Ký sự Đà thành (Kỳ 7: Từ Quai Courbet đến Bạch Đằng...)

Thứ hai, 20/11/2017 11:11

Con đường dọc bờ tây sông Hàn, nay là Bạch Đằng, có lẽ là một đường phố được hình thành sớm nhất của Đà Nẵng, đồng thời với con đường song song với nó, nay là Trần Phú, được toàn quyền Paul Doumer mô tả từ đầu thế kỷ XX khi ông đến Đông Dương nhậm chức năm 1897, với những tòa nhà đầu tiên được xây dựng và bắt đầu công cuộc xây dựng cảng sông Hàn…Vậy đó, cảng Đà Nẵng đã khai sinh ra thành phố Đà Nẵng, từ con đường này!

Cảnh sinh hoạt của người dân bên bờ sông Bạch Đằng Đà Nẵng (xưa).

Quai Courbet

 Đầu thế kỷ XX, Toàn quyền Đông Dương trích ngân sách 50 ngàn quan cho xây dựng con đường dọc bờ sông và bến cảng, đặt tên là Quai Courbet. Năm 1955, Quai Courbet được đổi tên thành đường Bạch Đằng và tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi đó Rue Jules Ferry (đoạn từ Đống Đa đến chợ Hàn) và  Avenue du Musée từ chợ Hàn đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm được ghép làm một đổi tên thành Độc Lập và từ năm 1975 đến nay là Trần Phú. Hai con đường tạo ra diện mạo đầu tiên cho thành phố. Thuở học trò tôi vẫn thích đạp xe trên con đường Bạch Đằng để nhìn cảnh ghe thuyền tấp nập và những dinh thự cổ xây dựng theo kiến trúc Pháp. Nào là dinh thự của Nha Thương Cảng, hải quan, cơ quan đại diện chính phủ “miền bắc Trung nguyên Trung phần” thời Ngô Đình Diệm, Cơ quan văn hóa Pháp (nay là thư viện), hãng rượu Sica (công ty foodinco), khách sạn Bạch Đằng, Tòa thị chính, ngân hàng Công Thương (nay là cơ quan Thành ủy), Bưu Điện... rồi đến hàng loạt kho hàng của các thương gia Hoa kiều bên cạnh một nhà ga xe lửa gần chợ Hàn. Con đường sắt chạy từ Cảng sông Hàn qua ga này đi về hướng nam, men theo bờ sông lên cầu De Lattre để qua Tiên Sa và một nhánh nữa đi thẳng Hội An trên nền cũ của con đường qua Điện Nam- Điện Ngọc ngày nay (đã bị trận lụt bão lớn năm 1916 phá hỏng).

Một nhà hàng nổi duy nhất trên sông Hàn mang tên Kim Đình, nghe nói của bà vợ tướng vùng VNCH Hoàng Xuân Lãm xây dựng và bến phà ngang qua sông gần đó... Vào những mùa nghỉ hè, tôi theo gia đình đi giữ vịt phía sông Cổ Cò nên vẫn thường chở trứng về theo những chuyến ghe chở rau quả từ phía Hói Kiểng, Hòa Xuân, Nước Mặn về Bến Mía gần ga xe lửa chợ Hàn. Những ngày đi học, tôi lại cùng chúng bạn xuống nô đùa, tắm lội dưới bến sông trước tòa nhà Bưu Điện. Lớn lên một chút, khi học đến đệ nhị cấp (cấp ba bây giờ), thì ra bờ sông uống nước mía để được ngồi trên những cái ghế nhựa hóng mát hoặc ôn bài. Trên đường, từng tốp nữ sinh áo trắng đạp xe đi hóng mát sau giờ học...

