Làm lại cuộc đời từ quá khứ lầm lỗi
(Cadn.com.vn) - Năm 1984, rời quê ở Hòa Vang (Đà Nẵng), Bùi Quốc Anh lên vùng rừng núi Phước Sơn lập nghiệp. Năm 1990 anh lập gia đình, cuộc sống buổi đầu rất hạnh phúc. Sau đó, Anh cùng bạn bè vào rừng đãi vàng, rồi bị rủ rê, lôi kéo, nhanh chóng chìm đắm trong làn khói trắng của ma túy. Tài sản vất vả làm ra bao nhiêu cũng lần lượt ra đi vì ma túy. Một ngày Anh chợt nhận ra con đường lầm lỗi của mình và quyết tâm từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Anh chia sẻ về hành trình đi cai nghiện của mình: “Bao năm chìm đắm trong khói thuốc của ma túy đến lúc gia đình kiệt quệ, rồi con cái đi học về nói với mình rằng ba đừng để chúng con không dám ngẩng đầu lên nhìn ai vì ba, chính lời nói của các con làm tôi thấy áy náy vô cùng và nhất định phải cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nghiện từ năm 1998, mãi tới năm 2004 tôi quyết định bỏ xứ ra đi. Không biết trời xui đất khiến thế nào tôi đi xuống tận tỉnh Kiên Giang, xin tàu ra đảo Phú Quốc.
Tại đây, tôi thuê một nhà trọ để trú thân. Nhiều lần một mình vật vã trong cơn nghiện, ngất đi lúc nào không hay, tỉnh dậy nghe tiếng sóng vỗ, tôi mới biết mình vẫn còn sống. Cứ thế ngày qua ngày, tôi mua sẵn thức ăn, bình chuyền dịch và đóng cửa lại để tự cai nghiện. Những lúc tưởng chừng thất bại, câu nói của đứa con gái cứ văng vẳng bên tai, thế là tôi lại quyết tâm hơn nữa. Lúc hết cơn, tôi tự lấy bình dịch chuyền vào mình cho khỏe. Ba mươi ngày sau khi ở trong phòng tự cai nghiện, tôi thấy mình khá hơn và bắt đầu ra ngoài. Dạo quanh bãi biển, thấy ngư dân đang đánh bắt cá, tôi đánh liều xin chủ ghe đi theo phụ, không cần tiền chỉ cần cho bữa ăn qua ngày. Niềm vui từ việc kéo lưới được con cá, con tôm đã làm tôi quên đi thuốc phiện. Cứ thế ngày qua ngày, tôi ăn uống và làm việc cùng với ngư dân miền biển Phú Quốc. Trong quá trình chữa bệnh và cai nghiện, sự quan tâm, yêu mến của những người dân nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi đoạn tuyệt với ma túy vào năm 2009”.
Anh Bùi Quốc Anh cần mẫn với xưởng mộc của mình. Ảnh: H.Y |
Sau thời gian cai nghiện thành công, Quốc Anh trở về miền núi Phước Sơn trong niềm vui của gia đình, bạn bè. Bỏ qua mọi mặc cảm, anh bắt tay vào làm lại cuộc đời chỉ với 2 bàn tay trắng. Ban đầu, bạn bè tiếp tục rủ đi khai thác vàng nhưng anh kiên quyết từ chối. Anh sắm bào, đục đi làm thợ mộc cho bà con quanh vùng. Nhờ sự cưu mang đùm bọc và sự siêng năng của mình, bà con quanh vùng hễ có việc gì là gọi anh tới làm. Sau đó, anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo để mua máy móc dựng lều làm mộc. Những tháng ngày khó khăn cũng dần qua đi, cuộc sống gia đình giờ đây không phải lo bữa no, bữa đói, mà đã có của ăn, của để, con cái được học hành. Hiện anh đã có một xưởng mộc với 5 nhân công, lương tháng 5 triệu đồng/người. “Hơn 6 năm chìm đắm trong cơn mê bởi ảo giác của ma túy, thấu hiểu được những tủi nhục và sự xa lánh của cộng đồng, giờ đây tôi mong muốn những người đã, đang mê muội bởi ma túy và thế hệ trẻ sau này sẽ không một ai mắc phải lầm lỗi một thời như mình. Tôi cũng mong muốn mở rộng thêm xưởng gỗ của mình để thu hút thanh niên bị nghiện trong làng tới làm việc, tạo công ăn việc làm để từ bỏ ma túy”, anh Quốc Anh bày tỏ.
Ông Nguyễn Giới, Trưởng CAH Phước Sơn cho biết: “Địa phương hết sức quan tâm những người lầm lỗi trở về làm lại cuộc đời. Anh Quốc Anh là một điển hình cai nghiện thành công về địa phương phát triển kinh tế của H. Phước Sơn. Anh thực sự là tấm gương sáng để những ai đã và đang bước đi trên con đường lầm lỗi học tập và làm theo. Vừa qua, anh Quốc Anh cũng được nhân dân tín nhiệm giới thiệu vào đội ngũ công an viên của xã Phước Đức”.
Từng gắn cả thời thanh niên với “nàng tiên nâu”, việc từ bỏ được thứ thuốc gây nghiện đã ngấm sâu vào máu thịt đã khó, nói chi tới việc sẽ tu tâm để phát triển kinh tế gia đình. Song nhờ ý chí, nghị lực, Bùi Quốc Anh đã vượt qua được sức cám dỗ của ma túy, quyết tâm làm lại cuộc đời, tìm về với con đường hướng thiện và trở thành một trong những điển hình trong phát triển kinh tế của xã Phước Đức.
Hoàng Yên