Kỷ vật thời hoa lửa
Hỏi chuyện những tháng năm tham gia lực lượng An ninh vũ trang Quảng Trị và trực tiếp bảo vệ Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, ông Văn Xuân Giao, thương binh 4/4 (P. Đông Giang, TP Đông Hà, Quảng Trị) xúc động khi mở chiếc tủ đầy ắp kỷ vật chiến trường mà ông cất giữ và sưu tầm 40 năm qua. Mỗi hiện vật gắn với mỗi câu chuyện bom đạn ác liệt ngay ở hầm hào hay dọc dài hành trình sưu tầm mà ông dốc lòng thực hiện với mong muốn góp phần nhắc nhớ cho con cháu, lớp trẻ không thể nào quên về một thời cha ông không tiếc xương máu, hy sinh chiến đấu giành lấy hòa bình, thống nhất non sông.
Mỗi kỷ vật đều nhắc nhớ ông trở lại thời chiến đấu oanh liệt bảo vệ Tổ quốc. |
Quê ở miền biển Hải Khê, H. Hải Lăng (Quảng Trị) giàu truyền thống cách mạng, ông Giao lớn lên đã được hun đúc lòng yêu nước và tham gia lực lượng An ninh vũ trang Quảng Trị vào năm 1972, thuộc đơn vị C45 anh hùng. Trong trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, nhiều đồng đội đơn vị ông hy sinh, còn ông bị thương, được chữa trị và tiếp tục vững vàng tay súng cho đến ngày thống nhất đất nước. Sau giải phóng, ông được ra Hà Nội học trường CA rồi trở về phục vụ tại CA tỉnh Bình Trị Thiên. Đến năm 1984, ông bị tai nạn, sức khỏe không đảm bảo và chuyển ngành. Tận tụy với công việc lái xe cho cơ quan nhà nước, ông còn được biết đến với đam mê sưu tầm kỷ vật chiến trường. Với ông, nỗi nhớ và niềm tri ân lớn lao đến đồng đội đã ngã xuống luôn khắc sâu trong tâm khảm và ông muốn làm điều gì đó dù bé nhỏ nhất để thể hiện tình cảm ấy.
"Tôi bắt đầu từ chính việc giữ gìn những món quân tư trang đã theo tôi năm tháng chiến đấu. Nào là tăng, bi đông, ăng- gô..., rồi cả chiếc xẻng chiến lợi phẩm mà tôi và đồng đội dùng để đào hầm, công sự bảo vệ cán bộ cấp cao", ông giới thiệu từng món kỷ vật, nâng niu nhẹ nhàng với niềm trân quý. Có kỷ vật ông được đồng đội tặng, có kỷ vật ông thuyết phục để mua lại bằng được dù khó khăn kinh phí đến mức nào. "Khi phát hiện hay được giới thiệu món đồ mô là tôi gắng tìm để đưa về, chủ yếu ở địa bàn Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế. Bây chừ về hưu rồi càng có nhiều thời gian để thực hiện sưu tầm hơn", ông Giao cho biết. Vợ ông là bà Hoàng Thị Ánh Hồng (y sĩ nay đã về hưu) hiểu được tấm lòng của chồng nên luôn động viên và ủng hộ ông trên hành trình ý nghĩa ấy.
Rất nhiều món là kỷ vật lịch sử CAND. |
"Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Lực lượng CAND, tôi đã hiến tặng 3 món kỷ vật của chính mình là bộ dao đa năng đặc công, chiếc bi đông và ăng - gô tôi được cấp sử dụng chiến đấu thuộc lực lượng An ninh vũ trang Quảng Trị", ông Giao chia sẻ. Sau 40 năm miệt mài sưu tầm, ông đã sở hữu hơn 100 món kỷ vật từ chiến trường của đồng đội. Ông bảo cứ tiếc hoài lần bị kẻ trộm vào nhà lấy mất một số món kỷ vật bằng nhôm... Những việc làm thầm lặng của CCB Văn Xuân Giao thực sự để lại ấn tượng sâu sắc, điều đó đã phần nào lý giải cho việc nhà ông chưa bao giờ vắng khách đến thăm, xem lại những kỷ vật một thời chiến trường đạn bom khói lửa, để được hiểu thêm giá trị của độc lập, hòa bình, quê hương tươi đẹp hôm nay.
BẢO HÀ