Lắng lại những mùa đi

Thứ sáu, 15/11/2019 14:57

Có lẽ điều đầu tiên tôi đồng cảm với Lê Trường An đó là những tâm sự của một người đàn ông trắc trở trong tình duyên. Và những câu thơ trong tập thơ đầu tay của một người theo học ngành kiến trúc đã mách bảo với tôi rằng, thơ có quyền năng riêng, khi mỗi ngôi nhà tâm hồn hé lên cánh cửa.

Bìa tập thơ "Thanh âm mùa" NXB Đà Nẵng, ấn hành 10-2019 Tản văn.

Nói hộ lòng An như lời giới thiệu tập thơ "Thanh âm mùa", nhà thơ Nguyễn Kim Huy đã viết:"Tôi vẫn nghĩ, trong cuộc đời mỗi người đều mong muốn hạnh phúc, khát khao những niềm vui, nhưng chính nỗi buồn mới đủ sức gạn lọc gột rửa tâm hồn con người, đem trái tim và tâm hồn con người đến với sự tinh khôi trong sáng và cao đẹp..."."trong cuộc độc hành trên con đường thơ ấy, Lê Trường An có lẽ đã tìm ra được nhiều niềm vui, sự an ủi, nhận ra được bao điều để anh gửi gắm vào thơ".

"Và tôi cũng góp với đời

Giữa dòng tất tả, một đôi chuyện buồn

Để khi nắng nhạt, trăng suông

Dừng chân, và thấy tơ lòng vẫn rung..." (Ơn đời)

Nhẹ nhàng và cũng rất dung dị, An chỉ xin góp thôi nhưng với An anh không hề nhận mình góp thơ mà là góp chuyện. Đó là những thì thầm tâm sự của riêng anh:

"Cô đơn là nghĩa tận cùng

 Đôi khi dòng lệ nuốt thầm vô trong

Có còn chi nữa mà mong?

Cũng trong một cuộc xoay vòng thế thôi..." (Nói cùng tôi).

Sinh ra giữa cuộc đời này ai chẳng từng có những ước mơ, giấc mơ, nhưng ước mơ đó, giấc mơ đó không phải không có lúc đã đến gần hiện thực, rồi có khi thành sự thực, song xót xa thay đôi khi nó chợt vụt bay, chợt xa tầm với, ai mà chẳng buồn đau... Để nhận ra nó, ý thức nó lại là cả một niềm thống khổ. Nhưng cũng chính vì ý thức nó, nhận ra nó An đã biết tự tại trong nỗi đau để xem "như một tình cờ". Điều ấy không phải ai cũng làm được.

"...Trong cơn đau xé rời

Lòng tôi chợt ánh lên lời hân hoan

Trong cơn điên loạn hoang tàn

Lòng tôi chợt thấu muôn vàn cơ duyên

Thôi từ đây nhé, an nhiên

Niềm đau cùng nỗi muộn phiền ngủ ngoan...".

Đọc đến đây tự nhiên tôi nhớ lời bài hát "ru ta ngậm ngùi" của Trịnh Công Sơn. "Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than". Và với An:

"Tôi kể nỗi buồn tôi với em

 Tưởng buồn vơi đi mấy đỗi

Chẳng ngờ từ đây bão nổi

Rồi đau, đau mãi không thôi" (Chuyện buồn tôi)

  An đã tựa vào thơ để tin yêu, để tự an ủi mình vì bên cạnh cuộc đời anh vẫn còn biết bao điều tốt đẹp, đáng được yêu thương:

"Về thăm má vợ cũ

 Má mở cửa tươi cười

 Nhà vẫn nhà xưa cũ

 Mà nỗi gì chơi vơi..." (Về thăm má vợ cũ).

Ở tuổi kề cận 40 của một người đàn ông, tôi biết bây giờ An đang chăm hai con nhỏ, nhưng An đã nghĩ đến một ngày chắc chắn nhiều người tuổi tác cao hơn cũng phải giật mình, đắn đo, suy ngẫm, khi "chút hồn nhiên con bỏ lại mỗi ngày".

"...Đâu rồi đời ba, những tháng năm?

Mà trong con ba dạt dào biển cả

Thương những lúc ba trở mình nhức mỏi

Để ngậm ngùi con lại dắt tay ba" (Những cánh đồng ba đã đi qua)

Hay:

 "Giấc mơ ba nào đáng nói bao giờ

 Toàn công việc đang chờ ba thức dậy

 Dẫu tâm trí ba bộn bề đến vậy

 Nhưng lúc nào ba cũng nghĩ về con..." (Lời ba dạy)

"Thanh âm mùa" của An, câu chuyện buồn của An, giấc mơ của An vẫn còn đó những điều bí ẩn, bởi ngôi nhà tâm hồn của anh chỉ mới hé lên cánh cửa, khi tôi đọc những dòng thơ trong bài "Em không biết":

"Em không biết có một người yêu em đến thế

Nhưng anh không nói ra, bởi lẽ

Sợ vai em tóc xõa sợi buồn..." .

Võ Văn Trường

                          Tam Kỳ tháng 11- 2019