Lá thư từ Sơn Mỹ (Kỳ 1: Ký ức đau thương)
Nhà báo Mỹ Seymour M.Hersh nổi tiếng từ những năm 1970, ông được nhận giải thưởng Pulitzer – giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực báo chí của nước Mỹ nhờ thiên phóng sự điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai-Sơn Mỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi-Việt Nam), xảy ra ngày 16- 3-1968. Tuy nhiên, phải đến 46 năm sau (năm 2014) ông mới có dịp đến thăm Sơn Mỹ, để được tận mắt ngắm cảnh làng quê xinh đẹp của Sơn Mỹ, mà trước đây ông viết về nó chỉ qua trí tưởng tượng. Và “nó không khác là bao” như lời ông nói. Ngoài ra ông còn muốn viết tiếp về Sơn Mỹ mà ông gọi là “Lá thư gửi từ Sơn Mỹ-Mỹ Lai”.
Lễ tưởng niệm hằng năm được tổ chức dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Ảnh: P.THỦY |
Ngày 19-12-2014, bất ngờ trong hộp thư điện tử của tôi xuất hiện một tin nhắn ngắn bằng tiếng Anh, tạm dịch: “Võ cao Lợi thân yêu! Tôi vừa mới đến Đà Nẵng, cùng với gia đình của tôi và sẽ đi đến Mỹ Lai ngày mai. Tôi sẽ đến thăm bạn, tại quán cà-phê của bạn, cùng với một người nói tiếng Việt. Tôi đang viết về Mỹ Lai và muốn gặp bạn theo gợi ý của Nhung Walsh. Xin vui lòng gửi email cho tôi số điện thoại của bạn. Seymour M.Hersh”. Đó là nhà báo nổi tiếng của nước Mỹ, người đã nhận được giải thưởng Pulitzer từ những năm 70 của thế kỷ XX. Mấy dòng tin nhắn của Seymour M.Hersh chợt đưa tôi về quá khứ đau thương... Đó là nỗi đau không phải riêng mình tôi mà là nỗi đau của cả làng Sơn Mỹ, của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.
Vụ tàn sát Sơn Mỹ, mà báo chí Mỹ gọi là “Vụ Mỹ Lai”, xảy ra ngày 16-3-1968, khi quân Mỹ càn vào xã Sơn Mỹ (nay là xã Tịnh Khê), giết hại hơn 500 người dân vô tội mà hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em, trẻ sơ sinh. Sự kiện cách đây đúng nửa thế kỷ nhưng đối với tôi, đó mãi là những ký ức không bao giờ quên. Trong vụ thảm sát đó, gia đình và bà con họ hàng tôi có 18 người bị giết, riêng nhà tôi có 3 người, là má tôi, chị dâu và đứa cháu mới 5 ngày tuổi, con của anh ruột tôi -anh Võ Cao Mạnh (Mạnh Khiết), nguyên Hiệu trưởng Trường cấp II Khu đông Sơn Tịnh. Tôi may mắn sống sót là nhờ nghe theo lời má bảo: “Con lớn rồi, không sống hợp pháp được nữa đâu, mau chạy trốn đi con!...”. Cầm cái túi vải nhỏ đựng 2 lon gạo và một bộ quần áo bà ba nhét vội từ tay má, tôi vọt lên miệng hầm chạy đi trốn... Đạn bắn như mưa, hai chiếc tàu “rọ” đang quần đảo trên đầu, bay sát ngọn cây, nhìn thấy rõ mồn một những tên lính Mỹ ngồi trên máy bay, chĩa súng xuống. Từ căn hầm tránh pháo của gia đình, nơi tôi đang núp chạy xuống bờ sông khoảng chừng 20m, nhưng đoạn bờ sông này không có dừa nước, trống trơn nên tôi men theo con đường giữa xóm dưới những hàng rào tra có tán lá khá dày. Tôi vừa bò vừa quan sát hai chiếc “rọ”, tịnh tiến từng cen-ti-mét theo mỗi vòng quay của nó. Vô cùng căng thẳng, nhưng rồi tôi cũng đến được bờ sông, cùng với chú Bảy, là chú ruột của tôi núp trong đám dừa nước cách nhà chừng 100m. Tôi thoát chết, nhưng má, chị và đứa cháu trai bé bỏng thân yêu của tôi đã chết! Chú Bảy cũng vậy, ông thoát chết nhưng 4 đứa con ở nhà thì 3 đứa chết, một đứa bị thương nặng. Thím Bảy-vợ của chú, nhờ đi chợ sớm nên cũng thoát chết! Đó là buổi sáng kinh hoàng nhất trong đời tôi, cũng như của nhân dân Sơn Mỹ quê tôi. Cho đến bây giờ, nhiều đêm tôi vẫn còn nằm mơ thấy chiến tranh, bom rơi, đạn nổ, lính Mỹ càn quét, đốt nhà, giết người... bị máy bay trực thăng, tàu “rọ” gí... Tôi vùng chạy mà không làm sao chạy được, chân tay cứng đờ như bị trói...! Mồ hôi toát ra nhễ nhại…
