Lê Quang Vịnh, những mối tình nước mắt...

Thứ sáu, 22/09/2017 13:11

Giáo sư Lê Quang Vịnh, người trí thức yêu nước bị toà án binh đặc biệt của Chính quyền Sài Gòn kết án tử hình năm 1962 và đày ra Côn Đảo biệt giam trong chuồng cọp, hầm đá, bị khổ sai suốt 14 năm ròng, từ năm 1962-1975. Cuộc đời và nhân cách, ý chí kiên cường của người tử tù nổi tiếng này là một pho truyện lạ lùng và hấp dẫn. Riêng về tình yêu, Lê Quang Vịnh có những mối tình nước mắt...

Anh hùng Lê Quang Vịnh và vợ thời trẻ.  

Thời sinh viên tranh đấu

Anh Lê Quang Vịnh bước vào tuổi 20 là một chàng trai cao ráo, đẹp trai, học giỏi. Anh tốt nghiệp thủ khoa khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, rồi đi dạy học ở Trường Petrus Ký, một trường hàng đầu ở miền Nam thời đó. Là người hiểu biết rộng, lịch lãm, có nhiều biệt tài như viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc, nên Lê Quang Vịnh được rất nhiều cô gái cùng trang lứa để ý, thầm yêu trộm nhớ. Nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của anh đã không cho phép anh giao tiếp rộng rãi với nhiều người... 

Khi nghe tin giáo sư Lê Quang Vịnh và đồng đội bị chính quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, nữ thi sĩ Anh Thơ đã đọc báo và "nhặt" được một chi tiết rất đắt giá đăng trên báo lúc đó. Thế là bài thơ Dòng nước mắt ra đời. Bài thơ viết về tâm trạng của một cô gái có mặt trong phiên tòa ngụy quyền Sài Gòn xử án Lê Quang Vịnh và "tiểu đội" của anh đêm 23-5-1962 ấy. Cô gái đứng lẫn trong số người đến dự phiên tòa, không ai để ý. Khi nghe Lê Quang Vịnh bị kết án tử hình, cô gái đã để mặc cho dòng nước mắt lăn hoài trên má:

Em không lau mặc cho dòng nước mắt

Chảy dài, chảy mãi, chảy triền miên

Nhìn anh đó, hiên ngang bất khuất

Trán rạng ngời, mắt chói niềm tin!

... Anh của em ơi người anh thi sĩ

Những ý thơ nào ru thắm tình ta

Những ý thơ nào ước mơ hạnh phúc

Cho chúng mình, cho những đôi lứa vui ca...

Tôi hỏi anh nhiều lần, cuối cùng anh rụt rè tiết lộ đó là cô Tuyết Ngọc, một sinh viên trong phong trào đấu tranh, là một "cơ sở" của anh. Thời gian hoạt động nội thành, cấp trên quy định là không ai được "yêu đương lung tung", vì sợ bị lộ tung tích, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Nên dù có tình cảm riêng cũng không ai dám thổ lộ, bày tỏ. Vì thế mà chút tình cảm lứa đôi ấy mãi mãi chôn chặt trong lòng mỗi người! Anh kể, sau giải phóng, anh ra tù về lại Sài Gòn, Ngọc có đến thăm và cho anh xem bài thơ Ngọc đã cắt trên báo và giữ từ 15 năm qua như một kỷ vật. Có thời gian Tuyết Ngọc làm Giám đốc nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ thì Ngọc đã về hưu rồi...

Tình yêu với tiểu thư "cành vàng lá ngọc"

Khi học ở Huế cũng như khi vào Sài Gòn học đại học, Lê Quang Vịnh hay lui tới nhà của thầy Tôn Thất Dương Kỵ. Gia đình thầy Kỵ cũng coi Vịnh như người trong gia đình. Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và bà Huệ Phương có 8 người con, 5 gái, 3 trai. Nam nữ gì cũng đều có chữ lót là Quỳnh: Quỳnh Diên, Quỳnh Đệ (con trai), Quỳnh Như, Quỳnh Trân,  Quỳnh Diệu (con trai, liệt sĩ) Quỳnh Uyển, Quỳnh Trai, Quỳnh Chi... Tất cả các con của thầy Kỵ đều tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ của tuổi trẻ Sài Gòn, và một số là "cơ sở" mật của Lê Quang Vịnh. Tôn Nữ Quỳnh Như, tên gọi ở nhà là Ngọc, là một tiểu thư con nhà danh giá, xinh đẹp, đài các, biết ăn diện đúng mốt thời thượng.

Quỳnh Như  học Đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Mỗi lần đến nhà thầy Dương Kỵ, Vịnh đều tìm cách gần gũi, nói chuyện với Quỳnh Như và hai người rất tâm đầu ý hợp. Nhân có đợt học tập chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, vào dịp Tết, Lê Quang Vịnh đã đưa Quỳnh Như ra căn cứ ở rừng Sở Ớt, Củ Chi cả tuần để học tập và bồi dưỡng kết nạp Quỳnh Như vào Đoàn Thanh niên Lao động. Tết đó hai người ở lại ăn Tết trong căn cứ. Dù khi họp phải bịt hết mặt, chỉ trừ hai con mắt theo nguyên tắc giữ bí mật, nhưng tình cảm hai người đã nồng đượm lắm. Lê Quang Vịnh bảo Quỳnh Như là cô gái mà anh đã mơ được yêu thương. Qua ánh mắt, giọng nói, Vịnh biết Quỳnh Như cũng rất có cảm tình với mình.  Nhưng anh cũng như Quỳnh Như chưa bao giờ thổ lộ, thề thốt với nhau điều gì. Ngay sau khi bị tuyên án tử hình, bị giam ở trong ngục tử hình của nhà lao Chí Hòa, Lê Quang Vịnh đã viết bài thơ "Thư gửi người yêu" rồi tìm cách gửi ra cho Quỳnh Như. Bài thơ như những lời trối trăn mãnh liệt gửi đến người thân yêu nhất trước khi ra pháp trường, bị hành hình trên máy chém:

Em nhớ không ngày ấy còn trong năm sáu mốt

Còn bão tố đầy trời miền Nam đau xót

Trong một khu rừng hoa dại vàng tươi

Ta đón xuân giải phóng với bao người

Dù chẳng được nhìn nhau cho tận mặt

Dù chẳng dám hát ca vì còn kia lũ giặc...

