Lãnh đạo mới ở Châu Á và quyền lực mềm

Thứ năm, 07/08/2014 08:41

(Cadn.com.vn) - Thay vì đối đầu, thế hệ các nhà lãnh đạo mới của Châu Á đang hướng tới thứ "siêu quyền lực" hay còn gọi là quyền lực mềm kinh tế (ESP) nhằm bảo vệ chủ quyền đồng thời giúp khu vực thoát khỏi sự lệ thuộc vào phương Tây và Mỹ.

Theo giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr ở Đại học Harvard, quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo.

Người dân Indonesia mới đây đã bầu thống đốc Jakarta, Joko Widodo làm tổng thống, đưa ông vào hàng ngũ các nhà lãnh đạo mới của khu vực bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...

Cùng với thế hệ lãnh đạo mới là những chính sách mới, hợp tác nhằm đưa Châu Á lên tầm cao mới. Đây cũng là chính sách giúp các nước trong khu vực khẳng định vị thế, bảo toàn lãnh thổ trước sự lấn át từ các quốc gia mạnh khác.

Tân Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo là một trong số các nhà lãnh đạo đang áp dụng quyền lực mềm kinh tế.

Sự trỗi dậy của thế hệ các lãnh đạo mới 

ESP thực ra là vũ khí, công cụ của thế hệ các lãnh đạo mới ở khu vực, được báo Diplomat gọi chung là "Leadernomics". Theo đó, thế hệ lãnh đạo mới này sẽ tìm ra những giải pháp mới trên bàn cờ quyền lực, giải quyết tranh chấp chiến lược thông qua phương pháp tiếp cận bằng vũ khí kinh tế.

Đây là những cải cách kinh tế mang tính điểm nhấn và được ưu tiên hàng đầu. Tiêu biểu như chính sách cải tổ "Ba mũi tên" của Thủ tướng Nhật Abe hay còn gọi là chiến lược "Abenomics" hay chính sách trọng tâm tăng trưởng của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Likonomics). Ngoài ra, còn có học thuyết kinh tế mở "Modinomics" của Thủ tướng Ấn Độ Modi, và mới nhất là chính sách Jokonomics của tân Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về ngoại giao và chính trị giữa các quốc gia Châu Á vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp căng thẳng và đối đầu trong khu vực diễn ra trong thời gian gần đây. Bởi vậy, mục tiêu của thế hệ các nhà lãnh đạo "Leadernomics" đang hướng đến là đưa khu vực trở thành nơi thịnh vượng cả về chính trị lẫn kinh tế, nhằm thoát khỏi quỹ đạo phương Tây và làm đối trọng cho sự cân bằng kinh tế giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Bằng chứng rõ nét của sự trỗi dậy của ESP dưới sự lãnh đạo của các "Leadernomics" là sự hình thành khu vực thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN, nơi có số dân 1,9 tỷ người và kim ngạch thương mại đạt hơn 4,5 nghìn tỷ USD.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 10 nước ASEAN với 6 quốc gia khác dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần, nhằm liên kết các nền kinh tế của ASIAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia  và New Zealand.

Tiềm năng của khu vực còn giúp thế hệ lãnh đạo mới của Châu Á cải cách, hợp tác và tạo ra các hoạt động kinh tế mang tính điểm nhấn, tránh xa sự lệ thuộc vào phương Tây. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây thừa nhận Trung Quốc sắp vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay trong năm 2014 này.

Còn Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi và trỗi dậy sau nhiều năm suy thoái kinh tế. Ấn Độ và Indonesia lại có tiềm năng tăng trưởng rất nhanh và ổn định. Quan trọng hơn, tầm nhìn tập thể của thế hệ các nhà lãnh đạo "Leadernomics" sẽ biến khu vực thành nơi có ESP chung và phát triển ngày càng thịnh vượng.

Đối đầu hay đối tác?

Quyền lực mềm sẽ tạo ra một Châu Á hợp tác để tiến về phía trước. Hiện tại, tất cả 4 cường quốc khu vực đang bị sa lầy trong cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ nên khiến ESP tiến triển chậm lại.

Mặt trái của quyền lực mềm lộ rõ tại biển Đông, khi cộng đồng quốc tế mới đây mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc: đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam và kéo theo hàng loạt bất ổn khác. Tương tự, Nhật Bản cũng đang nghi ngờ về các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cân bằng quyền lực cứng với quyền lực mềm. Tuy nhiên, người ta tin rằng những cản trở này sẽ sớm được giải quyết. 

Không chỉ góp phần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách ôn hòa, quyền lực mềm tập thể còn giúp các cường quốc Châu Á phát huy vai trò nước lớn trong hệ thống quản lý toàn cầu, đặc biệt là trong các cơ quan chính sách quốc tế và định chế đa phương mà từ lâu thường bị chi phối bởi Mỹ và các cường quốc phương Tây.

Kim Hùng
(Theo Diplomat)