Cảng sông Hàn

Vịnh Đà Nẵng dù trong lịch sử được gọi là Hiện Cảng, Toron, Tourane... thì đó vẫn là một ưu đãi rất khác biệt của thiên nhiên. Các mô tả của nhiều sử liệu cho thấy, chính điều kiện tự nhiên thuận lợi đó đã tạo cho Đà Nẵng một lợi thế trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, thương mại. Có thể nói, như các đô thị lớn ven biển khác, chính cảng Đà Nẵng đã tạo ra thành phố Đà Nẵng! Từ một tiền cảng của Hội An, nếu lấy ngày 1-9-1901, khi Toàn quyền Pháp ký quyết định xây dựng cảng Đà Nẵng làm mốc, thì đến nay cảng đã có hơn 116 năm tuổi, là cảng thương mại lớn của miền Trung. Các tác giả Eugène Teston và Maurice Percheron trong cuốn Indochina moderne (Paris, 1931) mô tả về Cảng Đà Nẵng: “Vịnh Tourane tuy có thể là một bến cảng tuyệt vời, nhưng trên thực tế, nó chỉ là tiếp nhận duy nhất những con tàu trọng lượng 1.500 đến 2.000 tấn... Nơi tàu neo đậu gắn liền với dòng sông Tourane (nay là cảng Sông Hàn) bởi một con kênh được nạo vét, được mở cửa lần đầu tiên vào năm 1907 ở bờ biển, cho phép các con tàu chênh 5m vào cửa sông, con kênh đã được nạo vét, từ khi xây dựng lại năm lần khác nhau và hiện nay nó mới bị chặn lại: chỉ có những chiếc tàu sà lan mới có thể hoạt động được...”.

Trên sông Hàn người Pháp lần lượt cho xây dựng 12 cầu tàu có chiều sâu 7 đến 8m nước cho các con tàu lớn với trọng lượng từ 1.500 đến 2.000 tấn có thể cập bến và hoạt động mỗi khi con kênh từ cửa sông cho phép tàu đi qua, tức những lúc triều cường. Đa số tàu lớn đến từ Châu Âu và nhiều tàu nhỏ chở hàng ven bờ, xa nhất là Hồng Kông đã vào sông Hàn.  Tài liệu của Khâm sứ Trung kỳ ngày 31-5-1931 cho biết “trông thấy trong thành phố ấy những người An Nam đã thành lập những công ty thương mại...”. Cũng theo dự báo của Maurice Percheron thì giao thông, buôn bán vào những năm 30 thế kỷ trước trên cảng Đà Nẵng chỉ khoảng 100.000 tấn mỗi năm. Ông cho rằng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ phát triển khi tuyến đường sắt mới từ Tourane đến Nha Trang xây dựng xong; mỏ than Nông Sơn khôi phục việc khai thác, xuất khẩu thóc gạo và đường của Quảng Nam, Quảng Ngãi tăng lên; giao thương buôn bán một phần hoặc có nguồn gốc từ Lào khi tuyến đường sắt Tanap – Thakhek được xây dựng và khai thác du lịch đường biển từ Huế vào...

Từ sau năm 1986 đến nay, các điều kiện hạ tầng như đường sắt, đường liên Á, xuất khẩu, công nghiệp, du lịch biển đã phát triển vượt bậc. Đặc biệt các tuyến bay thẳng xuyên lục địa của ngành hàng không và làn sóng du lịch quốc tế đã tạo cho thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới (top 50) trong năm 2015. Nhiều mô tả trên các mạng xã hội gần đây còn cho thấy nhiều du khách tỏ ra thích thú với đô thị này, coi Đà Nẵng không những là thành phố đẹp mà cả con người Đà Nẵng cũng thanh lịch hơn nhiều nơi khác.

Tuy vậy, với hơn 6-7 triệu tấn hàng mỗi năm, Cảng Đà Nẵng  nay chỉ còn ở Tiên Sa, khi  toàn bộ các cầu cảng dọc sông Hàn không còn nữa, đã bắt đầu bộc lộ những bất cập về giao thông, kho bãi và năng lực nói chung. Cũng vậy, với lượng dân số 1 triệu người, thành phố Đà Nẵng cũng bộc lộ những hạn chế về không gian đô thị, xử lý môi trường, ngập nước và ô nhiễm cục bộ. Các nhà phân tích kinh tế và quy hoạch đang hối thúc đẩy nhanh đầu tư cảng Đà Nẵng về phía Liên Chiểu, trong lúc các quan tâm về môi trường, mật độ xây dựng, mật độ dân số không đồng đều, cảnh quan đô thị, thiết chế văn hóa và các di tích lịch sử của TP Đà Nẵng cũng đang đứng trước những thách đố nhãn tiền. Tất cả những vấn nạn đó là hiển nhiên của lịch sử và phát triển, nếu không được tiên liệu và xử lý thỏa đáng; nếu không có vai trò của một “kiến trúc sư” về phát triển và hoạch định chính sách dẫn dắt.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Kỳ tới: “Đến Đà Nẵng từ đường hàng không”