Ký ức một thời hoa lửa
(Cadn.com.vn) - Trung đoàn 94 (Sư đoàn 307, Quân khu 5) vừa tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống. Trong ngày gặp mặt, những câu chuyện một thời hoa lửa của Đại tá Ngô Đức Tấn, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 94, nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 307 được các cựu chiến binh nhắc mãi.
Vợ chồng Đại tá Ngô Đức Tấn trong căn nhà nhỏ trên đường Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. |
Nằm trên cáng thương vẫn chỉ huy chiến đấu
Ngô Đức Tấn sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phổ Thạnh, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi. Năm 1960, Ngô Đức Tấn tham gia du kích mật của H. Đức Phổ, làm nhiệm vụ liên lạc, đưa công văn, tài liệu, bảo vệ huyện ủy. Năm 1962, Ngô Đức Tấn vào bộ đội, trải qua nhiều cương vị công tác. 25 năm tham gia chống Mỹ, cứu nước, ông là một cán bộ chỉ huy mưu lược, can trường, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và ba lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe tăng”... Đặc biệt, tháng 8-1974 ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Bức điện của Đại tướng viết: “Điện Quân khu 5 (chuyển điện này đến Quảng Ngãi và đồng chí Ngô Đức Tấn). Tôi, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tỏ lời khen ngợi đồng chí Ngô Đức Tấn “Mưu, trí, dũng, song toàn”...
Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”, ông lại cùng đồng đội khoác ba lô lên đường, trải qua 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Suốt cuộc đời binh nghiệp cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1989), ông đã 16 lần bị thương, hiện nay trong đầu vẫn còn hai mảnh đạn và trên người có hơn 20 vết sẹo. Nhắc đến Đại tá Ngô Đức Tấn, đồng đội nhớ nhất câu chuyện ông bị thương nhưng vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đó là ngày 25-4-1984, ông chỉ huy Trung đoàn 94 nhận nhiệm vụ truy kích địch, vô hiệu hóa chốt hỏa lực ở Đồn 600, cắt đường dây thông tin về Bộ Tổng tham mưu của quân Pôn-pốt.
Khi bị thương, được y tá băng bó, cầm máu tạm thời, ông bảo anh em khiêng trên võng để tiếp tục chỉ huy trận đánh. Biết chuyện, Tư lệnh Quân khu 5, Trung tướng Nguyễn Chơn, gọi điện khuyên ông về tuyến sau điều trị, nhưng ông dõng dạc báo cáo đồng chí Tư lệnh: “Khi nào chiến trường dứt điểm tôi sẽ về tuyến sau!”. Đến 12 giờ trưa 28-4-1984, trận đánh kết thúc thắng lợi, ông mới chịu về điều trị tại Bệnh xá Stung-treng. Do vết thương lâu ngày, lại liên tục hành quân nên những mảnh xương bị vỡ vụn khiến ông phải mổ đi mổ lại 4 lần.
“Đánh đuổi giặc xong mới cưới vợ”
Những năm tháng đánh Mỹ trên chiến trường Quảng Ngãi, Ngô Đức Tấn được đồng đội đặt cho biệt danh “Tấn Re”, bởi ông có dáng người nhỏ bé, gầy gò, da đen sạm, giống hệt người dân tộc H’re. Ông đi đến đâu cũng được bà con địa phương tin cậy, quý mến, đùm bọc, che chở. Năm 1968, ông bị thương ở trên mu bàn chân trái, trong điều kiện chiến trường, khi y tá đơn vị không dám mổ, ông đã tự làm “bác sĩ” cho mình. Chích hai mũi giảm đau, ông tự rạch vết thương, gắp mảnh xương vỡ ra, đổ thuốc pê-ni-xi-lin vào rồi băng bó lại. Năm 1985, Trung đoàn 94 tổ chức diễn tập, có đại biểu Quân khu 5, Sư đoàn 307 đến dự.
Đứng trên đài chỉ huy, thấy khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm của đơn vị bắn mãi mà không “tiêu diệt” được mục tiêu, trong khi các hỏa lực khác đã hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng xung phong đang sốt ruột chờ đợi, thế là ông lén chạy thẳng xuống trận địa, trực tiếp bắn 12,7mm và hạ gục mục tiêu. “Đi chiến đấu với thủ trưởng Tấn là chắc thắng”-đó là câu cửa miệng của chiến sĩ Trung đoàn 94 khi nói về người thủ trưởng gan dạ của mình. Những trận đánh do ông chỉ huy luôn giành thắng lợi giòn giã và rất ít bị tổn thất, bởi ông có nhiều kinh nghiệm trận mạc, luôn nghiên cứu kỹ tình hình địch-ta, chuẩn bị chu đáo các phương án...
Chuyện tình của ông với người bạn đời hiện nay cũng được đồng đội nhắc mãi. Năm 1973, mang quân hàm đại úy, là Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, ông gặp và có cảm tình sâu sắc với Thượng sĩ Hồ Thị Minh Thu, nữ y tá cơ quan tham mưu. Bà Thu kém ông 11 tuổi, da trắng, tóc dài, tính tình thùy mị, dịu dàng. Lúc này, ông đã ở tuổi 38 nên trong đơn vị ai cũng mong ông chóng lập gia đình. Nhưng Ngô Đức Tấn đánh giặc giỏi bao nhiêu thì nói chuyện với phụ nữ vụng về bấy nhiêu. Một hôm, lấy hết can đảm, ông mở lời: “Anh em ghép đôi tôi với cô, cô thấy sao?”.
Quá bất ngờ, cô gái thẹn thùng: “Thủ trưởng à, để em về hỏi chị em trong cơ quan xem sao đã”. Ai dè, trong chị em có người lại bàn ra: “Ưng chi cái ông chỉ biết mỗi việc đánh giặc, lại vừa già, vừa đen nhẻm”. Điều này khiến cô Thu vốn khâm phục những chiến công của “Thủ trưởng Tấn” cũng đâm ra khó nghĩ. Thế nhưng, trước tấm tình của ông Tấn, cô Thu phân vân trả lời ông lần thứ hai: “Cho em suy nghĩ thêm 10 ngày nữa”. Đúng 10 ngày sau, cô Thu bẽn lẽn: “Chị em nói vậy, nhưng em thấy cũng được”. Thế là hai người báo cáo với tổ chức. Đơn vị khuyến khích làm đám cưới luôn, nhưng đang lúc chiến tranh, lại nghĩ mình thường đi vào nơi hòn tên mũi đạn, cô ấy còn trẻ thế, lỡ mình có mệnh hệ gì,... thế là ông tuyên bố: “Thôi cưới chi giờ để nó cũ đi. Đánh đuổi giặc xong, hòa bình rồi thì mới cưới vợ”.
Và ngày 2-5-1975, một đám cưới giản dị, đầm ấm được đơn vị tổ chức. Rồi ông về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, đóng quân vùng biên giới Tây Nam; còn vợ chuyển ngành về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Khi vợ mang thai, trước lúc lên đường, ông dặn lại: “Nếu đẻ con trai thì đặt tên là Việt, nếu đẻ con gái thì đặt tên là Nga”. Bởi theo ông: Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do dân tộc Việt Nam tiến hành; để đi đến thắng lợi còn có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô (trước đây), của nhân dân Nga anh em...
Đại tá Ngô Đức Tấn năm nay đã bước sang tuổi 80, những vết thương trên người cứ trở trời là đau nhức, nhưng ông vẫn có thể ngồi hàng giờ cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm một thời trận mạc. Với ông, một cán bộ từng bao lần vào sinh ra tử, còn hạnh phúc nào hơn thế!
Ngọc Diệp