Lễ truy điệu Bác Hồ ở “căn cứ Lõm”

Thứ ba, 01/09/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Chùa Khuê Bắc, ngôi chùa cổ gần trăm năm tuổi nằm trên một nổng cát lớn, ẩn khuất giữa một vườn cây trái xanh um, thuộc địa bàn P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Đây là ngôi “chùa làng”, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trong vùng. Khi chúng tôi đến, chùa xưa vẫn còn đó. Những mái ngói bị xô dạt bởi thời gian. Chính ngôi chùa này, 40 năm về trước, người dân căn cứ cách mạng K20 đã tổ chức truy điệu Bác Hồ, giữa mũi lê, họng súng của kẻ thù.

Theo lời giới thiệu của một cán bộ địa phương, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị Lâm, Chi ủy viên của CHI bộ K20, nhân chứng còn lại duy nhất trong việc tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ở chùa Khuê Bắc, khu “căn cứ lõm” giữa lòng đô thị Đà Nẵng dày đặc bốt đồn giặc. Nhắc lại chuyện xưa, bà Lâm không cầm được nước mắt: “Cái tang của Cụ Hồ hồi đó quá lớn đối với dân tộc, nhân dân nước mình. Những người con Đà Nẵng và miền Nam đi làm cách mạng, chiến đấu với kẻ thù không tiếc hy sinh xương máu đều mong muốn quê hương giải phóng, đất nước độc lập, để được đón Bác Hồ vào thăm. Nào ngờ không toại nguyện ước mơ này...”.

Bà Trần Thị Lâm và ông Nguyễn Chê, cơ sở cách mạng khu căn cứ K20 ngày trước. 

Bà kể, khi nhận  tin Bác Hồ mất, mọi người đều đau đớn vô cùng. Sau đó, Quận ủy quận Ba quyết định tổ chức lễ truy điệu Bác tại chùa Khuê Bắc, đồng thời chỉ đạo cho cán bộ, cơ sở hợp pháp tại căn cứ Nước Mặn vận động và thông qua Ban trị sự Phật giáo chùa Khuê Bắc tổ chức lễ truy điệu và dâng hương Bác Hồ. Buổi lễ được tổ chức vào ngày 8-9-1969, có khoảng 200 người ở khối Nước Mặn và Đa Phước đến dự. Bàn thờ Bác có treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vòng hoa, băng rôn. Lễ truy điệu diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động nghẹn ngào... Bà Lâm nhớ như in cái thời khắc bà trao từng chiếc băng tang cho mỗi người đến dự lễ, ai nấy đều lặng lẽ, nước mắt trào ra...

Ông Nguyễn Chê - người trông coi di tích K20 suốt gần 20 năm qua, nơi có khuôn viên chùa Khuê Bắc- dẫn chúng tôi đi chụp ảnh nơi làm lễ truy điệu, các hiện vật liên quan đến di tích lịch sử cách mạng này. Ông Chê nhớ lại: “Để chuẩn bị cho lễ truy điệu Bác Hồ, chị Nguyễn Thị Được (tức chị Rẫm), Bí thư Chi bộ K20 cử tôi liên lạc với Ban trị sự khuôn hội chùa Khuê Bắc để đúng ngày 8-9-1969 làm lễ chùa. Ông Phan Đây đọc chương trình lễ truy điệu. Chị Được đọc điếu văn, chị Lâm phát băng tang cho mọi người đến dự lễ. Trong lúc nghe đọc bài điếu văn, hàng trăm người dự lễ đều khóc. Khóc không thành tiếng. Nước mắt chan hòa, hai hàm răng cắn chặt môi đến bật máu. Bởi vì, ngoài đường quân thù đang lùng sục...”.

Chùa Khuê Bắc ở khu căn cứ K20, nơi diễn ra lễ truy điệu Bác Hồ cách đây 40 năm. 

Kể đến đây, đôi mắt ông Chê đỏ hoe, xúc động. Ngừng một hồi lâu, ông Chê kể tiếp: “Buổi lễ truy điệu Bác Hồ diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ mới kết thúc. Sau lễ, mọi người âm thầm trở về nhà của mình đặt băng tang lên bàn thờ thắp hương vái nguyện quyết tâm “Đánh cho Mỹ  cút,  đánh cho ngụy nhào” giành lại độc lập tự do cho dân tộc như ước nguyện của Bác Hồ của toàn dân. Chiều cùng ngày, tại nhà bà Nhiên Trị và các cơ sở cách mạng ở K20 cũng làm lễ truy điệu Bác Hồ”.

