Lập vùng cấm bay và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức

Thứ sáu, 18/03/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau khi củng cố lực lượng, quân đội của nhà lãnh đạo Gaddafi liên tiếp mở các cuộc tấn công vào quân nổi dậy.

Ông Gaddafi tuyên bố sẽ không đối thoại với phe nổi dậy-những người được ông ví với các phần tử Al-Qeada. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Le Figaro của Pháp ra ngày 17-3, ông Gaddafi nói: “Đó không phải những người có thể xem xét đối thoại, vì Al-Qeada không đối thoại với bất cứ ai. Nếu mọi người muốn đàm phán với Al-Qeada, họ nên thương lượng với Osama bin Laden”. Về Hội đồng Dân tộc Libya do phiến quân thành lập, ông tuyên bố: “Hội đồng này không có giá trị. Người đứng đầu hội đồng (ông Mustafa Abdel Jalil) thiếu năng lực cần thiết và bọn chúng chắc chắn sẽ tháo chạy sang Ai Cập”. Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình Euronews có trụ sở tại Pháp, Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi cho biết,  “mọi chuyện sẽ chấm dứt trong vòng 48 giờ tới”. Khi được hỏi về cuộc thảo luận của các cường quốc trên thế giới nhằm áp đặt một vùng cấm bay tại  Libya, Islam trả lời: “Các chiến dịch quân sự đã kết thúc. Trong vòng 48 giờ tới mọi chuyện sẽ chấm dứt. Lực lượng của chúng tôi đang ở gần Benghazi. Cho dù bất kỳ quyết định nào được đưa ra, đó cũng là quá muộn”.

Phe nổi dậy kiểm soát lối ra vào thành trì Benghazi. Ảnh: AFP 

Trong khi đó, các nhà ngoại giao cho biết, HĐBA LHQ ngày 17-3 bỏ phiếu về nghị quyết ra lệnh thiết lập một vùng cấm bay ở  Libya. Trước đó, cơ quan này đã nhất trí về một dự thảo nghị quyết trong cuộc họp ngày 16-3, tuy nhiên văn kiện này có thể vẫn phải được hoàn thiện trước khi đưa ra bỏ phiếu. Còn Phát ngôn viên LHQ Martin Nesirky cho biết, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi và quân nổi dậy tại nước này ngừng bắn trước khi diễn ra một cuộc tấn công nhằm vào thành trì chính Benghazi của phe đối lập. Ông Nesirky nêu rõ TTK Ban “quan ngại sâu sắc về hoạt động quân sự ngày càng leo thang của quân chính phủ Libya, trong đó có dấu hiệu về một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Benghazi.

Chiến dịch dội bom một đô thị lớn như vậy sẽ khiến đông đảo dân thường đối mặt với nguy hiểm. Tổng Thư ký hối thúc tất cả các bên trong cuộc xung đột này chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và tuân thủ Nghị quyết 1970 của HĐBA”, văn kiện được thông qua ngày 26-2 kêu gọi ông Gaddafi ngừng tấn công những người chống đối và áp đặt trừng phạt đối với chế độ của nhà lãnh đạo này.

Theo hãng tin Ansa, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini tuyên bố Roma ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay ở  Libya, nhưng phản đối bất kỳ một hành động quân sự đơn phương nào nhằm vào nước này. Phát biểu của ông Frattini được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nhắc lại một đề xuất trước đó về việc thực hiện các cuộc tấn công có lựa chọn mục tiêu nhằm vào lực lượng của ông Gaddafi. Ngoại trưởng Frattini cho biết, Roma đang hợp tác với các đối tác nhằm “ngăn chặn một cuộc tắm máu” ở  Libya cũng như nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn giữa ông Gaddafi và phe nổi dậy. Theo ông Frattini, Italia là nước đầu tiên đã thiết lập các kênh tiếp xúc với Hội đồng Dân tộc Libya ở Benghazi và sẽ vẫn duy trì “đối thoại thường xuyên” với hội đồng này. Ngoài ra, Italia vẫn sẽ ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chế độ hiện nay ở Libya.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình CBS (Mỹ) nói rằng, cuộc khủng hoảng tại Libya hiện rất “cấp bách” khi nhà lãnh đạo Gaddafi dường như quyết tâm đảo ngược chiến cục và sát hại càng nhiều người Libya càng tốt để tìm cách giành lại quyền kiểm soát đất nước. Bà Hillary cũng cho rằng, bất cứ vấn đề gì được quyết định tại HĐBA cũng phải bao gồm giới lãnh đạo Arab và sự tham gia của thế giới Arab. Ngoại trưởng Mỹ hy vọng, HĐBA bỏ phiếu về gói các biện pháp mới chống lại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này ngay trong ngày 17-3, trong đó có việc áp đặt một vùng cấm bay.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng ngày tiếp tục kêu gọi HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết thiết lập vùng cấm bay tại Libya. Nhưng, Trung Quốc, Nga và Đức vẫn phản đối biện pháp can thiệp quân sự, còn Ấn Độ, Nam Phi và một số ủy viên khác của hội đồng tỏ ý lưỡng lự.

Lê Diệu Nguyên