Ký sự Trường Sa (5)

Thứ tư, 25/06/2014 11:17

* Kỳ cuối: Rất đẹp hình ảnh người chiến sĩ Hải quân

(Cadn.com.vn) - Lẽ dĩ nhiên, những người chiến sĩ Hải quân ngày đêm canh giữ biển trời cho quê hương có đầy đủ những phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng ở nơi đầu sóng ngọn gió. Nói về sự dũng cảm, kiên cường hay mưu trí e là bao nhiêu cũng không đủ. Chúng tôi muốn nói đến những phẩm chất rất giản dị, rất đời thường mà cũng hết sức đặc biệt.

Sống giữa đảo, thiếu thốn nhiều thứ nên các chiến sĩ Hải quân của chúng ta phải rất tiết kiệm. Và nhờ đó cũng rèn luyện tinh thần tiết kiệm cho các chiến sĩ, cũng như khơi gợi sự sáng tạo.

Đến một số đảo chìm, do ở khu vực rạn san hô nên cần phải có luồng để ca nô có thể vào được mà không vướng đá hoặc san hô ngầm, các chiến sĩ ta dùng quả bóng, thùng nhựa… để làm các phao, có tác dụng không khác gì phao chuyên dụng, lại có màu sắc và hình thù đặc biệt. Thiếu các dụng cụ đựng đồ, các anh cắt lon bia, chai nhựa, thùng nhựa… để làm đồ múc nước, để xà phòng, kem đánh răng hoặc các vật dụng nhà bếp. Cơm nấu cho chiến sĩ, phần cháy hoặc khét, đồ ăn thừa… được dùng để nuôi gà, vịt, chó, một số đảo còn để nuôi heo.

Làm thức ăn, các thứ thừa thãi hoặc phải bỏ đi như đầu cá, xương vụn… đều được tận dụng để "cải thiện" cho các vật nuôi. Nếu ở đất liền ăn rau thường lặt bỏ phần thân hoặc lá già thì trên đảo chỉ phần nào không ăn được, còn lại đều dùng cả, kể cả phần không ăn được đó cũng dùng để ủ làm phân. Một số loại rau như quế, húng, rau muống…, chiến sĩ của ta chỉ ngắt ngọn hoặc lấy lá, thân (gốc) và rễ được giữ lại để lên chồi lên lá tiếp. Trên một số đảo, chiến sĩ còn thu gom lá cây bàng, bàng vuông, để vào một chỗ dùng rải gốc cây nhằm giữ ẩm hoặc ủ phân bón cho cây…

Một góc đảo Nam Yết rợp bóng cây xanh nhìn từ ngọn hải đăng.

Đặc biệt là việc tiết kiệm nước. Nhiều khi chiến sĩ phải tắm nước mặn, sau đó mới xả lại nước ngọt, mà nước ngọt tắm xong cũng phải giữ lại để tưới cây. Ở các nhà vệ sinh thường có khẩu hiệu kêu gọi tiết kiệm nước và thiết kế việc dội nước sao cho tiết kiệm nhất mà vẫn sạch sẽ. Nước vo gạo, rửa chén, làm cá thịt, giặt đồ… đều được tận dụng tối đa theo cách có thể để mỗi tí nước ngọt đều thực sự có ích và không bị lãng phí.

Việc tiết kiệm điện cũng rất triệt để. Các bóng điện đều dùng loại công suất thấp, ít hao điện; nghiêm túc chấp hành việc tắt các thiết bị điện khi không dùng đến; tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời trong làm việc, sinh hoạt, như tranh thủ ăn cơm lúc trời còn sáng, phòng làm việc mở rộng các cửa sổ; với một số việc, nếu tiện thì nhiều người cùng làm ở nơi phải dùng đèn thay vì mỗi người làm một nơi với một bóng điện riêng…

Ngoài ra, việc sử dụng các trang thiết bị khác, quần áo…, cũng trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Lên đảo Phan Vinh A, mọi người đều thấy ấn tượng với những cây dừa, bàng vuông, tra được đánh số hẳn hoi, in bằng bảng mica rất đẹp. Có lẽ ở các thành phố hay các công viên thì cây cối mới được "có tên" như vậy. Khắp nơi trên hòn đảo mang tên người anh hùng thuyền trưởng của tàu không số Nguyễn Phan Vinh (1933 - 1968) trong kháng chiến chống Mỹ, cây xanh rợp mát. Từng cây được chăm sóc tốt, cắt tỉa khá gọn gàng; nhiều cây dừa có trái, vài cây bàng vuông có hoa đẹp, các cây tra đều ra bông dài. Ra vườn rau, thấy có rau muống, cải, góp phần làm tăng thêm màu xanh cho đảo.

Ở Sơn Ca, ai nấy đều trầm trồ bởi đảo có rất nhiều cây xanh, những con đường, những khoảng sân đều rợp mát với phong ba, bàng, bàng vuông, dừa... Rau thì có rau muống, mồng tơi, rau dền, mướp, bí đao… Ở chùa Sơn Ca còn có vài loài hoa kiểng là sứ, trang đỏ và bông giấy. Ở bãi đất hoang, nhiều cây dừa vừa được trồng, dự kiến sẽ có một vườn dừa xanh tốt; còn dưới chân, rau muống biển kiên gan phát triển dưới cái nắng gay gắt và nền đất chỉ có cát và san hô. Ở Nam Yết, cây cối còn nhiều hơn. Từ xa xa đã thấy những cây dừa cao, cứ tưởng như là đang đến một hòn đảo du lịch.