Hai bà cụ là nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát trước tấm bia di tích tại xã Tịnh Khê. Ảnh: P.THỦY |
Qua tìm hiểu tôi biết Seymour M. Hersh sinh ngày 8-4-1937 tại Chicago, bang Llinois trong một gia đình người Do thái di cư. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Chicago năm 1959, ông làm nghề viết báo và trở thành nhà báo tự do năm 1963. Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra ngày 16-3-1968, mặc cho sự bưng bít của chính quyền và quân đội Mỹ-kể cả chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, ông đã tiến hành cuộc điều tra độc lập để tìm ra sự thật. Theo như ông nói, ông không bỏ qua bất cứ một manh mối hay một chi tiết nào dù nhỏ nhất có liên quan đến vụ Sơn Mỹ. Ông đã gặp hơn 50 nhân chứng mà hầu hết là những cựu binh của đại đội Charlie (ký hiệu là C) - một trong 3 đại đội thuộc “Lực lượng đặc nhiệm Barker” đã càn vào xã Sơn Mỹ ngày 16-3-1968 và gây ra vụ thảm sát đẫm máu, giết hại 504 người dân. Cái đại đội C này do đại úy Ernest Medina chỉ huy, đã trực tiếp ra lệnh cho trung úy William Calley, trung đội trưởng Trung đội 1 dưới quyền chỉ huy của mình tàn sát 407 người ở Mỹ Lai 4. Ngoài ra ông còn gặp cả các sĩ quan cao cấp, các luật sư và bạn bè của ông đang làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ để tìm hiểu, khai thác nhiều tư liệu “đắt giá” về vụ Mỹ Lai. Từ đó ông đã viết một loạt 5 bài phóng sự điều tra về vụ tàn sát ở Sơn Mỹ. Đến tháng 11-1969, những bài viết của ông được đăng trên báo chí Mỹ, trong đó có những tờ báo lớn như Time, Life, News Weet, Los Angeles Times... và được minh họa bởi những tấm ảnh do phóng viên chiến trường Ronald Haeberle chụp tại hiện trường vụ thảm sát đã làm rúng động nước Mỹ và cả thế giới... Nó đã phơi bày một sự thật hiển nhiên mà nhà cầm quyền Mỹ cố tình bưng bít dư luận, là quân đội Mỹ đã gây ra một vụ thảm sát đẫm máu ở Sơn Mỹ - Mỹ Lai, góp phần quyết định đưa phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mỹ lên một đỉnh cao mới, mà biểu hiện hùng hồn là cuộc xuống đường tuần hành ngày 15-11-1969 với hơn 500.000 người tham gia tại thủ đô Washington. Ngay sau đó, trong năm 1970, ông viết xong quyển sách: “Mỹ Lai 4 - Báo cáo về các vụ thảm sát và hậu quả của nó” (A Report on the Massacre and its aftermath) và được xuất bản. Việc xuất bản quyển sách về Mỹ Lai 4 của Hersh đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của công chúng Mỹ và cả thế giới phương Tây về cuộc chiến tranh Việt Nam. Với những thành công đó, năm 1970 nhà báo Seymour M.Hersh đã nhận được giải thưởng Pulitzer – Giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực báo chí không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới…
(còn nữa)
Võ Cao Lợi