Lênh đênh thúng chai

Thứ tư, 22/10/2014 09:14

(Cadn.com.vn) - Ở huyện đảo Lý Sơn  (Quảng Ngãi), ngoài những ngư dân có điều kiện sắm được tàu to, máy lớn để vươn khơi, có không ít ngư dân vẫn  gắn đời mình với chiếc thúng chai để đánh bắt gần bờ làm kế sinh nhai.  Tuy chỉ là mớ cá, mớ tôm, nhưng với họ, chiếc thúng chai là sinh kế chủ yếu nuôi sống gia đình.

7 giờ sáng, tại tuyến kè chắn sóng Đông Nam trên đảo Lý Sơn, hàng trăm ngư dân là chủ thúng chai tay xách, nách mang những tấm lưới và mớ cá tôm đánh bắt được trong đêm mệt mỏi gác chèo bước lên bờ nghỉ ngơi sau chuyến biển. Suốt chiều dài tuyến kè chắn sóng vài cây số, tiếng trao đổi, trả treo mớ cá, mớ tôm giữa ngư dân và thương lái huyên náo, xen lẫn vào đó là giọng cười sảng khoái của những ngư dân trúng "lộc biển".

Khệ nệ bưng phên cá mú, cá nục vẩy tươi rói còn ánh bạc vừa đánh bắt được, ngư dân Trần Thanh Trạng, ở Thôn Tây xã An Vĩnh vui mừng cho biết: "Vài hôm nay, thời tiết chuyển mùa, nên cá ngứa mình kéo về sống ven đảo dầy. Nhờ vậy, mỗi đêm vươn khơi cha con tui kiếm được bạc triệu. Bốn giờ chiều cơm đùm cơm nắm, hai cha con lại chèo thúng ra khơi. Mình thúng nhỏ nên chỉ thả lưới gần bờ nhưng sản phẩm đánh bắt được khá đa dạng và phong phú", ngư dân Trạng bộc bạch.

Những chiếc thuyền thúng nuôi sống nhiều gia đình ngư dân nghèo.

Đưa tay chỉ con mú hồng trên 2 kg đang cố trườn trong lòng thúng, anh Trương Minh Châu, ở thôn Đông xã An Vĩnh tâm sự, vợ chồng anh hành nghề lưới ba màn khơi nên đêm nào cũng vác lưới đi từ khi trời chập choạng tối. Hai vợ chồng thay phiên chèo thúng, khi màn đêm buông dày trên biển, cách bờ khoảng 4-5  hải lý thì thả lưới. Nghề lưới ba màn thường đánh được cá mú, tôm hùm, mực lá... được các nhà hàng đặc sản đặt mua. Đêm nào "trời thương" thì cho thu nhập bạc triệu, song nhiều đêm cũng về thúng không. "Mỗi ki-lô-gam cá mú vào bờ sỉ cho nhà hàng được gần 200 ngàn đồng. Mỗi đêm chỉ cần trúng vài ký cá mú, hoặc tôm hùm là mừng rồi", anh Châu cười giòn.

Ngư dân Trần Thanh Trạng nhẩm tính, vươn khơi nghề lưới Nháy phụ thuộc vào con nước và thời tiết, tháng nào "suôn sẻ" thì vươn khơi được 20 đêm, đêm được đêm không trung bình mỗi đêm cho thu nhập khoảng 300 đến 400 ngàn đồng, trừ các khoảng chi phí, mỗi tháng thu nhập khoảng 5 -6 triệu đồng.

Lão ngư Lê Huê (70 tuổi, ở thôn Tây xã An Vĩnh), người có thâm niên hơn 40 năm gắn phận mình với chiếc thúng chai bày tỏ: "Những năm trước, cá ven đảo nhiều, nên dù là thúng chai, mỗi đêm vươn khơi cha con tôi cũng kiếm được bộn. Ngày ấy, chỉ cần chèo thúng ra khỏi gành san hô là thả lưới, nhiều tay lưới gỡ không hết vì cá đóng dày. Nay thì khác rồi, muốn kiếm con cá, con tôm thì phải ra khơi xa, nhiều đêm khi đang thả lưới giông tố bất chợt nổi lên, phải bỏ cả lưới để nhanh chóng về bờ, nên mất sạch".



Phần thưởng của biển.

Chỉ là những chiếc thuyền thúng nhỏ, sử dụng đôi tay và sức mạnh dẻo dai, nhưng hầu như ngư dân theo nghề này chưa ngày nào bỏ biển, chỉ trừ những ngày biển động. Bởi với họ, một ngày để thúng nằm bờ thì ngày đó gia đình mất đi nguồn thu và cuộc sống sẽ đối mặt với những khó khăn.  "Làm biển quanh năm mà quẩn quanh ven bờ thì không khá được, nhưng sức đâu sắm được tàu to, máy lớn để vươn khơi xa. Cả đời tằn tiện cũng chỉ đủ ăn thì lấy đâu ra tiền để đầu tư mua sắm", lão ngư Lê Huê nói.

Những chiếc thuyền thúng tuy mỏng manh lênh đênh giữa sóng nước mênh mông, nhưng đem lại nguồn thu và nuôi sống nhiều gia đình ngư dân nghèo. Sau mỗi đêm mưu sinh trên biển, niềm vui ấy được nhân đôi khi lòng thuyền chở đầy ắp cá tôm. "Chỉ cần đất nước thái bình, biển cả bình yên, ngư dân chúng tôi không mong gì hơn", lão ngư Lê Huê như nói thay cho những người gắn bó cả đời với thúng chai ở Lý Sơn.

Anh Thư