Lan rừng xuống phố

Thứ sáu, 06/04/2018 16:20

Thời gian gần đây, người dân các vùng miền núi trên cả nước "đua nhau" theo nghề buôn hoa lan rừng. Tại Đà Nẵng một khu "chợ hoa lan rừng" thu nhỏ hiện hữu trên đường Điện Biên Phủ, thu hút đông đảo người mua... Sống ở thành phố, mỗi tấc đất là một tấc vàng khiến người yêu hoa phải "cân, đong, đo, đếm", lựa chọn làm sao để vẫn thưởng thức được cái đẹp từ thiên nhiên mà không làm mất nhiều diện tích trong vườn. Và, chơi lan nghiễm nhiên được coi là... thượng sách, là lựa chọn "khôn ngoan" của mọi nhà. Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy trên ban công, sân thượng, góc vườn, trước sân nhà ở các ngõ phố là những loài lan rừng bám vào thân gỗ buông mành nở hoa rực rỡ, không chỉ làm đẹp cho mỗi nhà mà còn làm cho phố phường thêm đẹp hơn.

Lan rừng được bày bán rất nhiều trên đường Điện Biên Phủ (Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Sống ở nơi có nhà cửa cao tầng san sát, để tạo ra một không gian mát mẻ, đẹp mắt thì trồng lan được xem là phù hợp nhất. Loài cây này cho hoa rất đẹp, đủ các màu, các loài, mỗi loại lại nở hoa ở những tháng khác nhau. Từ xưa đến nay, chăm sóc cây lan vốn được coi là một thú chơi tao nhã và những năm gần đây, thú chơi hoa lan của người dân thành phố đã trở thành trào lưu thu hút đông đảo thành phần, lứa tuổi khác nhau. Có cầu ắt có cung, thời gian gần đây tại TP Đà Nẵng lan rừng từ các vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Huế, Quảng Trị, thậm chí từ rừng Lào đua nhau về phố. Tầm 5 giờ 30 cho đến cuối ngày, tại địa chỉ 128-130 Điện Biên Phủ (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng), nhiều loại lan rừng được người bán bày ra, trong đó có không ít loại lan quý hiếm được ghi vào sách đỏ. Các phụ liệu phục vụ cho việc trồng lan như gỗ mục, chậu... cũng được bày bán tạo nên "khu chợ" chuyên về lan sôi động.

  Quý hiếm là vậy nên khi có nguồn hàng ai cũng muốn mình sở hữu để tạo thành  bộ sưu tập các loại lan rừng, phần nhằm thỏa mãn niềm đam mê, phần tạo thành một vườn lan để bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ được nhiều giống lan quý hiếm. Theo chị Hồ Chị Chứt (Kon Tum), ban đầu để có lan bán chị cùng những người trong gia đình vào tận các khu rừng sâu tìm kiếm, mỗi chuyến đi phải mất 3-4 ngày. Về sau, người dân trong thôn theo nghề này nhiều nên chị trở thành "đầu mối" thu mua. Sau khi có hàng chị thuê xe chở ra Đà Nẵng bán. Theo chị Chứt, thị trường Đà Nẵng dễ tiêu thụ vì có nhiều người mua về trồng nhưng cũng có nhiều người mua đi bán lại vì vậy không sợ ế mà giá cả lại ổn định. Tùy theo loại lan có giá dao động từ 50 ngàn cho đến 1,5 triệu đồng/loại. Thậm chí có loại cực hiếm giá lên đến vài triệu đồng, đối với loài lan này, chủ yếu là những người sành về lan và có điều kiện mới mua.

