Kỹ sư Đoàn Khắc Trung – Trưởng Ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến: "Lúc mới nhận nhiệm vụ, chẳng ai dám tin làm xong bệnh viện trong 4 ngày”

Thứ tư, 12/08/2020 15:27

“Theo cam kết của lãnh đạo Sun Group với thành phố, BVDC sẽ được thi công xong trong vòng tối đa 6 ngày. Khi nhận nhiệm vụ, anh em chúng tôi đã lập tức đặt cho mình một mục tiêu khác: cần phải sớm hơn thế, chỉ 4 ngày”. Đó là chia sẻ của kỹ sư Đoàn Khắc Trung – Trưởng Ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến (BVDC) tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng). 

Kỹ sư Đoàn Khắc Trung.

Sau 3,5 ngày triền miên túc trực cho đến khi BVDC thành hình, anh Đoàn Khắc Trung đến thời điểm này vẫn tất bật chạy đi chạy lại để tiếp tục cùng với Sun Group và các nhà thầu hỗ trợ thành phố hoàn thiện các hạng mục tiếp theo, trước khi đưa bệnh viện vào vận hành chính thức vào ngày 14/8 tới. 

P.V: Thưa anh, so với các BVDC khác tại Việt Nam thì việc thi công BVDC tại Cung thể thao Tiên Sơn trong vòng 3,5 ngày là thời gian kỷ lục. Lúc nhận nhiệm vụ, anh có nghĩ Sun Group sẽ hoàn thành được BVDC đúng tiến độ hay không?

Kỹ sư Đoàn Khắc Trung: Theo cam kết của lãnh đạo Sun Group với thành phố, BVDC sẽ được thi công xong trong vòng tối đa 6 ngày. Khi nhận nhiệm vụ, anh em chúng tôi đã lập tức đặt cho mình một mục tiêu khác: cần phải sớm hơn thế, chỉ 4 ngày. Và ở thời điểm ấy, trong tay tôi khi đó có vỏn vẹn... 30 “quân”. Lúc ấy thực sự chúng tôi cam kết bằng lý trí, chứ cũng không hiểu làm sao có thể hoàn thành tiến độ trong vòng 4 ngày khi vẫn còn quá nhiều khó khăn chưa thể giải đáp. 

Nhưng lúc đó, tôi hiểu rằng không có thời gian để nghĩ nhiều nữa, chỉ có cách là vào việc ngay thì mới kịp. Có lẽ, nhờ được truyền nhiệt huyết, quyết tâm từ những lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn cũng như lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của tất cả mọi người. Mọi việc chạy rất suôn sẻ, chính tôi cũng thấy bất ngờ.

Đội ngũ kỹ sư hội ý thi công BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.

P.V: -Ngoài áp lực về thời gian, các anh còn phải vượt qua những khó khăn nào?

Kỹ sư Đoàn Khắc Trung: Ngoài vấn đề thời gian cần thần tốc, thì việc thi công BVDC cũng là nhiệm vụ bất ngờ và quá mới mẻ với chúng tôi. Mặc dù lúc đó thành phố đã có mẫu thiết kế rồi, nhưng để kịp tiến độ thì chúng tôi xác định mẫu thiết kế phải phù hợp với thực tế mà vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi cùng với các nhà thầu đã đưa ra 3 phương án thiết kế phù hợp với thực tế tại Cung thể thao Tiên Sơn. Thành phố cũng rất cởi mở và ủng hộ phương án đưa ra của chúng tôi. Kết quả cuối cùng chính là BVDC mà chúng ta đã có tại Cung Thể thao Tiên Sơn hiện nay, vừa đảm bảo chất lượng đạt chuẩn, vừa tiết kiệm chi phí nhất. 

Vấn đề khó khăn thứ hai, như tôi đã chia sẻ là làm sao có thể huy động đủ nhân sự thi công trong bối cảnh quá ngặt nghèo của Đà Nẵng, vừa dịch bệnh, vừa giãn cách xã hội. Ấy vậy mà sau vài tiếng trao đổi qua lại với các bên, với các nhà thầu sau khi nhận nhiệm vụ, ngay chiều hôm đó, tôi đã huy động được 120 công nhân. Điều tôi xúc động hơn cả là nhiều người dân Quảng Nam – Đà Nẵng xung phong tham gia, dù tình hình dịch bệnh phức tạp như thế, nhưng họ chia sẻ là “làm được gì cho nhân dân, cho quê hương là họ làm ngay”. Sáng hôm sau, chứng kiến anh em công nhân đứng dàn hàng ngăn nắp đâu vào đó, tôi biết chắc chắn mình sẽ kiểm soát được tiến độ và đạt tiến độ rồi.

