Ký ức thời hoa lửa
* BÀI 1: Từ miền quê nắng gió đến chiến trường Nam Bộ
(Cadn.com.vn) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những ký ức một thời hoa lửa của dân tộc luôn in dấu trong tâm trí tôi, một chiến sỹ cách mạng luôn kiên định theo lý tưởng cộng sản, đã chiến đấu vì độc lập, Bắc-Nam sum họp một nhà.
Tuổi thơ dữ dội
Tôi sinh tháng 10-1949, năm mà nghe mẹ tôi kể lại là gia đình rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa dù quê tôi (H. Yên Thành, Nghệ An) được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh; bởi năm đó thời tiết không thuận lợi, thóc gạo làm ra đều dùng cho việc ủng hộ kháng chiến. Quê tôi là vùng đất có truyền thống hiếu học, tinh thần cách mạng, là nơi mà trong cao trào Xô viết 1930-1931 đã làm cho thực dân Pháp và triều đình phong kiến Nam Triều nhiều phen chao đảo. Cha tôi lớn lên gặp lúc đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Mặc dù sống trong cảnh lầm than nhưng được Đảng giác ngộ nên cha tôi tham gia vào đội Tự vệ đỏ làng Ngọc Hà – xã Vân Tụ - tổng Vân Tụ (nay là xã Công Thành, H.Yên Thành) trong những năm 1930-1931. Khi cao trào Xô viết lên cao, cha tôi đã từng bảo vệ nhiều đoàn biểu tình đi đấu tranh, cùng đội tự vệ Đỏ đi trấn áp những tên phản cách mạng. Khi cao trào Cách mạng 1930-1931 đi vào thoái trào, thực dân Pháp tìm mọi cách để bắt cha tôi. Tuy được nhân dân che chở, đùm bọc nhưng đến năm 1935, ông bị sa vào tay giặc, bị chúng kết án và đưa đi làm phu ở Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông đã vận động một số chiến sĩ cách mạng tìm cách trốn thoát trở về quê hương tiếp tục hoạt động. Nối gót cha tôi, 5 anh em chúng tôi (gia đình có 5 anh em, 3 trai, 2 gái) lớn lên đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội và trở thành cán bộ trong các cơ quan quân đội, cơ quan Nhà nước và 4 trong 5 anh em đều là đảng viên. Năm 1966 tôi tròn 17 tuổi với biết bao hoài bão nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, cha vừa mất, các anh chị làm ăn xa, một mình mẹ tần tảo làm lụng nuôi anh em tôi đi học. Thấy mẹ vất vả, tôi đành gác chuyện học lại để tham gia công tác tại địa phương, lao động sản xuất, giúp đỡ mẹ. Hồi đó, tôi được nghe các anh chị đi bộ đội về phép kể về các trận đánh Mỹ mà thấy rạo rực trong lòng. Tôi muốn được đi bộ đội, được cầm súng và chiến đấu giống như các anh chị. Nhiều đêm liền tôi không ngủ, cứ nằm nghĩ và mơ về hình ảnh được cầm súng chiến đấu với quân thù. Nhiều lần tôi bóng gió nói với mẹ rằng tôi sẽ nhập ngũ, nhưng mẹ không đồng ý vì tôi chưa đủ tuổi mà chiến tranh thì đang ở giai đoạn ác liệt nhất.
Tác giả (bìa trái) cùng một đồng đội trong chuyến thăm căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. |
Miền Nam vẫy gọi
Năm 1967, tròn 18 tuổi, cùng lúc tôi nhận được hai niềm vui, đó là xét quá trình công tác hoạt động ở địa phương, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và nhận được giấy gọi tuyển chọn vào học trường An ninh nhân dân tại tỉnh Sơn Tây (cũ). Từ năm 1966 –1969 quê tôi là vùng trọng điểm phá hoại của không lực Hoa Kỳ trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc. Tôi lại nghĩ tới ước mơ được đi bộ đội nên tâm sự với anh trai thứ 2 (khi đó là Bí thư Đảng bộ, kiêm Chủ tịch UBND xã Công Thành) là tôi không muốn đi học mà thích đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Được anh trai đồng ý, mẹ tôi chỉ khóc và nói tuỳ tôi lựa chọn. Thế là ngày 24-12-1967, tôi lên đường nhập ngũ.
