Lạc trôi đến Linh Quy Pháp Ấn

Thứ sáu, 04/10/2019 16:25

Tôi đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) với lý do duy nhất là muốn đến Linh Quy Pháp Ấn. Từ ngày ca sĩ Sơn Tùng dựng MV "Lạc Trôi" lấy bối cảnh nơi này để quay phim, thì đây là điểm đến của mọi người. Để rồi Bảo Lộc vốn yên ả, bỗng trở nên sôi động bởi du khách tìm tới, chỉ một mục đích duy nhất là lên tới "Cổng trời" ở nơi này. Và dẫu ngay Đà Lạt có quán cà-phê "Đà Lạt View" cũng làm cổng trời na ná Linh Quy Pháp Ấn, hoặc ở trong Khu du lịch Lá Phong cũng có, nhưng chỉ là bản sao không có sức hấp dẫn mấy.

 Đường lên Linh Quy Pháp Ấn.

Chuyện kể vào 11 năm trước, có một nhà sư tên Thích Minh Thành đã tìm đến nơi này. Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông đã dựng lên ngôi chùa với mục đích tu tập. Có thể nói Linh Quy Pháp Ấn gần như tách biệt với cuộc sống bên dưới vì đường đi vô cùng khó khăn với con dốc đứng chen giữa rừng cây. Và cuộc sống ấy bị phá vỡ bởi vẻ đẹp kỳ lạ của cổng trời theo kiểu Toni của Nhật bản. Nhất là khi trời vừa sáng hay chiều về, mây vờn chẳng khác cõi tiên. Chùa Linh Quy Pháp Ấn gồm Chánh Điện, Giảng Đường, Quán Chiếu Đường, Thư Viện, Thất Khai Sơn... Đặc biệt, điểm nhấn chính là sân rất rộng với  3 cánh cổng Thần Đạo được mọi người gọi là Cổng trời.

Hình ảnh trên mạng và con đường tới đích là hai câu chuyện khác nhau. Sáng sớm, dò theo bản đồ tính từ trung tâm TP Bảo Lộc thì cổng trời Linh Quy Pháp Ấn cách 22 km, tọa lạc trên đồi 45 thuộc thôn 4, xã Lộc Thành. Sau khi tìm đường, chúng tôi đã tới được chân núi, ngay tức khắc đã có những anh xe thồ chạy theo hướng dẫn vào bãi giữ xe rất nhiệt tình. Tại bãi giữ xe có cột võng và ghế ngồi cho khách, bán các loại nước giải khát đơn giản. Đặc biệt tại nơi này có những cái "hộc" ngủ- là các căn phòng làm bằng gỗ giống như cái hộc. Hộc ngủ này chủ yếu cho khách hành hương hoặc những tay săn ảnh thuê ngủ lại, để sáng sớm lên núi khi mây còn ùa về và mặt trời chiếu rọi, khi đó các nhà sư làm lễ sẽ lên núi.

Thú thật, khi đã ở dưới chân núi, các anh xe thồ ra giá 50 ngàn đồng để chở đi và về, tôi cũng chưa mường tượng nỗi con đường đi như thế nào? Cổ nhân có nói, chưa đi chưa biết đường đi như thế nào, cứ nghĩ chỉ là chở lên con dốc cao. Nhưng quả thật, con đường lên núi là cả một "chiến công". Đường dốc đứng, bề ngang chừng một mét, hai bên là cây cối. Con đường đầy đá sỏi, có khi còn bị lở ra tạo một chỗ trũng. Ở giữa con đường có một điểm nhấn là xi-măng láng, với bề ngang chừng 0,3 mét để bánh xe máy trườn vừa đủ lên. Mà đâu có phải chỉ xe đi lên, có khi còn xe đi xuống. Chiếc xe máy cũ kỹ gầm thét chở tôi đi leo lên cao với độ nghiêng khoảng 30 độ, tạo cảm giác xe trượt ngã hay chết máy là khó mà an toàn... Cuối cùng, xe cũng tới điểm dừng chân, anh xe thồ rút ra miếng giấy nhỏ, có ghi số điện thoại, bảo khi quay lại thì gọi anh chở xuống. Chuyến chở xuống cũng nguy hiểm chẳng khác gì khi đi lên. Vì vậy, thay vì leo lên xe thồ, có nhiều người chọn cách đi bộ cho an toàn.

 Quán Chiếu Đường thu hút đông đảo du khách.

Linh Quy Pháp Ấn hiện ra trước mặt, chênh vênh giữa mênh mông. Leo lên những bậc thang, và chạm vào nơi mà mình từng mong muốn đến. Không hùng vĩ, không đồ sộ đâu. Một khoảng sân rộng bằng xi-măng, bao quanh là lan can và có 3 cổng trời. Để tránh cho khách bị tai nạn, phía sau cổng trời có chắn bằng kính trong suốt. Và để chụp được tấm ảnh cũng phải thật kiên trì vì rất đông khách. Và Quán Chiếu Đường là nơi thờ Phật, phía trước một tượng Phật bán thân và bên trong là tượng Phật. Hai bên có trống và gác chuông, những chiếc chuông gió bằng đồng treo ngay mép mái, khi gió lay tạo ra những thanh âm. Có nhiều người tò mò ra phía sau, là rừng, là ngôi nhà dành cho ai muốn ở lại và cả một chiếc băng ghế dài ở một nơi để có thể ngồi nhìn ngắm bên dưới.

Và quả thật, chỉ đơn giản là một không gian rộng với 3 chiếc cổng hướng về 3 phía, nhưng khi đến được Linh Quy Pháp Ấn là đã thỏa lòng cho cuộc hành trình, quên ngay chiếc xe thồ chở trên con dốc đầy đá sỏi.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG