Làn sóng “Mùa xuân Arab” thứ hai
10 năm sau cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab”, những hy vọng từ cuộc nổi dậy này dường như đã tan biến. Nhưng làn sóng nổi dậy thứ hai nổ ra trong năm 2019 và vẫn tiếp diễn ở hiện tại chứng tỏ ngọn lửa vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn.
Biểu tình chống chính phủ ở Thủ đô Beirut của Lebanon. Ảnh: AFP |
Algeria, Sudan, Lebanon và Iraq là 4 quốc gia trong khu vực ít bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của Mùa xuân Arab năm 2011. Nhưng vào năm ngoái, 4 quốc gia này đã chứng kiến những làn sóng biểu tình mạnh mẽ, đôi khi dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền cũ. “Làn sóng mới này cho thấy rằng Mùa xuân Arab không hề chết”, Asef Bayat, một chuyên gia về các cuộc cách mạng trong thế giới Arab, bình luận với AFP. “Mùa xuân năm nay đã diễn ra trên các quốc gia khác trong khu vực với các hành động tập thể tương đối giống nhau”, nhà khoa học chính trị này cho biết thêm. Sau Tunisia, Ai Cập, Syria, Libya hay Yemen, các quảng trường ở thủ đô Algiers, Khartoum, Beirut và Baghdad cũng bùng nổ làn sóng nổi dậy. Điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chính phủ. Arshin Adib-Moghaddam, thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London, dự đoán: “2011 sinh ra 2019 và 2019 sẽ mang đến một làn sóng phản đối khác”.
Algeria
Các cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 1-2011 chống lại chi phí sinh hoạt cao. Nhưng những đau thương của một cuộc nội chiến đẫm máu (1992-2002) vẫn còn hiện hữu, và nỗi sợ hãi này đã kìm hãm mạnh mẽ phong trào nổi dậy. Vào thời điểm đó, chính phủ cũng có vũ khí tài chính là dầu mỏ và đã xoa dịu căng thẳng xã hội bằng cách giảm thuế đối với các sản phẩm thực phẩm.
Tháng 2-2019, tình hình đã khác. Sự bất mãn lên đến đỉnh điểm và cùng với sự sụt giảm giá dầu, ngân khố quốc gia đã cạn sạch. Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 80 tuổi, nắm quyền trong 2 thập kỷ, không thể nói được kể từ khi bị đột quỵ vào năm 2013. Mong muốn trở thành ứng cử viên cho nhiệm kỳ thứ năm của ông được coi là một sự sỉ nhục lớn đối với người dân. Ngày 22-2 đánh dấu cuộc biểu tình lớn đầu tiên, lan rộng từ thủ đô Algiers, nơi tất cả các cuộc biểu tình bị cấm kể từ năm 2001, đến tất cả các khu vực của đất nước. Phong trào Hirak ra đời. Quân đội quyết định không tiếp tục ủng hộ ông Bouteflika, buộc ông phải từ chức vào ngày 2-4.
Sự ra đi của "gia tộc Bouteflika" gây ra sự phấn khích. Nhưng các nhà hoạt động biết con đường dài phải đi: đó là phá hủy toàn bộ hệ thống nắm quyền kể từ khi độc lập vào năm 1962. Các cuộc biểu tình hàng tuần tiếp tục diễn ra không mệt mỏi trong nhiều tháng. Chế độ, được đại diện bởi tổng tham mưu trưởng quân đội, Ahmed Gaid Salah, đã không nhượng bộ: một cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức, bất chấp sự phản đối của dân chúng. Ông Abdelmadjid Tebboune đắc cử.
Đại dịch Covid-19 khiến các cuộc biểu tình giảm bớt nhưng phong trào Hirak vẫn diễn ra trên đường phố Algiers và Kabylia. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Ở một đất nước bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, Algeria đã rút ra được những bài học từ Mùa xuân Arab”. “Chúng tôi biết được rằng lựa chọn duy nhất là duy trì tính cách hòa bình của phong trào”.
Iraq
Khi Mùa xuân Arab nổ ra, Iraq từ lâu đã không còn một đất nước hùng mạnh. Cuộc xâm lược của Mỹ lật đổ Saddam Hussein vào năm 2003 kéo theo cuộc xung đột giáo phái đẫm máu.
