Lại "nóng" chuyện cử nhân thất nghiệp và thực thi văn bản quy phạm pháp luật
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội, ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời các vấn đề được quan tâm như: chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm; việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện và căn bản GD-ĐT (NQ 29). Còn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải đáp về việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết của Quốc hội về hướng dẫn thi hành và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án luật; chất lượng văn bản pháp luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Nghị định của Chính phủ trong thời gian qua...
72.000 cử nhân thất nghiệp: Bộ GD-ĐT nhận yếu kém
Chất vấn đầu tiên, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) thắc mắc thực hiện NQ 29, Bộ GD-ĐT chọn thi cử là khâu đột phá nhưng đây chỉ là phần ngọn trong khi đổi mới nội dung chương trình mới là phần gốc.
Bộ trưởng Luận cho rằng, thi cử, dạy và học có quan hệ với nhau. Quá trình triển khai có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi đã có những thay đổi căn bản. Bộ dùng thi cử làm khâu đột phá vì quá trình triển khai NQ 29 gồm hai khối công việc độc lập. Đó là xây dựng mới chương trình giáo dục phổ thông theo lối tiếp cận năng lực, trên cơ sở đó biên soạn SGK phù hợp chương trình, thiết kế cách dạy, cách thi phù hợp với SGK đó. Khối công việc thứ hai là thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh. Phải thay đổi chương trình theo tinh thần của NQ 29 để từng bước thay đổi chất lượng giáo dục và thay đổi dần dần phương pháp học và thi cử.
ĐBQH Thân Đức Nam chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. |
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Thùy (Bình Định) yêu cầu Bộ trưởng trả lời nguyên nhân 72.000 cử nhân thất nghiệp, có do đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu hay cơ cấu chưa hợp lý? Giải pháp của Bộ là gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận: yếu kém nói trên trách nhiệm chính thuộc về Bộ và các cơ sở GD. Yếu kém đó đã dẫn đến quy mô tuyển sinh và quy mô SV tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp. Lý giải về thực trạng này, Bộ trưởng nêu ra 3 nguyên nhân: Một là, trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến điều kiện bảo đảm chất lượng. Hai là, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi cử của các trường ĐH chủ yếu dựa vào khả năng hiện có của các trường chứ chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội cần. Ba là, việc mở trường, cấp phép hoạt động thiếu quy định chặt chẽ, nội dung đào tạo chưa theo kịp phát triển của thực tiễn... Về giải pháp, Bộ sẽ hạn chế việc thành lập trường, cải tiến quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy cô giáo mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh, đã đào tạo; đồng thời cùng Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường.
ĐBQH Phạm Thị Hải đặt vấn đề "qua 3 lần thực hiện cải cách giáo dục, những yếu kém của ngành vẫn tồn tại. Vậy đề án đổi mới chương trình- sách giáo khoa Bộ sắp trình QH có khắc phục được không?". Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng nếu triển khai Nghị quyết một cách nghiêm túc, thực sự, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì tình trạng yếu kém về chất lượng, bức xúc của xã hội sẽ được giải quyết. Còn về đề án trên, Bộ Trưởng Luận nói sẽ trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nêu ý kiến cho rằng: "Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình khi trình đề án đổi mới chương trình- sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỷ đồng. Việc một đề án trình ra UBTV Quốc hội mà lại không trình bày được con số, kinh phí thực hiện đề án thì chắc chắn đây là đề án chưa chuẩn xác, chưa đúng, chưa đầy đủ. Lý do giải thích của Bộ trưởng chưa thuyết phục".
"Lợi ích nhóm" trong văn bản pháp luật
Chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bắt đầu phần trả lời chất vấn của các ĐBQH về những vấn đề liên quan đến thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu, dư luận nhân dân và tại diễn đàn Quốc hội đã đề cập hiện tượng "lợi ích nhóm" trong một số VBQPPL hoặc có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân. Quan điểm của Bộ trưởng và hướng khắc phục tình trạng trên?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy nêu: "Có "lợi ích nhóm" trong việc ban hành các VBQPPL"? |
Về vấn đề "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong VBQPPL, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại VBQPPL từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ. Từ Quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến... Với quy trình như vậy, việc cài đặt "lợi ích nhóm" vào các Quyết định của Chính phủ trở lên, Bộ thấy chưa phải là vấn đề đặt ra.
ĐB Kim Thúy và ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cùng chất vấn về việc vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách lại đang là thực tế khá phổ biến ở nước ta, dẫn đến tình trạng chính sách không được làm rõ trong luật nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn. Giải pháp về vấn đề này của Bộ Tư pháp như thế nào?
Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, vấn đề ĐB nêu cũng có lý nhưng chưa phải hoàn toàn đúng, vì theo quy trình trước khi xây dựng một VBQPPL phải tiến hành tổng kết thực tiễn, tổng kết việc thi hành VBQPPL đang hoặc đã có hiệu lực pháp luật. Trong tổng kết nếu làm nghiêm túc thì sẽ phát hiện ra những vấn đề mà chúng ta đặt ra mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án đó ra sao, cuối cùng là chính sách mới đưa ra như thế nào. Bộ trưởng cho rằng chưa có sự đánh giá và hình dung được chính sách vừa thi công vừa thiết kế, điều này cũng không hoàn toàn hợp lý lắm. Tuy vậy, trên những vấn đề kỹ thuật không phải không có. Để khắc phục, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật ban hành VBQPPL mới. Theo đó, tách giai đoạn làm chính sách trước và sau đó mới là giai đoạn viết văn bản. Giai đoạn làm chính sách chủ yếu cũng sẽ là các chuyên gia trong các lĩnh vực, các nhà chính trị, ĐBQH. Giai đoạn kỹ thuật chủ yếu các chuyên gia về luật. Như vậy, việc xây dựng luật sẽ được làm tốt hơn khi làm chính sách tách biệt hẳn khỏi vấn đề soạn thảo văn bản.
Dự kiến, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tư pháp sẽ tiếp tục diễn ra trong sáng nay (12-6). Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
B.T- H.Hoa