Ký sự Đà thành (Kỳ 5: Đường đến biển Thanh Bình)

Thứ sáu, 17/11/2017 12:52

Như đã nói, Rue Edouard de L'Horlet tức đường Khải Định rồi đổi thành Ông Ích Khiêm ngày nay là con đường dẫn từ Chợ Cồn ra biển Thanh Bình. Con đường này qua những ngã tư Lê Duẩn (trước là Pigneau de Béhane thời Pháp rồi Thống Nhất thời VNCH), Hải Phòng (Nguyễn Hoàng cũ), Quang Trung (đại lộ Boulevard Clémenceau)... cũng có nhiều điều đáng nhớ đối với lịch sử phát triển của Đà Nẵng...

Ngư dân cào nghêu ở bãi biển Thanh Bình (1960). 

Ngã tư Thống Nhất và nhà thờ Tin Lành

Con đường Thống Nhất trước năm 1950 mang tên một vị giáo sĩ người pháp, Linh mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc). Theo chính sử, ông là người từng thay chúa Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1779 với triều đình Louis XVI. Hiệp ước gồm 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp viện trợ cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến cùng 1.600 lính bộ binh, pháo binh và lính gốc Phi cùng các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi có chiến tranh ở khu vực Viễn Đông...

Cha tôi kể, bên cạnh ngã tư Thống Nhất và Khải Định gần nhà thờ Tin Lành có một cái giếng gạch cũ đã trở thành địa danh trong một thời gian dài, gọi là ngã tư Giếng Bể, không biết nó là giếng Chàm hay giếng Việt và người ta đã đập bỏ từ bao giờ. Nhưng nhà thờ Tin Lành thì có lẽ gắn liền với nhiều sự kiện của Đà Nẵng... Một người bạn của tôi theo đạo Tin Lành kể rằng, năm 1902, Bonnet đến Tourane  để thành lập cơ sở phân phối kinh Tân Ước và các sách Phúc âm chữ Hán trong tỉnh Quảng Nam, 10 năm sau  những nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp là Jaffray cùng Paul M. Hosler đặt chân đến Tourane để thiết lập cơ sở truyền giáo tại đây. Tháng 9-1921, Trường Kinh Thánh Đà Nẵng được thành lập và Hội đồng Tổng Liên hội Tin Lành tổ chức tại Đà Nẵng trước đệ nhị thế chiến đã góp phần phát triển đạo Tin Lành ở Việt Nam như hiện nay...

Mỗi lần đi qua con đường này, đứng trước ngôi nhà thờ, tôi không thể không nhớ đến một nhà văn Quảng Nam nổi tiếng đã cùng với vợ chồng Cadman, nhà truyền giáo người Mỹ từng miệt mài trong nhiều năm để dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt từ ngày chữ Quốc ngữ còn non yếu, mà ngày nay vẫn còn được sử dụng là cụ Phan Khôi, một "Ngự sử trên văn đàn Việt" như người ta từng xưng tụng! Nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng được tôn tạo bề thế như hiện nay trên đoạn đường này.

Bãi biển Thanh Bình

Năm 12 tuổi, tôi từng đi bốc gạch ngói trên những chuyến xe tải từ Thanh Quýt ra Đà Nẵng cùng với những người lớn tuổi vào dịp nghỉ hè. Giao hàng xong, trời đã tối, xe chạy một mạch ra bãi biển Thanh Bình, tấp vào khoảng đất rộng trồng dương liễu để hóng gió và ngủ lại cho đến sáng hôm sau. Bãi biển lúc bấy giờ còn khá vắng vẻ. Ngoài xa kia là Đầm Long Loan, Vũng Thùng, là Đệ nhất hùng quan Hải Vân, là cửa Hàn... còn huyền bí đối với trí óc non nớt của một đứa trẻ vừa học xong tiểu học như tôi. Về đêm, ở bãi biển Thanh Bình thường có những người phụ nữ, tay xách đèn dầu, tay bưng mủng hàng, cất tiếng rao lanh lảnh: Hột... vịt... lộn... đây...! Tôi bị cuốn hút bởi ánh sáng từ những bóng đèn tròn chao nghiêng trong gió biển. Nghe, nhìn những cảnh vật phố phường đầu đời của tôi là trên bãi biển này. Rồi sau đó, chìm vào giấc ngủ trên thùng xe lúc nào không hay...

Lúc đó tôi cũng chỉ biết những câu ca dao: Tai nghe súng nổ cái đùng/ Mới hay Tây lại Vũng Thùng hôm qua... mà những người phụ nữ nông thôn vẫn từng hát ru con. Lớn lên một chút tôi mới hiểu thêm về những trận chiến khốc liệt của nghĩa binh Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương, biết thêm về Đồi hài cốt của liên quân Pháp Y Pha Nho còn bỏ lại sau những năm 1858-1860... Để rồi, nhiều thập niên sau, tôi lại nhiều lần ra bãi biển Thanh Bình, cùng với các nhà văn xứ Quảng ngồi nói chuyện bể dâu. Nhà văn Cung Tích Biền đọc thơ Đường và nói chuyện Thư  pháp, nhà nghiên cứu Trương Duy Hy nói về những dự án văn học mà ông đang ấp ủ ở tuổi ngoài... cổ lai hy! Lại nhớ những lần cùng các nhà thơ Vũ Hữu Định, Hoàng Trọng Dũng, Phạm Phú Hải, Đoàn Huy Giao... và nhiều anh em văn nghệ Đà Nẵng cụng ly trước thềm biển. Lại nhớ những nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Thị Kim Cúc cùng tôi chân trần trên bãi tắm Thanh Bình một sớm mai yên ả và đọc thơ tình sau chiến tranh. Nhưng năm gia đình giáo sư Hoàng Châu Kỳ mua nhà ở đây, có lẽ tuần nào tôi cũng ra thăm vì chơi thân với các con ông-nhà thơ nữ Ý Nhi và nhà văn Hoàng Trọng Dũng...

Bây giờ con đường Nguyễn Tất Thành đã xóa đi những dãy nhà chồ và khu ổ chuột ven biển. Một cung đường ven biển thênh thang dài mấy chục cây số từ cầu Thuận Phước lên Phú Lộc rồi Xuân Thiều, Nam Ô, lên tận đèo Hải Vân từ sau đổi mới, với những nhà hàng, khách sạn sang trọng rực sáng ánh đèn nhiều màu sắc từng đêm. Rồi mai mốt đây một khu đô thị mới hình "mặt trăng" sẽ xuất hiện, nghe nói có cả sân golf, rạp hát... Cung đường hiện đại đã vô tình lấy mất của tôi hình ảnh một bãi biển Thanh Bình của ký ức, vô tình xóa mất dấu vết một bãi biển mang tên Redbeach mà năm 1965, những chiếc tàu há mồm lần đầu tiên chở các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đặt chân vào một cuộc chiến thảm khốc nhất Đông Dương!

Đường dẫn tôi ra bãi biển Thanh Bình suốt hơn 50 năm qua, hóa ra lại là con đường bao hàm cả không gian và thời gian của đổi thay của bao người Đà Nẵng...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Kỳ tới: "Những ngôi trường kỷ niệm"