"Lên đồng" - Tín ngưỡng hay mê tín dị đoan?
(Cadn.com.vn) - "Lên đồng" đã xuất hiện ở Huế từ rất lâu nhưng hưng thịnh nhất là vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vào thời mạt kỳ nhà Nguyễn. Đến năm 1965, những người theo tín ngưỡng này lập ra Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo ở đường Chi Lăng, TP Huế. Sau đó, Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo đã tích cực tham gia tổ chức lễ hội điện Hòn Chén vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm.
"Lên đồng" ở Huế
Tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo chủ yếu là cư dân vạn đò vùng sông nước ven bờ sông Hương. Ở Huế có hai dạng "Lên đồng", đó là Hầu lễ và Hầu vui. Hầu lễ là lần lượt các vị Thánh nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng. Còn Hầu vui là các giá hầu ở các ban thờ cô, cậu, ông Hoàng, thậm chí là tổ tiên, ruột thịt của những ông đồng, bà đồng đã qua đời. Ở những ngày lễ tại điện Hòn Chén, do nghi lễ lên đồng diễn ra đồng loạt trên nhiều thuyền, do vậy còn có hình thức Hầu âm, tức hầu không có đàn hát (chầu văn) và Hầu chìm, tức chỉ ngồi nhập đồng, không được nhảy múa. Theo giới đồng cốt ở Huế, không phải ai cũng lên đồng được. Chỉ có những người có "căn mạng" thì mới có thể lên đồng. Đối với các ông đồng bà cốt, ngoài áo, khăn đội đầu và hai dải khăn bằng lụa là trang phục chính họ còn phải sắm thêm nhiều món trang sức phụ khác như vòng vàng chuỗi hạt, nước hoa, son phấn... Trái lại, ngồi đồng thì chẳng cần sửa soạn gì nhiều. Chỉ cần rửa mặt mày tay chân sạch sẽ, áo xống chỉnh tề rồi làm lễ trước bàn thờ, phủ khăn đỏ lên đầu rồi ngồi xếp bàn trước bàn thờ nghe cung văn đàn hát. Đến khi nào "con đồng" thét lên một tiếng và đứng dậy, ấy là "ngài" đã về. Cũng có người chẳng thấy phủ khăn gì cả, đang ngồi trong đám hầu, tự nhiên "ngài" nhập về lúc nào không hay. Mỗi cấp bậc của giá đồng có một điệu chầu văn khác nhau. Tuy nhiên, khi cung văn đang chầu văn ngon trớn, bỗng nghe một tiếng hét rồi có người ngã vật ra, biết ngay là có cô hay ông đã "thăng", khi đó họ sẽ tấu ngay câu loan xa giá ngự hồi cung kèm theo ba tiếng chuông tiễn đưa. Thế là kết thúc một buổi giá đồng.
![]() |
Nghi lễ một buổi lên đồng. |
Thiên Tiên Thánh giáo còn có "thánh địa" là điện Hòn Chén. Đứng trên đồi Vọng Cảnh nhìn xuống dòng sông Hương sẽ thấy thấp thoáng bên kia bờ sông một tòa cung điện ẩn hiện trong đám lá cây rừng của núi Ngọc Trản. Thắng tích này được các vua Nhà Nguyễn cho trùng tu nhiều lần, kể từ đời Minh Mạng, và ban cho tên chính thức là Huệ Nam Điện nhưng dân Huế thì chỉ quen với cái tên điện Hòn Chén. Trong lễ hội điện Hòn Chén thì lễ Nghênh Thần được tổ chức rất trang trọng, trong đó có tổ chức rước Thánh Mẫu Thiên Ya Na. Ngày vía Thiên Ya Na diễn ra đúng ngày 1 tháng 3 và kéo dài trong 3 ngày, tạo nên một quang cảnh rực rỡ nhiều màu sắc và âm thanh mà những lễ hội khác không bì được. Đó là đại hội hầu bóng lớn nhất trong năm.
![]() |
Lễ hội điện Hòn Chén. |
"Lên đồng"-tín ngưỡng hay mê tín dị đoan?
Đến nay vẫn chưa xác định rõ thời điểm hình thành tín ngưỡng "Lên đồng" ở Huế. Chỉ biết vào năm Quý Sửu 1553, Dương Văn An soạn Ô châu cận lục đã ghi nhận sinh hoạt hiến tế có chầu văn tại đoạn sông Kim Trà, tức sông Hương ở Huế ngày nay. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, đồng bóng lại là hủ tục, là mê tín dị đoan. Nhạc sĩ Phạm Duy đã có nhận xét khá chí lý trong Đặc khảo về dân nhạc Việt
Do đó, mặc dù người dân Huế gọi những người đi viếng "Mẹ" tại điện Hòn Chén là những người theo đạo Thiên Tiên Thánh giáo song theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL TT-Huế thì đây chỉ là một hoạt động tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, người viết bài này thiết nghĩ việc "Lên đồng" và lễ hội điện Hòn Chén tháng ba âm lịch hằng năm là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, "Lên đồng" cần được hạn chế nhưng lễ hội điện Hòn Chén thì cần được phát huy vì đây là một tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo của cư dân vùng sông nước TT- Huế.
Nguyễn Văn Toàn