Trên đảo, có khá nhiều cây mù u cổ thụ mà nhiều người không biết được trồng tự bao giờ, có lẽ từ thời các chính quyền trước đây đến quản lý đảo, trên dưới nửa thế kỷ. Bàng rất nhiều, ngoài ra còn có bàng, bàng vuông và nhất là một số loài cây ăn trái như chuối, đu đủ. Nam Yết khá rộng nên rau xanh cũng được trồng khá nhiều, với mồng tơi, rau muống, ớt, quế, cải… Từ ngọn hải đăng ở cuối đảo nhìn xuống, Nam Yết như một hòn đảo xanh được điểm xuyết bằng nhà mái đỏ của nhà văn hóa.

Đảo Sinh Tồn Đông cũng có rất nhiều cây xanh. Hôm đoàn đến đảo, trời có mưa nhẹ, những tán cây đẫm nước, những bông bàng vuông nở tím hồng còn đọng những hạt nước long lanh, phong ba và bão táp tươi hẳn trong nắng mới, dừa nghiêng những tàu lá xạc xào… Ở các vườn rau, dền, mồng tơi, rau sam, rau muống, khoai lang… xanh mướt, thể hiện sự chăm chút của bàn tay các chiến sĩ cũng như cho biết rằng bữa ăn của các chiến sĩ có nhiều chất xanh, không đến nỗi thiếu kém… Ngoài các bãi, rau muống biển mọc ngang dọc, phủ một màu xanh dịu dàng trên nền cát và san hô trắng xóa, vài chỗ còn nở hoa tim tím xinh xinh… Ai tinh mắt còn thấy cả hoa màn chi màu vàng tươi, hoa trinh nữ màu hồng phớt…, chẳng khác ở đất liền…

Nhưng không phải đảo nào cũng có nhiều cây xanh. Nhất là ở đảo chìm, do diện tích rất nhỏ hẹp nên gần như không có đất để trồng cây. Trên đảo Đá Lớn, có mỗi một cây bàng vuông được trồng trong một cái chậu, đặt nép vào một góc đảo. Cây xanh trên đảo chỉ có vườn rau be bé, từ các chậu nhựa, nhưng rất phong phú với rau muống, dền, cải, húng, sả, mồng tơi, quế, ớt… Ở Len Đao hay Phan Vinh B, các nhà giàn…, tình trạng cũng thế, khiến màu xanh ở đảo gần như chỉ có màu của trời, của biển. Như ở nhà giàn DK1/19 mà tôi đến, mái nhà được xây chơi vơi các trụ sắt, khoảng không gian vô cùng nhỏ hẹp, vậy mà các chiến sĩ cũng "cơi" thêm một khoảnh để trồng rau và mấy cái lồng nuôi bồ câu, gà, chó… Đó là sự "tận dụng" tối đa để có thêm mảng xanh, giúp cho cuộc sống của các CBCS thêm tươi mát, sinh động…

Cây xanh trên đảo được chăm chút cẩn thận. Ở Phan Vinh A, anh em còn thực hiện việc chiết cành các cây để trồng, thay vì trồng bằng hạt rất lâu lớn. Ở Nam Yết và các đảo khác, lá cây được quét thu gom để ủ làm phân, bón lại cho cây. Trên các đảo, dừa là một của cải quý giá, nên phần lớn được để già và tiếp tục làm giống, thay vì mang giống từ đất liền ra sẽ khó thích nghi. Việc sử dụng mỗi quả dừa phải có lệnh của chỉ huy… Có vậy mới thấy cây xanh ở đảo quý giá như thế nào. Và cũng vì vậy mới hiểu rằng với các chiến sĩ, cây xanh như đồng chí, đồng đội của mình, được các anh chăm chút, giữ gìn…

***

Rời các đảo, chúng tôi ai nấy đều mong mỏi có dịp trở lại. Nơi trùng khơi ấy, dù các CBCS phải luôn tư thế sẵn sàng chiến đấu, dù biển Đông thời gian gần đây đang dậy sóng với sự hung hăng của một số lực lượng có tham vọng bành trướng, nhưng cuộc sống vẫn tươi đẹp, nụ cười vẫn rạng ngời trên môi các chiến sĩ, trên các em bé ở đảo Trường Sa lớn. Và trên các đảo, cây lá vẫn xanh, hoa bàng vuông vẫn nở tím hồng thanh khiết, hoa muống biển vẫn nở dịu dàng trên bãi cát và đêm đêm ngọn đèn từ các cột hải đăng vẫn lấp lánh chỉ đường cho tàu thuyền qua lại. Trên đầu súng trăng vẫn treo, ta vẫn phải giữ chắc tay súng dù đời ta chỉ thích hoa hồng… Và, dù có bão tố phong ba, chúng ta vẫn vượt qua!

Trúc Giang

Trường Sa, tháng 6-2014