Lấy chồng từ thuở mười ba...

Thứ tư, 20/04/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Những bà mẹ tuổi trăng rằm địu con lên rẫy, ra suối lấy nước hay đứng tán gẫu nơi đầu làng; những ông bố tuổi vị thành niên ngây thơ, đùa nghịch… là những hình ảnh bạn có thể bắt gặp trên vùng núi Sơn Tây, Quảng Ngãi. Chỉ trong mấy năm gần đây, tại huyện miền núi này đã có gần 100 trường hợp đang là học sinh lớp 6, lớp 7, thậm chí mới chỉ học đến lớp 5 đã phải “xếp bút” ở nhà cưới vợ, lấy chồng rồi lên nương rẫy tìm củ khoai, củ sắn… Thực trạng ấy là hệ quả của nạn tảo hôn và đang là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương.

Sau gần 3 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện vượt qua những con đường dốc núi, chúng tôi cũng đến được thôn Nước Kỉa (xã Sơn Tịnh, Sơn Tây). Thấy chúng tôi nhìn hai đứa trẻ đang nô đùa bên suối, người đàn ông lao động gần đó cười, bảo: “Đó là vợ chồng trẻ Đinh Văn Búa (14 tuổi) và Đinh Thị Lụa (13 tuổi). Chúng mới cưới hồi đầu năm đấy”. Đang chưa biết bắt chuyện thế nào, được người đàn ông mở lời, chúng tôi bước đến bắt chuyện cùng vợ chồng Búa:

- Chiều rồi, hai vợ chồng không về lo cơm nước hay sao mà còn vui đùa thế?

 - Mới lên nương mót sắn về nên ghé xuống suối rửa tay. Cơm nước ở nhà đã có bố mẹ lo rồi. Về nhà mình chơi!

Bước vào căn nhà nhỏ, Búa giới thiệu: “Phía sau là nơi để nấu nướng và sinh hoạt chung, còn phía trước này là chỗ ngủ của vợ chồng mình cùng bố mẹ. Ở đây tuy chật nhưng được bố mẹ lo cho miếng ăn nên cũng đỡ hơn… Đúng ra bọn em phải ở riêng, nhưng thấy vợ chồng em mới cưới, chưa tự lập được nên bố mẹ cho ở nhờ để tập tành làm nương, đi làm thuê kiếm sống, khi nào đủ điều kiện thì ra ở riêng”. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện chưa biết làm gì, sao lại lấy nhau sớm thì Búa thanh minh: “Không có điều kiện để đi học nữa, gặp được người yêu, gia đình cho cưới thì hai đứa lấy nhau về sống chung cho vui. Tuổi của em, nhiều đứa đã có con gần 2 tuổi rồi đó. Vì vậy, bố mẹ bắt vợ chồng em năm nay phải có con để ông bà còn có cháu như các bác trong bản”. Nhìn đứa trẻ vừa mới 13 tuổi, mặt còn non choẹt thế mà sắp phải làm mẹ, chúng tôi thấy xót xa.

CBCS CAH Sơn Tây vận động bà con thôn bản từng bước xóa bỏ hủ tục tảo hôn. 

Chia tay Búa, chúng tôi tiếp tục lên đường để tìm về ngôi nhà nhỏ nằm sát vách núi của vợ chồng Đinh Văn Tám và Đinh Thị Lâm (đều 17 tuổi, trú thôn Mang Ta Bể, xã Sơn Bua). Trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng của đôi vợ chồng trẻ không có gì đáng giá ngoài vài ba cái nồi cũ cùng những củ sắn nằm lăn lóc bên góc bếp và 4 đứa con nheo nhóc. Được biết, Tám và Lâm lấy nhau từ năm 2007 và do không hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình nên đến nay đã có 4 mặt con… Thấy khách lạ bước vào, cô bé Lâm ngước nhìn rồi tiếp tục dỗ dành hai đứa trẻ đang thiu thiu ngủ.