“Chúng tôi thấy rằng, các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab là cơ hội để cứu lấy nền dân chủ ở Iraq”, Ali Abdulkhaleq, một nhà hoạt động kiêm nhà báo nhận xét. Vào tháng 2-2011, ông tham gia thành lập phong trào “Thanh niên tháng 2”, tổ chức các cuộc tuần hành hàng tuần ở Baghdad, tố cáo chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki. “Người dân yêu cầu cải cách chế độ”, đám đông hét lên, lặp lại khẩu hiệu của Cairo và Tunis. Các cuộc biểu tình thường xuyên đã làm rung chuyển đất nước, cho đến khi cuộc nổi dậy bùng nổ vào tháng 10-2019. Cuộc nổi dậy lan rộng khắp đất nước, lần này đòi thay đổi chế độ và buộc chính phủ của ông Adel Abdel Mahdi phải từ chức. Sau nhiều tháng hoạt động, phong trào đã mất đà, với sự đàn áp không ngừng – khiến gần 600 người biểu tình bị giết. Nhưng “các yếu tố có thể kích hoạt một cuộc cách mạng mới vẫn còn tồn tại”, ông Abdulkhaleq cảnh báo.
Sudan
Từ năm 2011, các nhà hoạt động trẻ đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ bất chấp các vụ bắt giữ.
Tổng thống Omar al-Bashir đã cai trị đất nước từ năm 1989 bằng “nắm đấm sắt” khiến Sudan ở trong tình trạng cực kỳ nghèo đói, bị giằng xé bởi các cuộc nội chiến lặp đi lặp lại. Năm 2013, khi chính quyền loại bỏ trợ cấp dầu mỏ, các cuộc biểu tình đã nổ ra. 5 năm sau, vào tháng 12-2018, giá bánh mì tăng gấp ba một lần nữa đã gây ra nhiều cuộc phản đối. Vào ngày 11-4-2019, Omar al-Bashir, một cựu quân nhân lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính, đã bị quân đội quản thúc tại gia. Hàng chục người thiệt mạng, làm dấy lên lo ngại rằng bùng nổ cuộc nổi dậy tương tự như đã từng xảy ra ở Ai Cập sau Mùa xuân Arab năm 2011. Dưới áp lực, quân đội cuối cùng đã thỏa thuận với phong trào biểu tình vào tháng 8. Nước này đã thành lập Hội đồng Chủ quyền chung để giám sát quá trình chuyển đổi sang chính phủ dân sự kéo dài 3 năm. Ông Omar cho rằng “phong trào ở Sudan được tổ chức tốt hơn nhiều” so với hầu hết các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab.
Lebanon
Ở Lebanon, với thể chế chính trị đảm bảo sự phân chia quyền lực giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau, các gia đình trị đã nắm quyền kiểm soát khu vực công trong nhiều thập kỷ. Giai cấp chính trị vẫn bị thống trị bởi các lãnh chúa trong cuộc nội chiến 1975-1990. “Khi tôi thấy rằng có sự thay đổi ở Tunisia và Ai Cập, tôi đã tự hỏi Tại sao điều đó lại không xảy ra ở Lebanon?”, Imad Bazzi, người có tham gia chính trị từ cuối những năm 1990, nhớ lại.
Tháng 2-2011, Bazzi tham gia tổ chức biểu tình nhưng không có chuyển biến thực sự. Vào tháng 10-2019, ngọn lửa của "cuộc cách mạng" cuối cùng đã bắt đầu. Việc các nhà chức trách thông qua một mức thuế mới đối với việc sử dụng WhatsApp, tại một quốc gia có những dấu hiệu đầu tiên của sự sụp đổ kinh tế là nguyên nhân dẫn đến bất bình. Trong nhiều tuần, những người biểu tình đã xuống đường yêu cầu sự từ chức của một tầng lớp chính trị bị coi là tham nhũng và bất tài.
Trước sức ép, Thủ tướng Saad Hariri đã từ chức. Tuy nhiên, một năm sau, những chính trị gia tương tự vẫn cố bám lấy quyền lực. Tệ hơn nữa, nạn tham nhũng, năng lực yếu kém đã thể hiện rõ ràng đáng kinh ngạc trong vụ nổ ngày 4-8 ở cảng Beirut, nơi một lượng lớn amoni nitrat đã được lưu trữ trong nhiều năm, bất chấp rủi ro.
Vào tháng 10, ông Hariri lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ mới. Đối với người biểu tình, dù hụt hơi nhưng họ vẫn chưa bị thất bại. “Đó là một quá trình liên tục. Hết sóng này đến sóng khác, tất cả đều được kết nối”, Bazzi nói.
AN BÌNH