Ngày ấy, tin Bác Hồ qua đời khiến đồng bào Đà Nẵng và khu căn cứ lõm K20 hết sức đau lòng. Hình ảnh Bác Hồ lúc đó có sức thuyết phục và lan tỏa rất lớn. Mọi người kể, một ấp trưởng của chính quyền ngụy là ông Hồ Nên -  có cảm tình với cách mạng, đã mời 3-4 nhà hàng xóm đến nhà ông, giả vờ làm đám giỗ để tổ chức làm lễ truy điệu Bác Hồ... Sau đợt truy điệu, để tang Bác Hồ, bọn Mỹ - ngụy đã tìm cách theo dõi, mua chuộc, hăm dọa, thậm chí tra tấn, tù đày,... mong tìm ra manh mối cách mạng, nhưng người dân K20 vẫn giữ một lòng một dạ, kiên trung hướng về Đảng và Bác Hồ.

Ông Huỳnh Vấn-cơ sở cách mạng vùng lõm K20 kể với chúng tôi về ngày để tang Bác Hồ trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Trời hôm ấy mưa sụt sùi. Không gian một màu ảm đạm. Mọi người lặng đi, nước mắt trào ngược vào trong, đau đớn tột cùng. Cái tang quá lớn, nỗi đau quá sâu nặng trùm lên xóm làng. Chúng tôi chiến đấu, hy sinh với khát vọng Bắc – Nam một nhà để được đón Bác vào thăm khi nước nhà thống nhất...”. Ông Vấn kể, chùa Khuê Bắc ngày ấy xung quanh là đồn Mỹ, ngụy đóng. Mọi con đường vào ra luôn có mặt bọn ác ôn, mật báo chỉ điểm dòm ngó.

Vì vậy, việc mua băng tang phục vụ trong lễ truy điệu không phải dễ dàng. Có thể chủ hiệu vải cũng biết cơ sở cách mạng mua vải về làm lễ truy điệu Bác. Nhưng sự ra đi của Bác đã để lại nỗi đau quá lớn cho dân tộc, nên không ai làm điều trái đạo lý là đi báo cho kẻ thù vây bắt nên mọi công tác chuẩn bị đều trót lọt ngay trước mũi súng bọn Mỹ, ngụy đang lùng sục khắp nơi... Tuy nhiên, có một tình huống khá bất ngờ, khi mọi người đang làm lễ truy điệu Bác Hồ thì có hàng chục lính Mỹ súng ống đầy người ập tới. Chúng định xông vào chùa nhưng một số cơ sở của ta biết tiếng Anh canh gác bên ngoài đã tìm cách giữ chân lại và nói rằng, người dân đang cúng chùa nên chúng không vào. Mọi người nói thuyết phục quá nên chúng không dám vào, sợ động vào sự linh thiêng của người dân...

Ông Chê, bà Lâm, ông Vấn và nhiều cơ sở cách mạng ở căn cứ K20 ngày trước, đều tâm sự với chúng tôi, rằng: Hồi đó, Bác Hồ ra đi về cõi vĩnh hằng, trước nỗi đau to lớn đó của dân tộc, nhân dân ở Đà Nẵng và căn cứ K20 đều đau đớn tận tim gan và đã biến đau thương thành hành động cách mạng, mọi người gắn bó, đoàn kết nhau hơn, nhận rõ trách nhiệm của mình đối với cách mạng, với quê hương, quyết tâm thực hiện Di chúc của Người. Tại căn cứ K20, chi bộ Đảng đã mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc Bác Hồ”. Từ đợt học tập này, các cơ sở cách mạng ra sức củng cố lực lượng du kích mật, thành lập các đội du kích hợp pháp và đẩy mạnh công tác diệt ác, phá kèm, tiêu diệt bọn ác ôn, bình định, tề điệp phản động nhằm hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và nổi dậy giành quyền làm chủ. Và họ đã góp phần rất lớn để cùng dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Lưu Anh Rô