Lạc bước miền ảo vọng (2)

Thứ tư, 16/10/2013 10:40

* Bài 2:   BỘ MẶT THẬT CỦA NHỮNG KẺ CẦM ĐẦU

(Cadn.com.vn) - Không có một giấc mộng giàu sang nào như lời hứa, là cơn đói thèm miếng cơm lúa rẫy mình trồng, thèm tắm ở con suối của làng, thèm nhìn những cánh rừng bạt ngàn ở quê hương...

Vỡ mộng

Trong căn nhà tuềnh toàng, cứ mỗi khi màn đêm đổ xuống bà H’Rui (trú tại làng Jar, xã Chư Đăng Ya, H. Chư Păh, Gia Lai) lại ngồi đơn côi bên bếp lửa, những giọt nước mắt lăn dài trên má vì nỗi lo cho con, cho cháu. Chỉ vì nghe lời xúi giục của những kẻ xấu, đứa con rể của bà là Glỡ đã bán hết ruộng vườn, rẫy đưa con gái bà cùng 2 đứa cháu vượt biên trái phép sang Thái Lan rồi đối mặt với cuộc sống túng thiếu trong trại tị nạn. Nỗi u buồn kéo đầy trong đôi mắt bà H’Rui, bà kể lại, năm 2000, Glỡ lấy con gái ông bà là chị Phôn và 2 vợ chồng cùng ở lại làng Jar làm ăn, sinh sống. Nhờ tính cần cù và chịu khó, cuộc sống của vợ chồng Glỡ - Phôn ngày càng khấm khá khiến bao nhiêu cặp vợ chồng khác ngưỡng mộ. Phôn cũng sinh cho Glỡ 2 đứa con trai kháu khỉnh.

Thế nhưng, khi những kẻ xấu rót “lời độc” vào tai Glỡ về một cuộc sống giàu sang ở nước ngoài khiến Glỡ tìm cách đưa vợ con vượt biên trái phép. Cuối tháng 4, sau khi bán hết 2 sào ruộng và 300 cây cà-phê lấy hơn 100 triệu đồng, Glỡ nói với cha mẹ vợ đưa gia đình mình về ở với mẹ ruột tại làng Kte lớn (xã Ia Yeng, H. Phú Thiện, Gia Lai) vì bố của Glỡ vừa mới mất. Những tưởng Glỡ sẽ ổn định làm ăn nuôi vợ, con và mẹ già nhưng chỉ vì nghe lời kẻ xấu, Glỡ đã âm thầm đưa vợ và 2 đứa con nhỏ là thằng Phôi, thằng Kun vượt biên trốn sang Thái Lan.

Cuộc sống sung sướng đâu chưa thấy, thì đầu tháng 5-2013 bà H’Rui nhận một cuộc điện thoại báo tin dữ. “Con Phôn nó gọi điện về kể cả nhà nó đang ở Thái Lan, tiền bạc bị lừa mất hết, không có cơm ăn, sống cực khổ lắm, còn thằng Glỡ thì bị cảnh sát Thái Lan bắt vì nhập cư trái phép. Phôn xin vợ chồng tôi gửi 10 triệu đồng sang để lo cho chồng nó. Vợ chồng tôi già rồi, bám lấy cái nương cái rẫy để sống, hoàn cảnh khó khăn lấy tiền đâu để gửi cho chúng. Tôi chỉ mong gia đình chúng được trở về làng thôi”, bà H’Rui nước mắt vắn dài than thở.

Siu Kim --- Ksor Pek

Phôn cũng điện thoại về nhiều lần để xin tiền và mỗi lần Phôn giục bà H’Rui nói nhanh bởi sắp hết tiền trong điện thoại, sau đó bị ngắt quãng bởi những tiếng tút dài. Ngồi trò chuyện, đôi mắt bà H’Rui xa xăm nhìn ra cửa nỗi lòng thấp thỏm đợi tin những đứa con, đứa cháu gặp đang gặp nạn nơi đất khách quê người. Mỗi lần nhớ 2 đứa cháu, nhớ 2 đứa con lầm đường, lạc lối của mình bà H’Rui lại qua căn nhà của Glỡ, Phôn được Nhà nước xây dựng theo diện 134 từ năm 2005 lục lại ảnh ra xem. “Nếu thằng Phôi, thằng Kun ở đây giờ đứa đã học lớp 8, đứa học lớp 3. Nó ham chi cuộc sống sung sướng mà để bị lợi dụng đưa vợ, con qua bên kia giờ biết đường nào mà về. Tôi mong bà con dân làng đừng có nghe theo lời kẻ xấu xúi giục để bị lừa như con tôi”, bà H’Rui nghẹn ngào.

