Ký ức một thời huyền thoại Tàu không số
(Cadn.com.vn) - Ban liên lạc Truyền thống Đoàn vận tải biển 125 Hải quân tại Đà Nẵng là những người trực tiếp làm nhiệm vụ trên Tàu không số năm xưa, nay đều đã bước qua tuổi 80, trong đó có Cựu chiến binh (CCB) Hồ Thanh Nhuận, nguyên Thủy thủ trưởng Tàu không số (trú P.Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng)...
Ông Nhuận kể: ngày 11-10-1962, chuyến hàng đầu tiên trên tuyến vận tải biển, được Trung ương giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Bông Văn Dìa và Nguyễn Văn Một cùng với 6 thuyền viên trên chiếc tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí đạn dược (VKĐD), xuất bến tại Đồ Sơn (Hải Phòng) khẩn trương quay vào Nam để chuẩn bị bến bãi tập kết hàng hóa sau này. Từ năm 1960-1961, khi Phong trào Đồng khởi tại tỉnh Bến Tre phát triển, lan rộng ra các tỉnh khác, vì thế rất cần VKĐD cho quân và dân ta chiến đấu. Theo yêu cầu của chiến trường, Quân khu 9 cử Thiếu tá Bông Văn Dìa và 7 thuyền viên ra Trung ương báo cáo tình hình, đề đạt ý kiến của quân và dân miền Nam xin cung cấp VKĐD, được Trung ương và Bác Hồ đồng ý. Sau thành công của chuyến hàng đầu tiên, tiếp đến, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bà Rịa, Trà Vinh, cử 6 thuyền có trọng tải lớn hơn thực thi nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào miền Nam an toàn. Tại miền Bắc, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Hải quân Việt Nam tổ chức nhiều chuyến vận tải, đồng thời tổ chức đóng mới các tàu vỏ gỗ, tàu vỏ sắt với trọng tải từ 60 tấn đến 120 tấn để tăng chuyến và tăng khối lượng trong mỗi chuyến chở hàng...
Ông Hồ Thanh Nhuận. |
Tháng 3-1963, là chuyến thứ 2 trên con tàu sắt chở 60 tấn vũ khí, do đồng chí Vũ Tấn Ích, làm Thuyền trưởng; đồng chí Nhuận, Thủy thủ trưởng nhận lệnh xuất bến vào bàn giao cho tỉnh Bến Tre, nhưng sóng to, gió lớn và máy thông tin liên lạc trên tàu bị hỏng, nên tàu bị đẩy trôi lạc hướng vào Hòn Khoai (Cà Mau). Khi đang tìm cách liên lạc để vào bờ thì bị địch nghi ngờ bám theo, bọn chúng áp mạn tàu ta vặn hỏi, đồng chí Ích cùng với 1 đồng chí nói giọng miền Nam lên đối đáp hồi lâu với quân địch, bọn chúng không khai thác được gì đành bỏ đi. Tàu ta quay mũi ra hướng Đông với tốc độ chậm để tìm cách, tính kế liên lạc với bờ. Khi màn đêm buông, ánh đèn trên những con thuyền đánh cá của ngư dân trên biển cùng bừng sáng, đồng chí Ích và đồng chí Sánh (nay thường trú tại Đà Nẵng) tiếp cận ngư dân đánh cá vận dụng các biện pháp nghiệp vụ... nhờ họ dẫn vào bến Hoàng Dũng, tỉnh Cà Mau. Tiếp những năm tháng sau đó, đồng chí Nhuận và đồng đội dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích trực tiếp 8 chuyến hàng vào miền Nam, trong đó có 3 chuyến bị địch nghi ngờ bám theo, nhưng anh em cùng giải vây được tình thế và 1 chuyến bị lộ phải dùng đến bộc phá cài sẵn hủy tàu cùng vũ khí để giữ bí mật tuyệt đối cho tuyến đường vận tải chiến lược trên biển...
Tháng 6-1971, đồng chí Hồ Thanh Nhuận được điều chuyển công tác về Cục Đường sông, giữ chức Đội trưởng Đội phá bom từ trường dưới sông tại tỉnh Hưng Yên. Dạn dày kinh nghiệm của một người từng trải trên chiến trường sông biển, đồng chí Nhuận đã có nhiều sáng kiến phá bom từ trường dưới sông và ngư lôi cửa biển. Thay vì trước đây ta vận dụng cách điều khiển ca nô chạy tốc độ nhanh, phía sau nối dây dài với thuyền gỗ (ghe) nhỏ gắn sắt thép phía dưới để phá bom. Cách này nguy hiểm nên ta phải hình thành đội quân "Cảm tử" lái ca nô rà phá bom từ trường và ngư lôi. Trong thực tế, điều khiển ca nô chạy tốc độ nhanh nên vẫn còn để sót các quả bom từ trường trôi lơ lửng dưới mặt nước. Nguy hiểm hơn là, khi ca nô kéo thuyền gỗ gắn sắt thép làm kích nổ quả bom phía sau, không may có quả bom phía trước cùng kích nổ dẫn đến tử vong người lái và ca nô cũng bị hất tung bung nát. Thấy thế, đồng chí Nhuận đã cho đồng đội dùng cây chuối kết thành bè, dưới bè buộc các rọ đựng sắt thép trong đó, được cột dây cho 2 người 2 bên bờ sông (nơi đoạn sông hẹp) kéo bè trôi xuôi. Cách làm này tuy có chậm thời gian hơn so với ca nô, nhưng tận diệt kích nổ các quả bom khi mảng bè kéo qua nó. Đồng thời, phối hợp với dân quân địa phương kết thành nhiều mảng bè bằng cây chuối phía dưới cột các rọ sắt thép thả trôi sông và nơi cửa biển, lợi dụng thủy triều lên xuống đã góp phần phá bom từ trường và ngư lôi rất hiệu quả. Gần 2 năm (1971- 1972), đồng chí Nhuận công tác tại Cục Đường sông Việt Nam và chuyển công tác về giữ chức Thuyền trưởng K40- Đoàn 128 Hải quân, cùng với đồng đội đã rà phá nổ được 92 quả bom từ trường và ngư lôi trên các đoạn sông tại huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), bến đò Phố Dâu, trên sông thuộc huyện Triều Hải (Thái Bình), sông và cảng, cửa biển Hải Phòng. Sau Hiệp định Pari ký kết (27-1-1973), đồng chí Nhuận và đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ chuyên chở hàng quân sự vào các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Ở cương vị công tác và địa bàn hoạt động nào ông đều hoàn thành nhiệm vụ, được trao tặng nhiều loại khen thưởng...
Hiện nay, là hội viên sinh hoạt trong Hội CCB P. Thọ Quang và Ban Liên lạc Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tại TP Đà Nẵng, ông luôn giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" với tinh thần "Trẻ xông pha - già mẫu mực".
Nguyễn Nhân Mùi