Vấn đề thứ ba là làm sao có thể mua sắm đầy đủ thiết bị, vật tư để làm bệnh viện chỉ trong 2-3 ngày? Bình thường để làm đủ thủ tục, quy trình theo quy định thì có lẽ phải mất đến cả tháng,  chưa nói đến sự khó khăn của bối cảnh giãn cách xã hội, dịch bệnh. Nhưng để đạt tiến độ thi công BVDC, mọi quy trình, thủ tục đều phải… “phá” hết. Lúc đó, tôi có chia sẻ với anh em là “nếu có bị phạt vì sai quy trình thì tôi sẵn sàng chịu phạt, coi như là làm vì nhân dân”. Có lẽ vì tất cả các phòng ban chức năng đều hiểu tính chất và ý nghĩa của công trình này nên ai cũng hỗ trợ hết lòng, việc chạy ro ro. Chỉ sau 2 ngày thì thiết bị vật tư đầy đủ, không thiếu thứ gì. Để lo chỗ ăn uống cho anh em trong những ngày thi công BVDC, tôi cũng chỉ gọi một cuộc điện thoại cho Giám đốc Công viên Châu Á nhờ vả, thế là hàng trăm công nhân và CBNV Sun Group đã có chỗ ăn uống đầy đủ, đảm bảo. Đây là một việc chưa từng có tiền lệ.  

Bên cạnh đó, còn một số khó khăn kỹ thuật khác liên tục nảy sinh trong suốt quá trình thi công, nhưng nhờ những kinh nghiệm sau nhiều năm làm công trình, chúng tôi cũng nhanh chóng tìm ra giải pháp.





Chạy đua với thời giant thi công cho kịp mốc tiến độ khắt khe thành phố đề ra.

P.V: Những hạng mục nào phức tạp nhất và khó làm nhất khi thi công công trình này?

Kỹ sư Đoàn Khắc Trung: Có lẽ khi mọi người nhìn vào, chỉ thấy mọi thứ khá đơn sơ là những chiếc giường, tấm vách, quạt, đèn, nhưng thực tế còn rất nhiều yếu tố khác phức tạp để xây dựng BVDC. Điển hình như hệ thống vệ sinh cho BVDC, đây vốn là Cung thể thao phục vụ cho khán giả đến xem thi đấu nên nhu cầu vệ sinh khá đơn giản, không có tắm giặt. Nhưng khi biến thành BVDC, sẽ phát sinh việc cần trang bị các thiết bị phục vụ nhu cầu tắm giặt cho y bác sĩ, bệnh nhân tại đây. Chúng tôi phải chế thêm nhiều vòi sen để phục vụ nhu cầu thực tế phát sinh.

Bên cạnh đó, trước đây nước ở đây chỉ là nước sinh hoạt thông thường, có thể thông qua hệ thống xử lý sơ bộ nhất như bể tự hoại để xả vào hệ thống thoát nước của thành phố. Nhưng bây giờ BVDC sẽ có khu truyền nhiễm, nên toàn bộ hệ thống xử lý nước thải phải sửa lại hết để đảm bảo không được phép xả vào hệ thống cống chung của thành phố, làm lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi phải chạy một hệ thống thu gom, thoát nước riêng cho BVDC. Sau khi thống nhất phương án với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Y tế và Công ty thoát nước, chúng tôi đã phải xử lý để gom hết tất cả các điểm xả tại các trục chính của tòa nhà để xử lý, sát khuẩn và bơm đi. 

Ngoài ra, hệ thống thông gió của BVDC cũng phải làm lại theo yêu cầu của các chuyên gia y tế. Chúng tôi phải đầu tư một bộ hệ thống lọc gió rất hiện đại để trang bị riêng cho BVDC, đảm bảo gió được lọc sạch sẽ, trước khi được hút và xả ra môi trường, đảm bảo không lây lan virus ra ngoài cộng đồng.

Hệ thống xử lý rác thải của phòng xét nghiệm cũng phải được trang bị riêng để thu gom, xử lý bằng chlorine nén, tia UV để sát khuẩn, rất phức tạp chứ không chỉ đơn giản như những thứ nhìn thấy trên hình.

BV dã chiến hình thành chỉ sau 3,5 ngày thi công.

P.V: Giờ đây, khi BVDC đang chuẩn bị đưa vào vận hành, anh có suy nghĩ gì?

Kỹ sư Đoàn Khắc Trung: Có lần đọc báo, tôi vô cùng ấn tượng và xúc động với câu chuyện các nữ bác sĩ, y tá Đà Nẵng hy sinh mái tóc dài để thuận tiện cho công tác phòng chống dịch, rồi hình ảnh những y bác sĩ tranh thủ chợp mắt một cách vạ vật sau những giờ làm việc mệt mỏi, hay lực lượng quân đội phải ăn ngủ tạm bợ để canh giữ chốt kiểm dịch nơi biên giới khiến tôi thấy cay cay sống mũi. So với sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu như các y bác sĩ, các cán bộ y tế, công an, bộ đội và các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế…, những đóng góp công sức của anh em chúng tôi trong việc thi công BVDC là vô cùng nhỏ bé, chưa thấm vào đâu. Nhưng được góp một tay để chia sẻ với những khó khăn, vất vả với thành phố Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch này, tôi cảm thấy tự hào và may mắn.

P.V: Xin cảm ơn anh!

P.V