"Kỳ trăng mật" ấn tượng của Tổng thống Biden
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây quyết định sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội, đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền (vào ngày 30-4 tới), trong đó nói về "những thách thức và cơ hội của thời điểm lịch sử này". Tờ The Star dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là 100 ngày đầu tiên ấn tượng nhất của một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ kể từ khi cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt phát minh ra điểm chuẩn cho một ông chủ Nhà Trắng.
Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1. Ảnh: CNN |
Sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1, ông Biden khởi động chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh và kinh tế. Ông chủ mới của Nhà Trắng cũng cho thấy nỗ lực đảo ngược chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump để thúc đẩy hợp tác quốc tế về nhiều vấn đề, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Và càng tiến gần đến mốc đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Biden, các chính sách này càng hiện rõ.
Thực tế là: gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD - đã hoàn thành; tái tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu - đã thực hiện; gói kiểm soát súng đạn đầu tiên trong 3 thập kỷ - đã xong; nội các phê duyệt nhanh nhất trong 4 nhiệm kỳ tổng thống - đã xong. Và mục tiêu ngay trước mắt là thỏa thuận Iran, thỏa thuận khí hậu và 3.000 tỷ USD để tái thiết mạng lưới cơ sở hạ tầng đang đổ nát của Mỹ và một hệ thống thuế toàn cầu mới.
Ở bên ngoài nước, mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh chủ chốt đang dần hồi sinh sau những ngày dài căng thẳng dưới thời Tổng thống Trump. Tổng thống Biden đã lần đầu tiên tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức, đó là Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Cuộc gặp đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Mỹ sau thời gian lạnh nhạt, mâu thuẫn trong vấn đề thương mại và quan điểm khác biệt về các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Và thật sự đây là cuộc gặp cấp cao trọng tâm thu hút trên sân khấu chính trị thế giới. Vấn đề thâm hụt thương mại đã được giải quyết cuối năm 2019 sau khi Tokyo đưa ra nhiều nhượng bộ để tránh việc Washington tăng thuế đối với mặt hàng ô-tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, hai vướng mắc còn lại vẫn tồn tại cho đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Điều này đã gây sứt mẻ quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ cho dù cả Thủ tướng Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Shinzo Abe đều coi quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng của chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Theo các chuyên gia, sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, các "điểm đen" này đã nhanh chóng được giải quyết.
Trong khi mối quan hệ với các đồng minh bắt đầu ấm dần, mối quan hệ Trung- Mỹ lại đi theo chiều hướng ngược lại. Suốt 4 năm dưới thời ông Trump, quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Và 3 tuần sau khi nhậm chức, ông Biden có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ phải chứng kiến "sự cạnh tranh khắc nghiệt" với Washington nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên sẽ rơi vào tình huống xung đột. Ông Biden bày tỏ hàng loạt quan ngại liên quan đến các hoạt động thương mại của Trung Quốc, tình hình Hồng Kông, Đài Loan.
Có thể thấy, giống người tiền nhiệm, Tổng thống Biden có những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng ông cam kết sẽ theo đuổi một cách tiếp cận khác biệt, có sự nhất quán trong tuyên bố và hành động, căn cứ vào trật tự dựa trên luật lệ và dân chủ. Và hiện nay, mối quan hệ hai nước cũng không mấy cải thiện. Cuộc "chạm trán" đầu tiên ở Hội nghị thượng đỉnh Alaska cho thấy rõ căng thẳng giữa hai nước. Theo các chuyên gia, cả Mỹ và Trung Quốc đều tung ra những giọng điệu gay gắt nhằm vào nhau theo kiểu muốn "đánh phủ đầu" ngay trong cuộc gặp đầu tiên.
Theo nhiều chuyên gia, mối lo ngại lớn nhất mà các chuyên gia đặt ra trong 100 ngày nắm quyền của ông Biden cũng chính là tình trạng căng thẳng Mỹ-Trung. Nhưng thực tế là, nhiều người ủng hộ chính sách cứng rắn với Bắc Kinh của ông chủ mới của Nhà Trắng.
KHẢ ANH