Lá nước Cù lao Chàm
(Cadn.com.vn) - Những cánh rừng trên đảo Cù lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An, Quảng
Ông Nguyễn Từ (76 tuổi, ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp - Hội An) vừa chặt lá vừa trò chuyện về nghề hái lá nước. Lá nấu nước uống gồm nhiều loại như: dẻ, gối, sâm, chọng bọng, dứa rừng, bầu đường, sả, từ bi, bồ đề núi, é, sanh núi, ngũ gia bì, vối, gừng, dây mơ, nhàu, hà thủ ô, thụt dọt, ổi tàu, da lông, nhãn núi cùng một số loại lá cây lá khác. Theo ông Nguyễn Từ, một hỗn hợp lá nước cho nước uống ngon thì phải có ít nhất 17 loại lá, còn nhiều thì 23-24 loại. Một số loại cây dùng cả lá, thân lẫn rễ (củ) như dẻ, gừng, sả, lá sâm... "Bình quân mỗi ngày tìm hái lá nước bán cho khách được 50-70 ngàn đồng. Mấy năm nay khách ra Cù lao Chàm ngày càng đông, nhiều người mua lá nước về uống nên nghề hái lá rừng cũng sống được" - ông Nguyễn Từ nói.
![]() |
Rừng trên đảo Cù lao Chàm có rất nhiều lá thuốc quý nấu nước uống có lợi cho sức khỏe. |
Nghề hái lá nước trên đảo Cù lao Chàm là theo dân gian truyền lại. Lớp người cao tuổi như ông Nguyễn Từ có hơn 20 người thường xuyên tìm hái lá rừng về sơ chế để bán cho bà con trong xóm và khách du lịch ra thăm đảo. Sáng sớm, những người trong gia đình chia nhau lên rừng tìm một số loại lá hái đem về. Tầm trưa thì trải bạt dưới bóng râm sân nhà để chặt nhỏ, đem phơi khoảng hai nắng là vừa. Lá phơi và trộn xong thì cho vào bao nilon hoặc bao đựng gạo để bán từ 10-20 ngàn đồng/bao.
Nước lá thơm ngon, phù hợp với "gu" của người uống là do cách sơ chế, nhất là kinh nghiệm ở "công đoạn" trộn lá. Bà Trần Thị Thể, người bán lá nước ở sân chùa Hải Tạng cho biết, có thể trộn lá khi còn tươi hoặc sau khi phơi khô. Thùy theo nhu cầu của khách mà "pha" lá theo một tỷ lệ nhất định. Như các cô gái và trẻ nhỏ thì thích loại nhiều dứa rừng để nước lá có vị ngòn ngọt, dễ uống; còn cánh đàn ông thanh niên thì thích nước lá "mộc" có vị chát chát, đăng đắng, phải tăng thêm bồ đề núi, lá vối... Bà Thể cho biết: "Nhiều người đến thăm chùa Hải Tạng đều hỏi mua lá nước chỗ tui. Dịp hè, mỗi ngày tui bán được 20-30 bao lá nước. Mình hỏi thăm sở thích của mỗi người để chọn bán các loại lá nước cho phù hợp".
![]() |
Ông Nguyễn Từ đang chặt và trộn lá nước Cù lao Chàm. |
Người dân Cù lao Chàm truyền rằng, lá nước Cù lao Chàm đem nấu với nước lấy từ giếng Chăm cổ tại xóm Cấm mới đúng "bài", giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng của nước lá cù lao và có công dụng... chữa bệnh (?). Theo kinh nghiệm, nhiều người đi từ đất liền ra mà say sóng thì uống nước lá rừng nấu với nước giếng Chăm xóm Cấm là hết say sóng. Một số y, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Quân dân y kết hợp Tân Hiệp cũng cho rằng nhờ uống nước lá mà đa số người dân không bị cảm sốt, phụ nữ hiếm có ca sinh khó. Trong mấy ngày nghỉ tại Đồn Biên phòng Cù lao Chàm, chúng tôi được uống nước lá cù lao hằng ngày với CBCS trong đồn. Các anh cho biết, uống nước lá rừng trên đảo Cù lao Chàm vào mùa hè thì cơ thể có sức đề kháng rất tốt. Mùa hè thì giải nhiệt, mùa đông thì chống cảm gió. Uống nước lá rừng thường xuyên nhưng CBCS Đồn Biên phòng Cù lao Chàm cũng phải mua của dân, nếu có lên rừng hái lá về nhưng pha trộn không đúng cách thì uống không ngon.
Mùa hè là mùa du lịch sôi động ở Cù lao Chàm. Đây là thời điểm nghề hái lá nước chộn rộn nhất trong năm. Trên chuyến tàu từ xã đảo Tân Hiệp vào Cửa Đại, trong ba lô du khách có thêm món quà hấp dẫn là những bịch lá nước khô. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên biển trời thơ mộng và các món ẩm thực hấp dẫn như mực một nắng, cá đéc, rau rừng..., lá nước đã trở thành "đặc sản" du lịch không thể không nhắc đến ở Cù lao Chàm.
Bài và ảnh: Thạch Hà