ĐH HỘI TÙ YÊU NƯỚC TP ĐÀ NẴNG LẦN THỨ III:

Ký ức một lần vượt ngục

Thứ ba, 24/11/2015 10:55

(Cadn.com.vn) - Ông Đặng Văn Tráng, ở thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến (Hòa Vang-Đà Nẵng), nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 70 Quảng Nam, bị sa vào tay giặc trong trận đánh Tòa hành chính Quảng Tín trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc, chịu đựng bao cực hình tàn khốc của quân thù cho đến khi vượt ngục vào đêm 15-5-1971.  44 năm trôi qua nhưng với ông, chuyến vượt ngục năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Nét mặt rạng ngời niềm tự hào, ông Tráng kể: Anh em tù dùng muỗng và thìa sắt xoi đất hết ngày này qua ngày khác, mở một miệng hầm nhỏ vừa đủ chui lọt thân người. Hằng ngày, anh em phân công nhau cảnh giới, quan sát, hễ thấy bọn cai ngục đến thì giả như đang ngồi hát hò, trò chuyện bình thường. Khi chúng đi khỏi lại thay nhau người đào, người chuyển đất đi giấu. Đất được bỏ vào ống quần, kéo lên đổ vào các lỗ thoát nước. Lúc đi làm lao dịch, anh em đã bí mật chuẩn bị một miếng tôn nhỏ, hễ có địch đến thì dùng miếng tôn ấy che miệng hầm và ngồi lên trên. Trong những lần địch giải đi chặt củi, đốn cây, anh em còn bí mật cắt cà mèn cơm thành những lưỡi xẻng nhỏ, mài sắc, giấu vào người, đem về làm dụng cụ đào hầm.

Ông Tráng (giữa) và các bạn tù yêu nước.

Anh em đào hầm thẳng ra phía tường rào gần nhất, cách trại tù khoảng 70m, cứ đào khoảng vài ba mét thì móc rộng ra như hàm ếch để có thể quay đầu lại và xoi lên trên một lỗ nhỏ thông hơi. Càng đào vào sâu, càng tối, càng mau mệt và dễ bị mất phương hướng. Do đó, anh em chuẩn bị những đoạn cây ngắn và dây buộc, đem vào hầm nối lại thành một cây dài, hễ ở sau đưa tới mà đụng vách tức là hầm cong và đào chỉnh lại cho thẳng. Vì ban đêm, tiếng động dưới lòng đất dễ bị địch phát hiện, nên anh em chỉ đào ban ngày. Hơn 3 tháng ròng rã, anh em tù mới đào được hầm ra khỏi hàng rào. Chạng vạng tối, anh em tù trườn theo đường hầm trốn ra ngoài. Đêm ấy, ông Tráng chưa đi được, nhưng sau đó, ông và một số bạn tù liều chết vượt qua hàng rào trốn thoát, địch phát hiện bắn xối xả, 1 người hy sinh và 1 người bị thương bị chúng bắt lại.

 Biết phía bắc đảo là vùng căn cứ của ta, anh em lao nhanh về phía ấy. Có người chỉ mặc quần đùi, nhiều người không có mảnh vải che thân, nhưng ai nấy đều cố sức chạy nhanh, vì sợ quân địch đuổi theo. Anh em băng qua đường cái, vượt qua những bãi cát, những con suối và chạy nhanh vào rừng. Suốt 4 ngày liền chưa bắt được liên lạc, anh em phải ăn lá rừng cầm hơi. Đến ngày thứ 5, ông Tráng gặp được bộ đội H. Phú Quốc đang làm rẫy. “43 anh em như chim sổ lồng và lần lượt được phân công về công tác tại các đơn vị của H. Phú Quốc”, ông Tráng kể. Đã được học chuyên môn y tá trước khi bị bắt, nên ông Tráng được phân công làm quân y cho trung đội pháo Phú Quốc. Trung đội này thường xuyên phối hợp đánh địch càn quét và bắn phá các đồn bốt địch. Đến năm 1972, ông được chuyển sang đơn vị T66 của Bộ Quốc phòng-đơn vị đảm nhiệm theo dõi các hoạt động của Trại giam Phú Quốc, hỗ trợ phong trào đấu tranh trong nhà lao và đón tù vượt ngục...

Sau năm 1975, ông Tráng công tác tại Tỉnh đội Cần Thơ, sau chuyển ngành về Công ty Công nghệ phẩm thành phố Đà Nẵng. Dù đã nghỉ hưu (năm 1990), ông vẫn hăng hái tham gia công tác địa phương, tích cực tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lê Văn Thơm