho rằng, dự án xây dựng một cảng lớn trong vịnh Tourane đã được chính phủ Pháp thừa nhận là cần thiết, nhất là sau khi các hầm xe lửa đã thông qua đèo Hải Vân, nó trở nên cấp thiết hơn. Từ năm 1898, Hội đồng Tối cao và Ủy ban Hàng Hải Đông Dương đã phải hai lần xem xét các dự án sơ bộ về Cảng Tourane. Cuối năm 1900, một nghị định đã được thông qua xác định “lợi ích cộng đồng”  khi xây dựng một cảng biển ở phía bắc thành phố và phía tây sông Hàn. Nghị định này xác định các hạng mục rõ ràng như xây dựng đê chắn sóng bằng đá granit dài 2.850 mét, một bến cảng xây nề, đắp nền dài 1 km, nạo vét độ sâu 8 mét ở các cảng, các nhà kho và cần cẩu di động, tuyến đường sắt chạy từ cảng Tiên Sa đến phía tây Đà Nẵng và vào nhà ga xe lửa... Dự án bắt đầu được triển khai “nghiên cứu khả thi” từ đầu năm 1901 và vào tháng 9 năm đó đã thông qua các hạng mục chính với chi phí khoảng 5 triệu franc.

Paul Doumer viết trong hồi ký: “Trước khi thực hiện dự án xây dựng cảng biển lớn ở Đà Nẵng, chúng tôi đã thực hiện một số sắp xếp trong vùng biển để giúp có chỗ neo đậu tàu thuyền thích hợp khi có gió mùa Tây Nam, xây dựng các cầu tàu bằng gỗ, trang bị phao tiêu... và xây dựng một tuyến đường nối thành phố với hòn Mồ Côi, nơi một công ty tư nhân đã xây dựng cầu tàu, kho chứa than và dầu...”. Như vậy ta thấy rằng đã có một con đường từ tả ngạn sông Hàn qua Tiên Sa mà tại đó, những cơ sở đầu tiên của cảng Tiên Sa đã do một công ty tư nhân Pháp đầu tư...   Trong lúc đó ngay tại thủ đô Paris, những cuộc tranh cãi về Đông Dương giữa Phủ toàn quyền và Hội đồng Tối cao ở Bộ Thuộc địa có lúc rất gay gắt. Và kết luận cuối cùng đứng về phía Toàn quyền Paul Doumer, phê chuẩn một kế hoạch tổng thể về đường sắt Đông Dương với tuyến xuyên Việt qua Đà Nẵng và các tuyến rẽ với tổng chiều dài 3.200 km với khoảng tín dụng 400 triệu franc. chịu lãi suất 4% mỗi năm. Riêng tuyến Đà Nẵng đi Huế và Quảng Trị là “đặc biệt cấp thiết” và “cần được xây dựng sớm nhất”!

Paul Doumer cho rằng: “Tuyến đường sắt từ Tourane đi Huế và phần kéo dài ra tận Quảng Trị đã vạch ra cho tuyến đường sắt huyết mạch Đông Dương- hoàn toàn có đầy đủ lý do để đưa vào hệ thống đầu tiên được xây dựng. Đây là lối ra biển cho Trung Kỳ và một vùng màu mỡ đông dân nhưng thiếu vắng cảng biển đã dẫn đến tình trạng thiếu liên lạc với bên ngoài...”. Dưới cái nhìn sâu rộng, Paul Doumer đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng này kể cả trong tương lai, mà Tourane lúc đó đã được coi như “tỉnh lỵ” của Trung Kỳ. Tuyến đường sắt và cảng Tourane lúc đó đã được ông tiên liệu là huyết mạch từ Đà Nẵng đi các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi và nối đến tận Ai Lao. “Không những đem lại thịnh vượng, nó còn giải thoát các tỉnh này khỏi cảnh khốn cùng, sự cô lập và chết chóc trong những thảm họa về thiên tai và Viễn Đông vốn vẫn phải chứng kiến quá thường xuyên...”, ông viết.

 Tàu thuyền tấp nập ở cảng Đà Nẵng vào thế kỷ XIX.

Không rõ giữa ý tưởng cách đây 130 năm và sáng kiến xây dựng Hành lang Kinh tế Đông- Tây, Tiểu vùng Mê Kông ngày nay có những xuất phát điểm tương đồng nào, nhưng rõ ràng là tư duy liên vùng từ vị trí thuận lợi của Đà Nẵng đã được đặt ra như một điểm tọa độ quan trọng... Đà Nẵng từ thời nhượng địa đến nay đã trải qua ngót 130 năm phát triển. Xen vào đó là các cuộc chiến tranh dai dẳng và bi thương, vài thập niên chìm đắm trong thời bao cấp lạc hậu. Có được một Đà Nẵng ngày nay là một thành tựu rất đáng tự hào, trong đó có kết quả canh tân của 30 năm đổi mới. Giờ đây, đọc lại những dòng hồi ký của Paul Doumer và nhìn lại một hành lang kinh tế Đông Tây vừa xây dựng sau chiến tranh, ta thấy đó là một hành trình đầy gian khổ nhưng tự hào. Niềm tự hào ấy lại càng to lớn hơn trong mỗi chúng ta vì Đà Nẵng đóng một vai trò đầu cầu quan trọng...

Sau chiến tranh, tôi đã nhiều lần đi bằng đường bộ đến các nước thuộc EWEC, mới có thể nhìn thấy những tiên đoán thiên tài của Paul Doumer và càng thêm khâm phục nỗ lực của các nhà tài trợ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á để mở ra một Hành lang kinh tế Đông Tây ngày nay. Có lẽ có một sự kế thừa trong nghiên cứu khi xem Cảng Tourane và đường Quốc lộ 9 như một điểm đầu phía biển và trục xương sống về phía tây khu vực... Rất tiếc là những khác biệt về thủ tục và pháp lý của trục kinh tế này chưa được khai thông nên vai trò của Cảng Đà Nẵng với Tiểu vùng Mê Kong vẫn chưa phát triển như mong đợi, nhất là về mặt giao thương!

Trương Điện Thắng

Kỳ tới: “Chợ Cồn, một đầu mối hàng và người...”