Khi con đã ngủ, Lâm quay ra thanh minh cho “tổ ấm” của mình: “Trước đây vợ chồng em ở cùng với bố mẹ anh Tám nhưng năm rồi đứa em trai của anh cưới vợ, chúng em đành dọn ra đây ở tạm nên chưa sắm được gì”. Được hỏi vì sao lại lấy chồng sớm, Lâm nói: “Học mãi mà cái chữ không có được nhiều nên lấy chồng sớm để lo làm ăn với bạn với bè. Nhiều đứa bạn mình nhờ lấy chồng sớm mà giờ đã có con lớn, biết lên nương lên rẫy phụ giúp bố mẹ được rồi”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị đứt đoạn bởi  đứa con lớn cứ khóc đòi mẹ cho ăn. Đứa trẻ khóc ngặt nghẽo, còn Lâm chỉ biết vỗ về: “Nín đi, tý nữa ba mang sắn trên rẫy về mẹ nấu cho con ăn”. Không cầm lòng được, người bạn đi cùng đành lấy xe chạy ra đầu làng mua cho cháu bé gói bánh...

 Người mẹ trẻ và những đứa con này hằng ngày phải lên nương rẫy tìm củ khoai, củ sắn để đắp đổi qua ngày.

Cùng cảnh với vợ chồng Lâm và hàng chục “cặp” khác là “ông chồng trẻ” Đinh Văn Tân (16 tuổi) và “bà mẹ non” Đinh Thị Sô (15 tuổi, cùng trú xã Sơn Mùa). Học hết lớp 5, gia đình không có điều kiện cộng với đường rừng hiểm trở, Tân đành gác lại chuyện đèn sách để theo ba mẹ lên rừng lấy củi mưu sinh. Trong một lần lội suối để đến núi, Tân đã gặp Sô, cô bé đang học lớp 6 được nghỉ hè lên non mót sắn và họ đã bắt mặt làm quen. Dù thời gian lui tới tìm hiểu chẳng được bao lâu nhưng cả hai đều thấy “ưng cái bụng”. Rồi cái bụng Sô ngày một lớn, vậy là cả hai phải xin ba mẹ cho làm đám cưới. Nói đám cưới cho oai chứ thật ra chỉ là một bữa cơm đạm bạc giữa hai gia đình. Chưa đầy 5 tháng sau ngày cưới, Sô sinh hạ một bé gái và giờ đây dù chưa đầy 3 năm, Sô lại cho “ra lò” thêm một cậu con trai nữa. Tân cho biết: “Chúng mình yêu nhau nên lấy sớm để còn sinh con đẻ cái nữa. Ở đây đã bước đến tuổi 13, 14 thì phải lấy vợ, cưới chồng nếu không thì bị xem là ế rồi”. Dù đã là ông bố, bà mẹ của 2 đứa con, nhưng khi chúng tôi hỏi về kiến thức sinh sản và chăm sóc trẻ em, cả Tân và Sô đều mù tịt. Cũng vì sự hiểu biết hạn hẹp như vợ chồng Sô mà các bà mẹ nhỏ nơi đây đã địu những đứa con bé bỏng lên rẫy để rồi không ít trường hợp trẻ không chịu được nắng nóng bị ốm và tử vong... 

“Ở đây, với tâm lý muốn sớm có con đàn cháu đống và có thêm nguồn lao động cũng như tập tục hứa hôn của người dân các buôn làng khiến các ông bố, bà mẹ không ngăn cản mà còn khuyến khích các em lấy chồng, lấy vợ sớm. Hơn nữa, nạn tảo hôn là một phong tục đã có từ ngàn đời nay ở miền quê này, muốn xóa bỏ không phải là chuyện đơn giản. Bố mẹ tảo hôn, đến đời con, đời cháu cũng... tảo hôn. Cái vòng luẩn quẩn lấy chồng, vợ sớm rồi đói nghèo, thất học, mù chữ như một vòng xoáy quấn chặt cuộc đời những người dân nơi đây” -  thượng tá Nguyễn Hồng Thanh - Phó Trưởng CAH Sơn Tây cho biết. Vậy nên, thực trạng tảo hôn đã là vấn đề nhức nhối chưa có lối ra ở miền Sơn Tây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này.

Phóng sự: Hồng Thanh - Lê Hùng