Ký sự Đà thành (Kỳ 8: Đến Đà Nẵng từ đường hàng không)

Thứ ba, 21/11/2017 10:00

Từ căn cứ quân sự đến sân bay quốc tế

Từ năm 1930, sau sân bay Tân Sơn Nhất, chính phủ thuộc địa Pháp bắt đầu cho xây dựng nhiều sân bay nhỏ ở Việt Nam phục vụ cho ngành hàng không bắt đầu phát triển ở Đông Dương, trong đó có sân bay Đà Nẵng (Tourane). Sân bay này nằm trên đất của các làng Cẩm Lệ thuộc tổng Thanh Quýt Trung, phủ Điện Bàn và làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Đó là một vùng đất cát dạng phù sa cổ màu mỡ được người dân canh tác hoa màu, lương thực hoặc đất rừng hoang hóa... Vào những năm 1935 đến 1939, trước khi Đệ Nhị thế chiến xảy ra, cơ sở vật chất của sân bay Tourane cũng chỉ mới có một phòng liên lạc bằng điện đài, kho xăng dầu và xưởng sửa chữa, thay thế, rồi có thêm các nhà kho, phòng làm việc, nhà ga, chỗ dành cho hành khách dân sự...

Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện đại, nâng tầm thương hiệu Đà Nẵng.

Trong chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954), sân bay được sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng các chuyến bay dân sự vẫn được thực hiện từ sân bay này thường xuyên hơn, nhất là từ năm 1951 trở đi. Những năm 1953 - 1954, công binh Pháp được huy động để mở rộng một đường băng dài 2.400m cho nhiều loại máy bay của Mỹ hỗ trợ tác chiến cho quân đội Pháp. Đến cuối năm 1957, sân bay Tourane bắt đầu được gọi là sân bay Đà Nẵng và trở thành Căn cứ Yểm trợ Không quân 4, cung cấp và hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động quân sự của phần phía bắc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Trong 2 năm 1962 - 1963, sân bay được mở rộng lên 950 ha, có một đường băng dài 3.048 m và một sân bay trực thăng, trở thành căn cứ không quân lớn nhất kiểm soát toàn bộ hoạt động trên không thuộc "vùng I Chiến thuật" của chế độ VNCH.

Chiến tranh càng leo thang, sân bay Đà Nẵng trở thành một căn cứ hoạt động chung của cả dân sự và quân sự với các phi đội máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng của quân đội Mỹ và không quân VNCH. Đà Nẵng, từ một sân bay có một đường băng nhưng tần suất hoạt động rất cao (những ngày cao điểm có đến 1.500 lượt máy bay hạ cánh và cất cánh) được báo chí nước ngoài mô tả là một sân bay "bận rộn nhất thế giới". Từ năm 1966 đến 1974, dù đã có hai đường băng (trung bình số  máy bay lên xuống đến trên 55.000 lượt mỗi tháng)...Về mặt dân sự, chỉ có một hãng hàng không duy nhất là Air Việt Nam khai thác, từ các loại máy bay DC 4, DC 6; Cravan, Boeing 727 và các chuyến bay thuê của quân đội Mỹ từ HongKong, Thái Lan, Nhật đến không theo lịch...

Sau năm 1975, sân bay Đà Nẵng vẫn sử dụng chung giữa quân sự và dân sự. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam airlines) khai thác các loại máy bay của Liên Xô cũ cỡ nhỏ như AN, Tu... Đến sau đổi mới, sân bay Đà Nẵng trở thành một trong ba cảng hàng không Quốc tế của Việt Nam và có những đường bay trực tiếp đi nhiều nước và vùng lãnh thổ như một cửa ngõ giao thương, du lịch quan trọng cho cả miền Trung đồng thời với việc hiện đại hóa ngành hàng không dân sự Việt Nam...

