Làng cổ Phước Tích khó khăn trong phát triển du lịch

Thứ hai, 26/02/2018 10:39

Nhiều ngôi nhà rường cổ xuống cấp trầm trọng có nguy cơ sập đổ, được nhà nước quan tâm đầu tư tu sửa, khôi phục để bảo tồn làng cổ gắn với phát triển du lịch. Thế nhưng sau khi nhiều nhà rường cổ được cứu thì việc phát triển ở làng di sản quốc gia Phước Tích (xã Phong Hòa, H. Phong Điền, TT-Huế) vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Có từ năm 1470, trải qua chiến tranh và tàn phá của thời gian, thiên nhiên nhưng Phước Tích vẫn còn giữ gìn gần như vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê Việt với phong cảnh hữu tình, yên ả, cây đa, bến nước, sân đình… Năm 2009, làng cổ Phước Tích được công nhận là di tích cấp quốc gia. Làng hiện có 26 nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi nhưng nhiều nhà bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2016, sau khi có đề án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế Đặc trưng của UBND tỉnh TT-Huế, 25 chủ nhà rường cổ đã xin tham gia đề án. Năm 2017, H.Phong Điền đã xin được trùng tu, bảo tồn 3 ngôi nhà với kinh phí 1,9 tỷ đồng.

 

Ngôi nhà rường cổ gần 125 năm tuổi của ông Hồ Văn Hưng vừa được trùng tu.

 

Bà Lê Thị Hoa (72 tuổi) cho biết, ngôi nhà rường của gia đình đã được gìn giữ qua 4 thế hệ, nhưng do không có đủ kinh phí nên không tu bổ được. Anh em, con cháu thì ở xa, chỉ còn mình bà neo đơn sống để giữ nhà. Ngày mưa thì nước dột khắp nhà, ngày nắng nóng ran. Sau khi địa phương cho trùng tu, sửa chữa thì ngôi nhà khang trang hơn, sạch sẽ và không phải sợ mưa sợ nắng nữa. “Không chỉ phấn khởi vì đã thoát cảnh sợ mưa nắng, mà tôi cũng rất vui mừng vì đã gìn giữ, bảo tồn được ngôi nhà truyền thống của tổ tiên”- bà Hoa nói. Ngôi nhà rường của gia đình anh Lương Thanh Phong được xây dựng từ năm 1907, trên diện tích khu vườn hơn 850m2, với lối kiến trúc truyền thống 3 gian-2 chái đặc trưng của xứ Huế. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động của thời gian và thiên tai, ngôi nhà xuống cấp và hư hỏng nặng. Cả gia đình phải dọn ra xây dựng nhà riêng để ở chứ không dám sinh hoạt trong ngôi nhà cổ này, vì nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Cùng đợt được hỗ trợ trùng tu năm 2017, có ngôi nhà rường cổ gần 125 năm tuổi của ông Hồ Văn Hưng với cấp độ hư hỏng, xuống cấp nặng hơn. Nhiều kết cấu của ngôi nhà chính gần như đã mất đi nhưng lại giữ được dáng dấp của một ngôi nhà truyền thống, với hệ thống chạm trỗ tinh xảo của nghệ nhân xưa. Sau khi được trùng tu, ngôi nhà trở về với những đặc điểm vốn có, góp phần bảo tồn cho loại hình nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng của làng Phước Tích.

 Theo anh Đoàn Quyết Thắng - Phó Ban Quản lý làng cổ Phước Tích, năm 2018 sẽ tiếp tục thực hiện việc trùng tu 8 nhà rường với kinh phí 7 tỷ đồng, trong đó hiện có danh sách 5 nhà đã được UBND tỉnh phê duyệt và Bộ VH-TT&DL đã thống nhất bằng văn bản. Đợt trùng tu năm 2018 được thực hiện nhiều hơn bởi ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của đề án còn có 3 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH-TT&DL. Phấn đấu đến năm 2020, với chính sách bảo tồn nhà vườn Huế đặc trưng của tỉnh thì 25 ngôi nhà cổ Phước Tích sẽ được tu bổ. Đây không chỉ góp phần bảo tồn hệ thống kiến trúc độc đáo của làng cổ mà sẽ là cơ hội để người dân địa phương phát triển dịch vụ du lịch.

Du khách nước ngoài thăm làng cổ Phước Tích.

 

Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Cườm-Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Trưởng phòng VHTT H.Phong Điền, mặc dù có lợi thế và tiềm năng nhưng việc khai thác du lịch tại làng cổ Phước Tích vẫn ở mức khiêm tốn. Trong năm 2017, chỉ có gần 2.700 khách đến tham quan thông qua đặt tour với Ban Quản lý. Hiện làng Phước Tích  có 9 loại hình dịch vụ (tham quan nhà rường cổ, đạp xe ngắm cảnh, trải nghiệm làm gốm truyền thống, homestay…), tuy nhiên lượng khách đến với di tích này vẫn rất hạn chế, doanh thu từ dịch vụ rất thấp. Có 7 nhà rường cổ tham gia dịch vụ tham quan, trong đó có 4 nhà phục vụ homestay với tổng số khách chỉ có khoảng 40 người. Nói về nguyên nhân du lịch ở làng cổ có một không hai của Việt Nam vẫn còn hạn chế, ông Trần Xuân Cườm cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó động tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến còn yếu, đối tác tour tuyến còn hạn chế. Việc tổ chức các loại hình vui chơi giải trí chưa phát triển được, các trò chơi cộng đồng, du thuyền trên sông Ô Lâu chưa được đầu tư… Phát triển du lịch dịch vụ, phát triển dịch vụ homestay ở địa phương gặp rất khó khăn vì trong làng chủ yếu là người già, không có sức lao động, người dân bản địa không có kỹ năng nghiệp vụ, không biết tiếng nước ngoài. Vì vậy, huyện rất mong muốn cần có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành hợp tác với các gia đình có nhà rường cổ để khai thác du lịch một cách chuyên nghiệp hơn, có chiều sâu lúc đó mới thu hút được khách.

H.LAN