Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Bên cạnh các dự án khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống địa phương, nhiều đề tài ứng dụng công nghệ mới trên các lĩnh vực môi trường, đời sống xã hội của một số bạn trẻ tại tỉnh Bình Định đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long và đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm KH&CN, nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. |
Ứng dụng công nghệ mới, sáng tạo
Chứng kiến cảnh lũ lụt thường xuyên xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại địa phương mình, Trần Văn Trung, sinh viên năm cuối Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm "Hệ thống giám sát cảnh báo lũ lụt dùng công nghệ LoRa". Trần Văn Trung chia sẻ: "Hệ thống giám sát cảnh báo lũ lụt dùng công nghệ LoRa" là thu thập từ xa các dữ liệu quan trọng để cảnh báo lũ lụt trên các con sông như: lượng mưa, mực nước, lưu lượng dòng chảy. Các dữ liệu này sẽ được gửi về trung tâm xử lý và hiển thị theo thời gian để phục vụ cho việc giám sát, phân tích tình hình lũ lụt, từ đó có những quyết định cảnh báo sớm để hạn chế thiệt hại thiên tai".
"LoRa là một chuẩn không dây được thiết kế cho các mạng diện rộng công suất thấp nhằm kết nối các thiết bị với yêu cầu băng thông và tốc độ dữ liệu thấp, đồng thời tập trung hiệu quả về vùng phủ sóng cũng như hiệu suất năng lượng. Công nghệ LoRa cho phép truyền dữ liệu với khoảng cách lên hàng kilomet mà không cần các mạch khuếch đại công suất, nhờ đó giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ khi truyền nhận dữ liệu và có thể hoạt động trong thời gian dài" - Trung phân tích thêm.
Ra mắt tại Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định năm 2020" được tổ chức mới đây, sản phẩm của Trần Văn Trung đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ các chuyên gia khoa học công nghệ và chính quyền địa phương. Ông Lê Châu Hoài Nhật, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển nguồn nhân lực Sensecom (Bình Định) nhận xét: Sản phẩm "Hệ thống giám sát cảnh báo lũ lụt dùng công nghệ LoRa" sử dụng loại công nghệ mới nhưng người viết sử dụng mã nguồn mở nên sẽ đáp ứng được việc phát triển dự án trong tương lai theo từng giai đoạn. Khi áp dụng và nhân rộng vào tình hình thực tế địa phương, sản phẩm này có ý nghĩa lớn".
Theo ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều bạn trẻ tham gia thực hiện các đề tài, dự án áp dụng khoa học công nghệ vào đời sống, sản xuất như: ứng dụng IoT trong ngành nông nghiệp thủy canh, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh. "Các dự án hướng đến cộng đồng như thế này đem đến một nguồn cảm hứng cao cho tinh thần khởi nghiệp tại địa phương. Chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tìm nguồn quỹ để hỗ trợ các dự án hoàn thiện sản phẩm của mình" - ông Chương nói.
Khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống
Cùng với các đề tài ứng dụng công nghệ với những sản phẩm sáng tạo, tại tỉnh Bình Định, nhiều dự án khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống đã xuất hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển.
Nhận thấy địa phương mình có nguồn sản phẩm cá tươi thơm ngon và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, năm 2015, chị Mai Thị Hương, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn đã quyết định xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm Hương Thanh với hai dòng sản phẩm chính là: nước mắm cá cơm và mắm ruốc. Cơ sở sản xuất của chị Hương đã tham gia trong chuỗi sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn).
Chị Mai Thị Hương cho biết, khởi nghiệp từ nước mắm truyền thống, chị luôn chú trọng và đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đặc biệt là việc không sử dụng các hóa chất phụ gia thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nước mắm có vị đậm đà, ngọt thanh tự nhiên và không bị biến màu trong quá trình sử dụng. "Lâu nay, sản phẩm nước mắm cá cơm và mắm ruốc của tôi dùng chai nhựa nhưng hiện nay đã chuyển sang chai thủy tinh. Chi phí dùng chai thủy tinh cao hơn nhưng tôi vẫn giữ giá bán và mong muốn được người tiêu dùng ủng hộ để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Tôi định hướng sẽ làm thêm các sản phẩm mới, cho ra thị trường nhiều loại nước mắm an toàn, chất lượng" - chị Hương chia sẻ.
Mới thành lập vào tháng 10-2020, Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Hoài Ân (huyện Hoài Ân) đã đưa được các sản phẩm truyền thống địa phương lên tầm cao mới. Sau hơn 2 tháng hoạt động, Hợp tác xã đã kết nối với các thị trường trong tỉnh Bình Định và thành phố Đà Nẵng để giúp cho nông dân tiêu thụ hơn 10 tấn nông sản. Anh Huỳnh Văn Duy, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Hoài Ân cho biết: "Hiện nay, Hợp tác xã thực hiện bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân với 4 mặt hàng chủ lực là: bưởi da xanh, dừa xiêm, gà thả đồi và trà Gò Loi. Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng một số vườn bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap và xây dựng chuỗi cửa hàng bày bán sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp ở miền Nam hướng đến xuất khẩu sản phẩm bưởi da xanh Hoài Ân".
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định Hà Duy Trung, phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án của đoàn viên thanh niên với những sản phẩm hiệu quả. Từ "Quỹ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp", Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở thực hiện sản phẩm OCOP địa phương về nguồn vốn để khởi nghiệp ban đầu.
Những dự án khởi nghiệp tại tỉnh Bình Định hiện nay chủ yếu từ sản phẩm nông nghiệp truyền thống như: nấm dược liệu sinh thái, ống hút đu đủ, nước khoáng bí đao, thủy canh tre xanh, trà nụ hoa hòe, bột ngũ cốc... Do vậy, xu thế sản xuất theo hướng xanh, an toàn và kết nối đầu ra cho sản phẩm được đặt lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phân tích, các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp tránh việc tập trung vào các khâu chăn nuôi, trồng trọt mà phải là đơn vị chế xuất chuyên sâu sản phẩm nông nghiệp, phải là cầu nối giữa người nông dân với khách hàng, thị trường.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ với các bạn trẻ khởi nghiệp tại tỉnh Bình Định: "Nông nghiệp xanh hướng đến một thị trường cao cấp nên các tổ chức khởi nghiệp trên lĩnh vực này phải hoàn thiện về quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn. Các doanh nghiệp trẻ nên hợp tác với những công ty đã chuẩn hóa được quy trình này để sản xuất; đồng thời, tìm cách chủ động được nguồn nguyên liệu để có thể hoạt động lâu dài".
T.Q