Ký ức của một nữ thương binh

Thứ hai, 24/07/2017 12:16

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, có 3 anh trai là Võ Văn Đình, Võ Văn Phong và Võ Văn Ti đều tham gia cách mạng, từ bé, cô bé Võ Thị Các (quê xã Vinh Thái, H. Phú Vang, tỉnh TT-Huế) luôn đòi theo các anh ra chiến trường đánh giặc. Nhưng khi nghe các anh nói em là nữ, phải ở nhà để tiếp tế lương thực cho cán bộ nằm vùng của ta, thay các anh chăm sóc cha mẹ già, Các đành phải nghe lời. Năm 18 tuổi, Võ Thị Các được dân bầu làm thôn trưởng, Bí thư Chi bộ xã Vinh Thái, rồi Ban kiểm soát Bí thư Chi bộ huyện, được bầu vào huyện ủy viên...Cũng năm này Các lập gia đình với một thanh niên cùng làng là Lê Văn Trĩ (sau này được truy tặng danh hiệu AHLLVTND).

Bà Võ Thị Các 

Theo lời kể của bà Các, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Vinh Thái là "vùng lõm" cách mạng, nổi tiếng với hàng trăm trận đánh oanh liệt, nhiều chiến công lừng lẫy. Nơi đây từng là bãi chiến trường xưa ghi đậm dấu ấn chiến công của Trung đoàn 101 trong trận đánh tiêu diệt 950 tên địch, bắt sống 70 tên của trung đoàn Soskel Pháp vào đêm 25 rạng ngày 26-7-1951. "Trận này Trung đoàn 101 vui mừng đón nhận thư khen ngợi của Bác Hồ: "Một lần nữa, Bác vui mừng và thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ chiến sĩ đã đánh thắng trận ở Phú Vang. Thắng lợi ấy chứng tỏ bộ đội ta dũng cảm, và tiến bộ. Thắng lợi ấy một lần nữa nhờ sức mạnh đoàn kết và ủng hộ của nhân dân. Vậy các chú chuyển lời Bác cám ơn đồng bào"- bà Các bồi hồi kể. Trận đánh này, tập thể xã Vinh Thái và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Để kỷ niệm chiến công của quân và dân ta trên chiến trường TT-Huế trong những ngày đầu đánh Pháp, chính quyền địa phương lấy địa danh nơi xảy ra trận đánh oanh liệt ấy đặt tên cho một con đường ở thành phố Huế.

Bà Các nhớ lại, hồi đó, hàng ngày, bà đi tìm vị trí đào hầm giấu cán bộ an ninh. Ngày ngày, bà lén lút đưa cơm tới cho cơ sở cách mạng. Một vài lần, bọn lính ngụy bắt gặp bà đi tiếp tế lương thực cho cán bộ đã đến tận nhà đòi đốt, đánh đập. Bà chịu những trận đòn tra khảo ác liệt, đánh đập dã man của kẻ thù nhưng vẫn một lòng, một dạ cam chịu cực hình chứ không khai ra cơ sở bí mật. Một ngày cuối năm 1969, biết địch chuẩn bị càn quét, thả bom đạn vào các hầm bí mật của ta, bà Các đưa cơm đến sớm hơn nhưng không may bị địch phát hiện. Chúng lấy cơm, thức ăn, nước uống đổ lên đầu bà. Rồi chúng kéo bà lên một động cát, dùng đùi đánh liên tục. Đau đớn nhưng bà vẫn không la khóc mà chỉ ôm bụng bảo vệ bào thai gần 7 tháng tuổi. Thấy bà bất tỉnh, chúng bỏ đi mặc bà nơi động cát trắng dưới trời nắng gắt. Mấy giờ sau, người dân đi ra phá mới phát hiện bà đưa lên trạm xá  nhưng không cứu được đứa bé. Chỉ mấy ngày mới bình phục sức khỏe, bà các lại tiếp tục bí mật bới cơm cho cán bộ, bộ đội ta. "Lần này, khi địch phát hiện, đã áp tải mệ ra ngoài nghĩa địa để bốc hài cốt. Lúc này, sức khỏe mình còn yếu nhưng khi cất bốc, chúng yêu cầu mình phải ngồi dưới gió và chỉ cho hít vào và cấm tuyệt đối không được thở ra. Rồi, địch biết nếu thả ra mình cũng sẽ nuôi giấu cán bộ nên bắt đưa lên giam cầm ở nhà tù Lao Thừa Phủ". Những ngày bị giam cầm trong tù, bà Các lần lượt nhận nhiều tin dữ là các anh ruột của mình đã hy sinh ở chiến trường...

Hướng về bàn thờ người chồng quá cố- Anh hùng LLVTND Lê Văn Trĩ- nguyên quyền trưởng ban An ninh H. Phú Vang, bà Các nước mắt tuôn trào nghẹn lời. Nói về sự hy sinh của đồng chí Lê Văn Trĩ, trong tâm thức của Thiếu tướng Phan Văn Lai- nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), Chánh Thanh tra Bộ Công an xúc động:Lần ấy, tôi theo đường dây từ Hương Thủy về Phú Vang. Người đầu tiên đón tôi từ trạm giao liên là đồng chí Lê Văn Trĩ. Dù chưa bao giờ gặp nhau, nhưng Trĩ đón tôi như người anh em ruột thịt, tay bắt mặt mừng. Trĩ muốn chia sẻ tình cảm với tôi, người đồng đội quê đất Bắc đã gác tình cảm riêng tư tình nguyện vào Nam chiến đấu. Tôi và Trĩ ngày càng gắn bó thân tình. Trĩ nguyên là một nhà giáo, bố đẻ là cán bộ lão thành cách mạng bị địch giết hại...

Trĩ kiên trì gan góc với cuộc sống, lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, giá rét lấy sương sưởi ấm, đói lòng lấy nước thay cơm. Đêm 29-4-1970, trong một lần xuống cơ sở trở về hầm bí mật thì anh bị lọt vào ổ phục kích của địch, Trĩ một mình kiên quyết bắn trả lại kẻ địch đến viên đạn cuối cùng, diệt 2 tên, làm bị thương 3 tên địch và anh dũng hy sinh ở tuổi 33. Năm 2005, đồng chí Lê Văn Trĩ được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LL vũ trang nhân dân. Đồng chí Trĩ đã trở thành một biểu tượng về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất. Giờ đã nằm sâu trong lòng đất mẹ nhưng đồng chí Trĩ vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân.Nối tiếp truyền thống gia đình cách mạng, người con trai đầu của vợ chồng bà Cát là Đại tá Lê Văn Vũ hiện đang đứng trong hàng ngũ của LL ngành công an.

HẢI LAN