Những kẻ cầm đầu

Ngồi trước mặt chúng tôi là Ksor Pek (trú làng Tao, xã Ia Phang, H. Chư Pưh) vừa bị CAH Chư Pưh bắt tạm giam về hành vi tuyên truyền, tổ chức lôi kéo người vượt biên trái phép. Đây là kẻ nhận chỉ đạo trực tiếp của tổ chức FULRO lưu vong móc nối với các đối tượng khác nhằm lừa phỉnh, lôi kéo hàng chục người dân vượt biên trốn sang Campuchia. Vẻ mặt ân hận của Ksor Pek nói lên tất cả vì những lỗi lầm của mình đã gây ra. Từ tháng 3-2013 đến khi bị bắt, Pek đã móc nối với Ksor Then (Ama Lanh), Rơ Mah Weo (đều trú tại Chư Pưh) lừa người dân bán ruộng, bán rẫy, nhà cửa bỏ ra rừng để tìm cách trốn sang Campuchia.

Ksor Pek ân hận: “Theo tôi được biết Ksor Kơn (Ama Thí) nó lừa tôi, lừa bà con mình thôi, đừng ai nghe theo nó nữa. Việc làm đó là chống phá Nhà nước chúng ta”. Ksor Pek  không chỉ móc nối với các đối tượng ở địa bàn H. Chư Pưh mà còn móc nối với một số đối tượng khác ở các huyện Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai), từ đó hình thành đường dây trốn ra nước ngoài. Theo lời khai của Pek, dù các đối tượng này biết rõ âm mưu của FULRO lừa phỉnh đồng bào sang Campuchia để tham gia hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam nhưng vẫn tìm cách đưa người qua bên kia biên giới nhằm thu tiền, tư lợi cá nhân.

Nhớ cháu, bà H’Rui chỉ biết nhìn ảnh cháu rồi khóc.

Tương tự, Siu Kim (trú làng Lút, xã Ia Lâu, H. Chư Prông, Gia Lai) và Rơh Mah Pin (trú làng Piơr 2, xã Ia Piơr, H. Chư Prông) giữa tháng 8 đã lôi kéo Siu Quyết, Siu Lân, Rơ Mah Hoan, Siu A Meo, Siu Biên, Siu Hiăng, Niăng Bêu, Kpui Ngin (đều trú làng Ia Piơr 2, xã Ia Piơr) và Siu Jít (trú làng Lút, xã Ia Lâu, H. Chư Prông) trốn sang Campuchia. Nghe lời rủ rê, những người này đã bán các vật dụng có giá trị trong nhà, mua sắm thực phẩm để vượt biên cũng như phải nộp cho Siu Kim 2 triệu đồng/ người. Tuy nhiên, nhờ sự cảnh giác của chính quyền địa phương, người dân đã nhanh chóng báo tin, tố cáo cho lực lượng chức năng về những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên. Đứng trước dân làng, Siu Kim thú nhận: “Tôi tuyên truyền bà con, dân làng của chúng tôi là vượt biên trái phép sang Campuchia là vi phạm pháp luật, làm bà con bỏ ruộng, bỏ nương. Tôi đã lừa dân làng thôi, lừa tiền lấy 2 triệu đồng/ người”.

Ksor Búp, một trong những người dân ở xã Ia Phang cảnh báo: “Đừng nghe theo cái bọn xấu nó tuyên truyền như thế, chúng nó đã nhiều lần hứa với mình, chúng hứa lần này qua lần nọ mà chả thấy cái gì hết. Tôi nghĩ chuyện đó chỉ là chuyện hoang đường thôi, bà con đừng có tin mà bỏ rẫy, bỏ nương đi theo bọn chúng”. Già làng Rơ Mah Loan (làng Piơr 2, xã Ia Piơr) cũng khẳng định: “Thấy con Rơ Châm Byơh vợ của thằng Siu Quyết cái mặt nó buồn, hỏi nó thì nó chẳng nói gì. Biết chuyện chẳng lành, tôi gặng hỏi thì con Byơh nói cái bụng thằng Quyết không muốn ở làng nữa, Quyết sắp bỏ vợ, bỏ con để trốn đi Campuchia. Nghe tin đó, tôi liền đến gặp lãnh đạo xã để báo tin, hôm sau Công an và chính quyền địa phương gọi thằng Quyết lên làm việc”. Chỉ sau một thời gian ngắn, ý định vượt biên của các đối tượng nhanh chóng được làm rõ...

 (còn nữa)
Minh Tân – Quốc Thành