Festival Huế 2014:

Lễ tế Giao theo ước nguyện của người dân

Thứ sáu, 18/04/2014 11:03

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ các lễ hội chính của Festival Huế năm 2014, rạng sáng 17-4, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phục dựng lễ tế tại Đàn Nam Giao. Đây là một trong những nghi thức quan trọng của triều đình nhà Nguyễn.

Nghi lễ diễn ra trong không khí trang trọng thu hút nhiều du khách và người dân địa phương đến tham gia, chiêm bái cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an và làm ăn may mắn. Ở thời Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có quy mô và quan trọng nhất của triều đình. Đàn Nam Giao được xây dựng năm 1806 ở phía nam Kinh Thành. Ở đây, nhà Nguyễn cho hợp tế cả trời, đất và tổ tiên. Đàn Nam Giao là đàn tế lớn nhất và là đàn tế duy nhất được xây dựng công phu dưới thời quân chủ.

Do tế Giao là một một nét văn hóa đặc trưng của các nước Châu Á nên mô thức kiến trúc của đàn Nam Giao cũng thể hiện rõ những triết lý Á Đông; cụ thể là đàn gồm có 3 tầng, đại diện cho thuyết “tam tài” Thiên-Địa-Nhân. TS. Phan Thanh Hải–Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: “Việc sân khấu hóa về lễ tế Giao như những lần trước đây chúng ta từng làm là không cần thiết. Tế giao là để con người hướng về trời đất, về các thế lực siêu nhiên... và đó là nguyện vọng cần thiết của nhân dân, nên dù đơn giản nhưng phần nghi lễ được xây dựng chuẩn xác và trang nghiêm”.

Những người đứng tế là những người đại diện cho nhân dân nói lên khát vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu cho mọi điều luôn tốt đẹp. Theo quan niệm của người xưa, trời và đất là hai chủ thể sáng tạo ra nhân loại, tượng trưng cho cha và mẹ. Thế nên, dưới các triều đại phong kiến, hằng năm đều có lễ tế trời đất. Ngoài ý nghĩa bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của triều Nguyễn, lễ tế Giao cũng là dịp để chúng ta giới thiệu đến với công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hóa cung đình đặc sắc của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. 

Đông đảo bà con đến tham dự tế lễ.

H.L-H.A