Các loại lan, đủ chủng loại, kích cỡ được bày bán trên vỉa hè. Có những loại chỉ nhỏ như ngón tay cũng bị "triệt hạ" nằm chỏng chơ trên sạp. Loại này lại phù hợp với túi tiền của những người chơi lan "nhỏ-lẻ", những người không có điều kiện nên cũng hút khách. Anh Hiệp (Quảng Ngãi) giải thích: "Của nào giá đó. Nay người đi lấy lan cứ như nấm, người này thấy nhỏ không lấy thì người khác cũng sẽ lấy. Vì vậy, mất công đi tìm thì cứ gặp thứ nào là lấy thứ đó, lớn nhỏ gì cũng được. Về, tùy yêu cầu sở thích của khách hàng để bán. Tôi bán ở đây cũng được một thời gian, có khi bán cả ngày, người mua chủ yếu tập trung đông vào buổi sáng". Cầm trên tay 3 bó lan vừa mua anh Nguyễn Thanh Việt (Liên Chiểu, Đà Nẵng) phấn khởi: "Vườn nhà đã đầy lan nhưng niềm đam mê không cưỡng lại được. Vài ba ngày tôi lại về đây trước là xem sau "thu thập" thêm những loại mới lạ cho giàn lan của mình. Chăm lan, thưởng thức lan riết rồi thành nghiện, mình chăm tốt nó sẽ cho hoa quanh năm, thú vị vô cùng. Đặc điểm của lan rừng dễ chăm, chỉ cần cho nó điểm tựa, có chút nắng là có thể sinh trưởng tốt". Khác với anh Việt, bác Thành (Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lại đầy "tâm sự": "Người chơi lan mà có nhiều giống lan để chơi thì tuyệt vời vô cùng, ấy nhưng cũng đáng trăn trở lắm. Nhìn xem lan hiếm mà lớn bé gì cũng bị khai thác kiểu "triệt sản" như thế này thì chẳng bao lâu nó trở thành tuyệt chủng. Đành rằng khai thác nhưng phải có cách, đây cũng là vấn đề đáng quan tâm, nhất là đối với những loài nằm trong sách đỏ".

Các loại lan được bán trên đường Điện Biên Phủ- TP Đà Nẵng không chỉ thuộc các rừng trong nước mà còn có lan "ngoại quốc" xuất xứ từ rừng Lào. Anh Nguyễn Văn Tý (Hướng Hóa, Quảng Trị) "đánh" nguyên cả xe tải nhỏ chở lan vào Đà Nẵng bán. Theo anh Tý, nguồn lan của anh do người dân vùng Hướng Hóa sang tận rừng Lào để "săn". Mùa này là mùa sinh trưởng của các loại lan nên lượng hàng luôn dồi dào. Anh đặt hàng, người dân đến bỏ sỉ theo khối lượng. Vì vậy khi về Đà Nẵng anh cũng bán theo lạng, theo ký. Sau khi trừ cho phí vốn liếng xăng xe anh cũng thu về kha khá vì vậy, thời gian này anh nghỉ "buôn" chuối chuyển sang buôn lan. Người dân có nhu cầu mua lan và thú chơi lan là một nét đẹp cần được cổ vũ, phát huy. Tuy nhiên, trên thực tế từ nhu cầu ngày một tăng của người chơi khiến cho việc "săn" lan đang trở thành cơn sốt, dẫn đến tình trạng khai thác lan "vô tội vạ". Điều đáng nói, với tình trạng "săn" lan rừng ráo riết như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho rừng già ngày càng cạn kiệt nguồn lan rừng quý hiếm trong tự nhiên. Nhìn những nhánh lan rừng nhỏ, to nằm chỏng chơ bên lề đường có ai nghĩ được rằng liệu trong thời gian tới có còn một bóng lan nào về phố như hôm nay? Không chỉ vậy, việc "chợ" lan phát sinh ngay trên vỉa hè đang gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT, ATGT trên địa bàn. Người mua lan để xe dưới lòng đường cản trở việc lưu thông trên đoạn đường này. Thiết nghĩ, để phục vụ nhu cầu chơi lan của người dân trên địa bàn cũng như tạo điều kiện mưu sinh cho người bán lan có thêm nguồn thu nhập chính đáng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu bố trí một vị trí thích hợp để không còn tình trạng "chợ chạy" như hiện nay...

TRANG TRẦN