Vào đơn vị tôi được giao làm A trưởng của đơn vị C13.K4.H22.QK4. Huấn luyện xong, tháng 3-1968, đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở B5 (Quảng Trị). Tháng 6-1968, tôi được cử trở lại miền Bắc học tại Trường sỹ quan lục quân ở Sơn Tây. Lần này tôi lại đề đạt nguyện vọng lên chỉ huy xin ở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Sau này khi đất nước thống nhất, nếu còn sống, được cử đi học tôi xin chấp hành quyết định của tổ chức, của quân đội. Sau đó tôi được chọn vào đoàn 4010, được huấn luyện chuyên môn trinh sát đặc công, bổ sung cho đơn vị 250Y (đặc công Miền Đông Nam bộ). Ngày 30-3-1969, sau khi xong đợt chỉnh huấn ở mật cứ BA THU trên đất bạn Campuchia, 32 cán bộ, chiến sĩ chúng tôi trở về địa bàn hoạt động. Lúc này tôi là B bậc trưởng, mũi trưởng trinh sát. Hành quân về đến gần lộ 4 Đông Dương, tại địa bàn Bến Lức, giáp Thủ Thừa, Long An, thì được tin báo, địch đang mai phục gần lộ 4. Đơn vị được lệnh nghỉ ém quân chờ khi có lệnh lại tiếp tục về địa bàn. Suốt đêm đó, địch ở căn cứ Long An cho máy bay AL15, trực thăng thả dù, pháo sáng trên khu vực ém quân của chúng tôi. Sáng 31-3-1969, từ căn cứ tiểu khu Long An, hàng loạt máy bay trực thăng HU1A, HU1B, Cá lẹp... chở quân đổ bộ, bắn oanh tạc xuống địa hình ém quân của chúng tôi. Chúng tôi được lệnh tuyệt đối giữ bí mật, không được nổ súng để bảo toàn lực lượng. Lúc này, chỉ có 32 cán bộ, chiến sĩ, cơ số đạn mang theo có hạn, còn quân địch có khoảng 3 tiểu đoàn (lính thủy quân lục chiến). Bọn địch hạ độ cao máy bay, trực thăng rà sát ngọn cây, bỗng nghe một loạt đạn súng AK, bị lộ đội hình, chúng tôi được lệnh nổ súng.
Để đánh địch, chúng tôi di chuyển từ lùm cây tràm này sang lùm cây tràm khác, nổ súng đánh trả với địch. Một quả Rốc – két từ máy bay trực thăng bắn xuống vị trí của tôi và 1 đồng đội đang cố thủ. Tôi bị thương vào đùi, một đồng đội của tôi bị mảnh đạn cắt ngang sống mũi, máu chảy lênh láng. Tôi cắn răng chịu đau, bò lại, vặt lá tràm cho vào miệng nhai nhỏ, đắp lên vết thương đồng đội, rồi lấy dao găm đeo bên mình cắt một mảnh vải dù pháo sáng băng bó tạm cho đồng đội và tự băng bó vết thương cho mình. Sau đó, tôi cõng đồng đội trên lưng, cố bò ra khỏi vùng chiến sự. Một lúc sau không bò được nữa vì vết thương ở chân tôi bị nước phèn chua làm co cứng lại, tôi đành lật ngửa đồng đội ra. Khi đó tôi mới hay đồng đội đã hy sinh vì máu ra quá nhiều, ướt đẫm vai áo và cổ tôi. Tôi đành kéo thi hài đồng đội vào giữa lùm cây tràm, bẻ cành cây phủ lên xác và thầm mong bạn được an nghỉ và thứ lỗi cho tôi vì đã không thể tìm cho bạn một chỗ nghỉ tốt hơn.
Dù bị thương nhưng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu, đến khi súng hết đạn, tôi bò lại chỗ những đồng chí đã hy sinh lấy súng đánh trả lại quân địch. Khi súng không còn đạn nữa, tôi tháo 2 khẩu súng AK của mình và của đồng đội đã hy sinh nhấn sâu dưới bùn của kênh rạch cùng các giấy tờ liên quan đến bản thân, để không bị rơi vào tay địch. Sau đó tôi ém mình dưới lớp cỏ tại bờ kênh chờ đến tối, tìm cơ hội thoát ra ngoài trở về đơn vị. Đến khoảng 16 giờ ngày 31-3-1969, bọn địch truy tìm và phát hiện ra tôi, chúng xúm lại vạch cỏ, cầm tóc tôi lôi lên bờ kênh, đấm đá túi bụi. Tôi bị ngất đi, khi tỉnh lại thì thấy bị trói cả chân tay đang nhốt ở khu nhà lính địch, cùng 2 đồng đội khác. Thế là tôi biết mình đã bị địch bắt.
Dương Văn Giá
(còn nữa)