Đến nay, đã có hàng chục hãng bay có các chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng. Sân bay được nhiều lần nâng cấp để đáp ứng nhu cầu khách du lịch ngày một tăng lên. Đặc biệt, với sự kiện APEC 2017 do TP Đà Nẵng đăng cai vừa qua, sân bay quốc tế Đà Nẵng một lần nữa được mở rộng với quy mô và tiện nghi chưa từng thấy... Trải qua 86 năm tồn tại, ngoại trừ vài giai đoạn phục vụ chiến tranh, các nhà nghiên cứu hàng không đều nhận định chung: trước, sau, Đà Nẵng vẫn là một sân bay dân dụng phục vụ cho phát triển và giao thương!

Những tấm lòng đã mở ra

Nhìn lại lịch sử phát triển Đà Nẵng từ khi bắt đầu là nhượng địa của Pháp đến nay, tuy việc xây dựng có khác nhau về thời gian, qui mô và chịu những tác động của những điều kiện cụ thể, nhưng cả ba "trụ cột" hạ tầng là đường bộ-đường sắt qua Hải Vân, cảng biển và sân bay Đà Nẵng đều đã trở thành những công cụ mang tính động lực giúp thành phố đẩy mạnh việc mở rộng giao thương với bên ngoài. Có thể nói, đây là những cơ sở vật chất tạo ra đà canh tân trong hơn một thế kỷ qua cho một đô thị mà ngày nay chúng ta gọi là "đô thị động lực" của một vùng trọng điểm kinh tế miền Trung... Nhưng hạ tầng kinh tế- kỹ thuật luôn là những điều kiện cần mà chưa đủ. Nhiều du khách nước ngoài than phiền Đà Nẵng thiếu những sinh hoạt giải trí vào ban đêm, du khách chỉ ghé qua mà chưa ở lại nhiều ngày và chưa chi tiêu cho những dịch vụ mà ngành du lịch và thương mại hằng mong muốn. Lại có những thị trường du khách tiềm năng bỏ rơi Đà Nẵng chỉ vì thiếu đường bay thẳng, thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng nước họ... Tất cả những thiếu sót ấy đang được TP điều chỉnh từng ngày bởi giờ đây doanh thu du lịch- thương mại đã chiếm đến gần một nửa GDP hàng năm của thành phố. Người kinh doanh khách sạn, lái taxi, tiểu thương buôn bán ở các chợ, những doanh nhân đầu tư vào nhiều hoạt động giải trí, hàng lưu niệm mỗi ngày đều đã hưởng lợi từ các nguồn thu từ du khách trong kinh doanh của mình. Những người bạn tôi có các chuỗi cửa hàng mỹ nghệ Non Nước,  mì Quảng, thịt heo bánh tráng mang thương hiệu Mậu, Trần hay cả  kinh doanh mắm cá cơm Dì Cẩn, hải sản khô, trầm hương và cả dịch vụ tắm nước ngọt trên bãi biển ở Đà Nẵng đều cho biết "văn minh và hiếu khách trong kinh doanh giờ đây đang trở thành những bài huấn luyện mỗi ngày cho các nhân viên của mình...". Những người lái taxi hay đạp xích lô mỗi ngày mỗi cố gắng trau dồi tiếng Anh. Anh bạn phụ xe ở xóm tôi bây giờ ăn mặc tinh tươm ra đi mỗi sáng, luôn ghé vào quán cà phê đầu hẻm kể chuyện về đặc điểm của từng đoàn du khách: anh ấy đã chuyển sang phụ xe đưa đón khách du lịch cho một hãng lữ hành và thu nhập tăng lên thấy rõ! Hạ tầng Đà Nẵng được xây dựng nhanh chóng đã mở ra những lối hòa nhập với thế giới, nhưng tấm lòng của con người Đà Nẵng nếu chưa mở ra để đón bè bạn phương xa bằng phong cách mới, vừa hiện đại lại vừa biết hãnh diện bởi truyền thống của mình, thì e rằng khát vọng phát triển cũng chỉ là những giấc mơ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Kỳ tới:  Cẩm Lệ,  Hóa Khuê-miền địa linh