"Làn gió" Baltimore
(Cadn.com.vn) - Giới chức Mỹ thật sự đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng biểu tình bùng phát trong nhiều ngày qua vì cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray ở thành phố Baltimore tiếp tục lan sang các thành phố khác.
Ngày 1-5, Philadelphia, thành phố lớn nhất của tiểu bang Pennsylvania, trở thành thành phố tiếp theo tại bờ Đông chứng kiến làn sóng các cuộc biểu tình đường phố đòi công lý cho Gray. Trước đó, làn sóng biểu tình tại Baltimore lan sang nhiều thành phố lớn ở bờ Đông như New York và Boston. Gray thiệt mạng do những vết thương nghiêm trọng ở cổ và cột sống khi đang bị cảnh sát Baltimore giam giữ, đồng thời kêu gọi chấm dứt điều những người biểu tình cáo buộc là cách đối xử quá cứng rắn, đặc biệt là với những người Mỹ da màu.
Kết quả điều tra cuối cùng sẽ được Bộ Tư pháp Mỹ công bố vào tuần tới. Theo kết quả điều tra sơ bộ, không có chứng cứ nào cho thấy Gray bị thương khi bị giam giữ. Theo tờ Washington Post, một tù nhân khác nói rằng, Gray dường như tự ý gây thương tích cho mình. Tuy nhiên, cái chết của Gray thật sự đang làm bùng nổ nhiều tranh cãi và chỉ trích nhằm vào lực lượng cảnh sát Mỹ. Nhiều người cho rằng, bất ổn dân sự ở Baltimore nhấn mạnh những hạn chế của tình trạng "phân biệt chủng tộc" chống lại người da màu ở Mỹ.
Họ cáo buộc, cái chết của Freddie Gray, 25 tuổi, là minh chứng cho thấy chiều sâu tàn bạo của cảnh sát Mỹ đối với người da màu ngay tại Baltimore, thành phố mà giới lãnh đạo chủ yếu là người da màu. "Đó rõ ràng là phân biệt chủng tộc, một thực tế ở Mỹ", nhà bình luận xã hội Steve Ndegwa cho biết. Tiến sĩ Martin Nguru, giảng viên tại trường Đại học Ngoại giao và Nghiên cứu Quốc tế ở Nairobi cho rằng, trừ khi chính phủ Mỹ quyết các vấn đề bất bình đẳng một cách dứt khoát, căng thẳng như thế này sẽ tiếp tục nổ ra và sẽ tiếp tục làm tổn hại hình ảnh Mỹ trên trường quốc tế.
Trong khi các nhà phân tích xem các cuộc biểu tình như một "bước đi đốt cháy việc kiểm tra các vấn đề về quyền con người và dân sự ở Mỹ", nhiều dấu hiệu cho thấy nỗ lực hợp tác cải cách giữa bên chính quyền địa phương thành phố và bên công tố.
Baltimore, có 25% dân số sống dưới mức nghèo khổ, dường như khá tách biệt với phần còn lại của nước Mỹ. Có một sự phân biệt rõ rệt. Có nhiều giao ước vẫn tồn tại ảnh hưởng đến người da màu như cấm bán lại nhà cho người da màu (và cả người Do Thái).
Hiện nay, thành phố này vẫn tách biệt, trong đó, người da trắng sống dọc theo bến cảng và trong tam giác dọc theo trung tâm Jones Falls cao tốc trong khi người Mỹ gốc Phi sống trong nội thành và các vùng đất rộng của Đông và Tây Baltimore. Và giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu làn sóng biểu tình rầm rộ ở Baltimore ảnh hưởng như thế nào đến các thành phố khác ở Mỹ? Đó là một sự ảnh hưởng khá lớn bởi Baltimore là "điểm quan trọng" của người Mỹ gốc Phi.
Rõ ràng, vấn đề của Baltimore thật sự đặt ra thách thức thực sự đối với Mỹ, quốc gia luôn tự vỗ ngực cho là "dân chủ nhất thế giới". Và giờ là lúc Mỹ cần phải xem lại chính mình.
Thanh Văn