Làng chài thời sông suy kiệt
(Cadn.com.vn) - Một thời, Thủy Tú (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tập trung đông đúc cư dân làm nghề chài lưới. Vùng cửa biển Nam Ô, nơi sông Cu Đê hòa mình vào biển Đông cho họ cuộc sống đủ. Vậy nhưng, bây giờ những mẻ cá mẻ tôm lớn chỉ còn trong ký ức. Những cư dân lâu đời của làng chài lưới truyền thống Thủy Tú nay đã vãn, chỉ còn lại những lớp trung niên đeo đuổi. Trai trẻ bây giờ không ai theo cái nghề “chim trời cá bể” nữa. Ông Đặng Sâm (55 tuổi, khối Thủy Tú, P. Hòa Hiệp Bắc): “Có hai lý do. Một là thời nay có nhiều nghề để làm, khu công nghiệp đầy rẫy, con em làng chài vào đó cả. Thứ hai là cá tôm bữa nay ít quá, kiếm không đủ sống”.
Hơn 100 hộ dân Thủy Tú bây giờ chỉ có vài người còn giữ cái nghề cha truyền con nối. Ông Sâm là người có thâm niên trong cái nghề này, từ khi còn là một đứa trẻ cởi trần theo cha xuôi ngược từ cửa biển Nam Ô lên thượng nguồn Cu Đê. Ông Sâm buồn bã: “Xưa kia cá tôm nhiều lắm, bắt đến mỏi tay. Nhưng đó là xưa rồi, bây giờ cả ngày kiếm dăm chục nghìn mà khó khăn quá. Có bữa chỉ vài con thôi, đủ bữa cơm chiều”.
Lặn hàu. |
Tương tự, ông Đặng Ngọc Phước (51 tuổi) là bạn nghề ông Sâm từ thuở bé, chỉ tay về cửa sông nói: “Trước còn kiếm được đôi đồng, giờ may thì mười họa mới có”. Không thể kiếm sống chỉ bằng nghề chài lưới, ông Phước nghĩ ra cách mở quán nhậu hải sản. Cái quán nhậu nhỏ bé, nằm ngay dưới chân cầu Nam Ô, cũng là nơi tiêu thụ chính lượng cá tôm mà ông đánh bắt. Ông bảo: “Có đâu mà mang đi chợ bán, phục vụ cái quán của tôi mà không đủ. Phải mua thêm các hộ làm nghề khác, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Khách họ thích sự tươi ngon, cất một mẻ lưới lên, cá tôm nhảy đành đạch, dân nhậu ra giá rồi tấp vào quán tôi chế biến ngay tại chỗ. Chỉ có cách này mình mới tồn tại được với cái nghề này, nếu không nhanh nhẹn nghĩ ra cách này chắc giờ phải đi làm thuê mướn hay chạy xe ôm rồi”.
Vốn nhanh nhẹn, chân chất, một số ngư dân sẵn sàng kéo một mẻ rớ để minh chứng cho sự suy kiệt đến mức tận diệt của cửa sông Cu Đê. Ba bốn mẻ rớ, chỉ một dúm cá sơn, cá liệt đong chưa đầy miệng chén.
Chỉ một khoảng sông nhỏ chen chúc nào rớ, lưới, lồng, sáo... Đặc biệt là rớ. Mỗi người mỗi khoảng sống, không cần mồi mè, chỉ cần cái bóng điện để thu hút cá tôm. chỉ cần con nào ức sáng nhào tới đúng thời điểm quay rớ lên là bị tóm gọn. Thúng máy chạy ran cả một vùng. Ông Sâm bảo: “Dùng đủ mọi cách để dụ cá tôm. Dụ chúng không được thì phải đe dọa bằng âm thanh. Nhưng không biết ở dưới con nước đục ngàu kia chúng biết rồi nên tránh hay chả còn con nào nữa. Tôi đoán chắc là hết sạch sành sanh rồi”. Ông Phước thì ngán ngẩm: “Một khúc sông thôi mà đủ mọi thứ trên đó. Này nhé chạy lên một đoạn chừng 200m là những vuông tôm với máy tạo ô-xy hì hục suốt ngày đêm, bên kia là nhà hàng nổi ăn nhậu suốt ngày, thứ gì bỏ đi là cho xuống sông hết. Còn lưới và ngư cụ thì không nơi nào không có. Thử hỏi vậy thì cá tôm nó còn đường nào mà sống, chắc chỉ có những con biết thích ứng với môi trường mới có cơ hội sống sót thôi”.
Cá tôm từ nơi khác mang đến bán trên cầu Nam Ô. |
Nhắc đến vấn đề liên quan đến nguồn nước, điều kiện thủy sinh... những ngư dân chất phác của làng chài than vãn rằng cái đó phải nhờ cơ quan chức năng người ta xác định chứ mình thì biết cái gì mà nói. Họ không đúc kết hai từ “ô nhiễm” như các nhà khoa học vẫn thường dùng mà chỉ nhận định rằng nước sông Cu Đê “bẩn”. Còn nguyên nhân thì chỉ có trời mới biết.
Cửa sông Cu Đê nay đã suy kiệt đến mức báo động, những ngư dân như ông Sâm, ông Phước không muốn rời bỏ cái nghề đã ăn vào máu thịt của mình nên vẫn cố giữ gìn. Không bắt được bằng lưới, bằng rớ thì ra bờ kè ngụp lặn bắt hàu, ra gành cào mứt, hoặc chạy đến bán đảo Sơn Trà câu mực, câu cá mú. Trong khi đó, trên cầu Nam Ô cũng hình thành một cái “chợ” cóc nho nhỏ. “Nhiều người mang tôm cá từ nơi khác đến bán, vịn vào cái danh làng chài Thủy Tú tôm cá nước lợ tươi ngon. Đến cái danh ấy bây giờ cũng bị lợi dụng. Không biết lâu dài cái danh ấy có còn không...”, giọng ông Sâm đầy trăn trở.
Bùi Đức Tú