Kỷ vật lính đảo Trường Sa

Thứ năm, 10/03/2016 10:39

(Cadn.com.vn) - Ở vị trí trang trọng trong căn phòng trên tầng 2 nhà ở của Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, nguyên Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (P.Khuê Trung, Q.Hải Châu TP Đà Nẵng) trưng bày, lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật mang ý nghĩa, giá trị đặc biệt trong thời gian làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa (1989 - 1993) của ông.

Tháng 8-1989, khi đang đảm nhận chức vụ Tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Giằng, (Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng), đại úy Nguyễn Viết Hoàng nhận Quyết định điều động của Bộ Quốc phòng về Quân chủng Hải quân (QCHQ) nhận nhiệm vụ đến công tác tại quần đảo Trường Sa. Ngày ấy, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nhận lệnh lên đường trên những con tàu quen thuộc của QCHQ với tinh thần nối tiếp truyền thống cách đây 41 năm thần tốc, táo bạo, cưỡi sóng tiến quân ra Giải phóng quần đảo Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975). 5 năm làm nhiệm vụ trên đảo, đại úy Nguyễn Viết Hoàng đảm nhận các chức vụ Đảo trưởng đảo Phan Vinh và Đảo phó-Tham mưu trưởng đảo Trường Sa lớn. Tại đây, đồng chí Hoàng cùng với các chỉ huy trên đảo tổ chức, thực hiện nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh huấn luyện, chiến đấu và giáo dục bộ đội đề cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng đánh trả quân địch nếu chúng xâm phạm chủ quyền sau "Sự kiện Trường Sa 14-3-1988" quân Trung Quốc đã ngang ngược đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam...

Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng bên những hình ảnh và chiếc võng kỷ vật Trường Sa.

Trong số nhiều hình ảnh, kỷ vật trong quân ngũ của Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, có các quyết định điều động thuyên chuyển đơn vị; bổ nhiệm chức vụ và phong quân hàm trong thời gian công tác trên quần đảo Trường Sa. Trong chiếc tủ gương gắn 36 tấm ảnh ghi lại chuyến đi của ông trong tháng 4-2009 (với cương vị Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) cùng với đoàn cán bộ các tỉnh, thành phố ven biển, phóng viên báo chí Trung ương, địa phương ra thăm, tặng quà, giao lưu với CBCS tại 9 đảo trong quần đảo Trường Sa nơi đoàn đặt chân đến. Trong đó có nhiều CBCS đã từng công tác trên đảo ghi nhận, so với trước những năm 1989 thì năm 2009 trở lại thăm đảo, nhà ở bộ đội, các công trình văn hóa, thể thao, truyền thống, công trình phòng thủ chiến đấu... đều được Nhà nước, quân đội quan tâm đầu tư, xây dựng khang trang, kiên cố. Trạm thu phát truyền thông, hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời tạo ra điện năng, máy lọc nước biển thành nước ngọt, công nghệ trồng rau xanh... đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cuộc sống của bộ đội và nhân dân ta trên quần đảo.

Đến bên một tủ bằng gỗ lưu giữ các loại kỷ vật, tôi  được ông cho biết, để có được chiếc võng bằng sợi dù, bộ đội ta phải vất vả với sóng biển thu vớt các sợi dây neo đậu tàu thuyền của ngư dân ta kể cả tàu hàng hải quốc tế bị đứt, trôi dạt trên biển. Bộ đội thu nhặt cả năm trời về chọn lọc phân loại chất lượng trong các sợi dây đó, tranh thủ thời gian rỗi sau tuần tra, canh trực để đan thành võng. Ưu tiên các võng đan tặng chỉ huy trước, sau đó bộ đội cùng chung tay đan lấy cho mình với ý nghĩa làm quà kỷ niệm của đảo xa. Cùng với võng, bộ đội còn gom nhặt được các tấm lưới trôi dạt trên biển về đan lại thành những tấm lưới nhỏ gọn làm phương tiện đánh bắt hải sản. Có ngư lưới cụ đã giúp cho bộ đội ta khai thác được nguồn hải sản phục vụ cho bữa ăn hàng ngày và phơi khô làm nguồn thực phẩm cho mùa mưa bão trong năm. Ngoài các trang phục Hải quân như mũ, áo, bi đông đựng nước, ăng gô đựng cơm trưng bày trong tủ, còn có nhiều kỷ vật từ những con ốc, nghêu, sò biển, đá biển, quả bàng vuông. Trên các kỷ vật đó của biển đảo, bộ đội còn khéo tay khắc và viết lên đó những dòng chữ, vần thơ ý nghĩa, thủy chung với biển đảo như, "Trường Sa - Hoàng Sa do Tổ tiên Việt Nam xác lập, cắm mốc/ Con cháu Lạc Hồng nguyện bảo vệ chủ quyền", "Trường Sa mãi mãi trong tim Bộ đội Cụ Hồ"...

Đi cùng năm tháng với biển đảo còn có những lá thư thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và vị mặn của biển cả. Những lá thư ông viết từ đảo xa gửi về gia đình đã nhòe chữ bởi những giọt nước mắt nhớ thương của vợ; những lá thư của vợ gửi tới ông cũng bị thời tiết khắc nghiệt nơi đảo xa làm ố vàng, phong bì, nhiều trang thư không còn nguyên vẹn nhưng những lời thơ, nét chữ trong đó lưu giữ mãi mãi với cuộc đời, đắp đầy tình yêu trong căn nhà- tổ ấm gia đình hạnh phúc của vợ chồng ông. Kỷ vật là kỷ niệm của một quãng thời gian đời lính. Nhưng để tạo điều kiện cho chồng an tâm hoàn thành nhiệm vụ, trưởng thành trong quân ngũ có công sức đóng góp, không kể công tháng ngày của người vợ ở hậu phương và sự quan tâm, giúp đỡ của chị em trong Hội Phụ nữ luôn mang trong mình bản chất tốt đẹp "trung hậu, đảm đang, giỏi việc xã hội, đảm việc nhà".

Nguyễn Nhân Mùi