Làm sao để nông sản không tắc ở cửa khẩu với Trung Quốc?

Thứ năm, 28/05/2015 08:02

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc về giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân xuất khẩu nông sản qua biên giới trong thời gian tới.

Đoàn khảo sát liên hợp của Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc khảo sát tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai-Việt Nam).

P.V: Thưa Thiếu tướng, thời gian qua, xuất hiện tình trạng các mặt hàng nông sản của Việt Nam như: gạo, thanh long, dưa hấu và vải thiều bị ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt Nam-Trung Quốc. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mặt hàng nông sản của Việt Nam bị ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt Nam-Trung Quốc. Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do "tắc thị trường". Những ai làm thương mại lâu năm với thị trường này đều hiểu, chuyện "tắc thị trường" trong xuất khẩu nông sản xảy ra thường xuyên, có những lúc, những nơi, phía bạn thay đổi, điều chỉnh về chính sách biên mậu, về mở rộng, hay hạn chế nhập một số mặt hàng xuất khẩu.

Chúng ta cũng không thể quyết định được việc Trung Quốc nhập dưa hấu từ Việt Nam ở cửa khẩu nào. Lâu nay, Trung Quốc chỉ cho nhập qua cửa khẩu Tân Thanh và phần nào qua Cốc Nam (Lạng Sơn). Còn cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô (Quảng Ninh) hầu như không có mặt hàng dưa hấu, ở cửa khẩu Lào Cai cũng có nhưng không nhiều. Có thể sự điều chỉnh này không lớn và không kéo dài, nhưng do chúng ta thiếu sự linh hoạt để thích ứng.

P.V: Trước thực trạng trên, Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã có những giải pháp gì nhằm giúp nông dân cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam tìm cách xuất khẩu và tiêu thụ nông sản sang thị trường Trung Quốc?

Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến: Thời gian qua, Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã chủ động nắm chắc tình hình các cửa khẩu, phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, kịp thời trao đổi, phối hợp với Ủy ban phía Trung Quốc; duy trì thường xuyên hoạt động của cơ quan thường trực để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm tạo thuận lợi thông quan tại các cửa khẩu; chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ nâng cấp, kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài để kịp thời giải quyết ùn tắc nông sản tại cặp cửa khẩu này.

Đồng thời tích cực tham mưu cho các ngành, địa phương, các Tiểu ban Cửa khẩu của các tỉnh biên giới Việt-Trung đề ra các giải pháp hữu hiệu. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ kiến nghị các Bộ, ngành cần tiếp tục xem xét, thống nhất với các Tiểu ban hợp tác cửa khẩu của 7 tỉnh biên giới Việt - Trung có những biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thông quan tại khu vực cửa khẩu biên giới với sự tham gia của lực lượng chức năng hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu mối của hai bên. Về lâu dài, sẽ tham mưu đề xuất với Chính phủ có giải pháp mang tính chiến lược, chỉ đạo việc gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu với khâu sản xuất của người nông dân.

P.V: Được biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân khi xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, trong các ngày từ 12 đến 16-5-2015, Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã tiến hành Hội đàm và tổ chức khảo sát liên hợp tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang. Kết quả Hội đàm và khảo sát như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến: Hai bên thống nhất các nội dung, như: triển khai việc thực hiện kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan và Móng Cái-Đông Hưng từ ngày 1-7-2015; hai bên nghiêm túc thực hiện thời gian thông quan cửa khẩu đã được xác định theo Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam –Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan; tích cực thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan tại các cửa khẩu theo quy định; từng bước quy phạm hóa, công khai hóa việc thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu biên giới của mỗi bên; đẩy nhanh tiến trình mở mới các cửa khẩu Sóc Giang-Bình Mãng, Chi Ma - Ái Điểm (dự kiến vào cuối năm 2015), Xín Mần - Đô Long (dự kiến vào cuối tháng 6-2016), Lý Vạn - Thạc Long, Hoành Mô - Động Trung (bao gồm cả Bắc Phong Sinh-Lý Hòa), Săm Pun - Điền Bồng; nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu thành cửa khẩu quốc tế và mở cầu Tà Lùng 2... Tiến tới thực hiện khu kinh tế xuyên biên giới với các mô hình “hai quốc gia, hai chế độ nhưng một chính sách”.

Đặc biệt, phía Việt Nam ủng hộ đề nghị của phía Trung Quốc đi khảo sát, tìm hiểu về mô hình “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Đen-sa-vẳn (Lào) vào cuối năm 2015 để có thể áp dụng tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt-Trung và giao quyền cho các Tiểu ban công tác Cửa khẩu của các tỉnh chủ động, linh hoạt trong việc kéo dài thời gian thông quan nằm trong quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu và trên biên giới nhằm giữ gìn, duy trì trật tự và môi trường hoạt động tại cửa khẩu. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các chính sách, quy định liên quan đến xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thủ tục qua lại biên giới, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong kiểm tra, kiểm soát, quản lý biên giới; cùng nhau nghiên cứu cơ chế hợp tác nhằm đẩy nhanh tiến độ xác minh, trao trả người xuất nhập cảnh trái phép; tăng cường hơn nữa hợp tác chống buôn lậu, duy trì an ninh trật tự trên khu vực biên giới, cửa khẩu; hoàn thiện các dịch vụ tại cửa khẩu, nghiên cứu xây dựng hệ thống trao đổi thông tin hiện đại giữa hai bên. Thúc đẩy việc tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cửa khẩu biên giới hai bên...

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Hoàng Anh
(thực hiện)