Khi Lê Quang Vịnh ở Côn Đảo, bà Huệ Phương, mẹ Quỳnh Như đã viết cho Vịnh một lá thư. Khi mở thư ra, Vịnh biết ngay là thư của bà Kỵ vì bà ký tên thời con gái là Huệ Phương, bức thư viết lóng để che mắt địch: "...đầu mùa hè năm ngoái, chi mai của con bị bứng đi trồng ở lồng Thừa Phủ, đến mùa đông  thì chi mai của con bị trẩy trụi rồi đem nhốt vô cũi Ba Lòng. Giữa năm nay chi mai của con đã tháo cũi xổ lồng bay về rừng xanh núi biếc, phóng khoáng thênh thang...".

Lê Quang Vịnh đọc đi đọc lại bức thư mãi mới "dịch nghĩa" được là bà Kỵ báo tin chị Mai bị bắt năm 1965, rồi bị đày ra Ba Lòng. Năm 1966 đã vượt ngục thành công ra vùng giải phóng. 6 năm từ ngày Vịnh bị án tử hình, Quỳnh Như không biết được tin tức gì của Vịnh cả. Ai cũng tin là Vịnh đã bị giặc thủ tiêu. Đầu năm 1967, Quỳnh Như làm lễ cưới với Trần Quang Long, một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào sinh viên Huế, quê gốc làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, sinh ra ở Huế. Sau Mậu Thân, địch phản công, Trần Quang Long thoát ra chiến khu. Địch bắt Quỳnh Như vào tù vì tội hoạt động chống chính quyền trong dịp Tết Mậu Thân. Quỳnh Như sinh con trai ở trong tù, theo thư dặn của chồng, đặt tên con là Trần Xuân Thắng. Một năm sau ra tù, chị mới biết tin chồng hy sinh. Quỳnh Như ở vậy nuôi con cho đến ngày giải phóng.

Tháng 5 - 1975, khi ra tù Côn Đảo, về lại Sài Gòn, Lê Quang Vịnh có  tìm đến nhà thăm mẹ con Quỳnh Như. Sau đó Lê Quang Vịnh ra Hà Nội học trường Nguyễn Ái Quốc. Thời gian đó Quỳnh Như có lần ra Hà Nội thăm anh và cũng đã biết anh Vịnh đã cưới vợ. Hai năm sau, năm 1978, anh nghe tin chị Quỳnh Như mất vì bệnh.

"Người con gái Việt Nam" 

Trong thời gian hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên ở Sài Gòn những năm 1957 - 1961, Lê Quang Vịnh còn quen biết một người con gái nữa, rất nổi tiếng. Đó là chị Trần Thị Lý, người con gái đất Gò Nổi (Quảng Nam) anh hùng, người nữ chiến sĩ kiên cường của đất Sài Gòn trong bài thơ "Người con gái Việt Nam" của nhà thơ Tố Hữu. Năm 1957, Lê Quang Vịnh vào Sài Gòn học đại học, bắt mối tổ chức tham gia hoạt động công khai trong phong trào học sinh sinh viên. Một lần đi họp, anh được chị Trần Thị Lý là giao liên dẫn đường, thế là hai người quen biết nhau. Năm 1958, chị Lý bị địch bắt...

Sau này, chị Trần Thị Kim Khánh, vợ anh Vịnh đã gặp chị Lý ở Hà Nội năm 1975. Chị Khánh kể rằng, chị Trần Thị Lý là một phụ nữ rất đẹp, đúng như nhà thơ Tố Hữu mô tả "Em là ai cô gái hay nàng tiên...". Có một câu chuyện rất lãng mạn và thú vị về một bức ảnh của Lê Quang Vịnh chụp thời trai trẻ. Sau khi Lê Quang Vịnh và các đồng đội bị tòa án ngụy quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, các báo ở Hà Nội tới tấp đăng bài phản đối bản án, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp trí thức, sinh viên học sinh. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của giáo sư Lê Quang Vịnh cả. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhớ ra là Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với ông tấm ảnh Lê Quang Vịnh. Thế là  các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh Lê Quang Vịnh đăng báo, làm xúc động người đọc cả miền Bắc và trên thế giới. Phía sau tấm ảnh ấy, Trần Thị Lý đã đề câu: "Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh - Đạo Tĩnh" (Đạo Tĩnh là biệt hiệu của Trần Thị Lý khi hoạt động ở Củ Chi). Đó chính là vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng, mãnh liệt, sự cao thượng của một tấm lòng. Anh Vịnh cho rằng, đây là "chuyện" đơn phương, tôi hoàn toàn không  biết gì cả. Ngay cả chuyện tấm ảnh tôi cũng không rõ chị có từ bao giờ! Dù vậy, khi nghe câu chuyện này, tôi vô cùng cảm kích, trân trọng và kính nể đối với chị Trần Thị Lý...

Tình yêu là chuyện riêng của trái tim mỗi người, nhưng nó cũng là chuyện của  đất nước một thời. Thời của một thế hệ tuổi trẻ Việt đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, dấn thân vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

NGÔ MINH