LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga – Ukraine

Thứ bảy, 25/02/2023 11:09
Ngày 23-2, trong phiên họp đặc biệt về Ukraine nhân tròn 1 năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc được hiển thị trên màn hình trong cuộc họp ngày 23-2. Ảnh: Reuters
Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc được hiển thị trên màn hình trong cuộc họp ngày 23-2. Ảnh: Reuters

Yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine

Theo Reuters, với 141 phiếu thuận trong số 193 thành viên tham gia, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine, đảm bảo hòa bình công bằng và lâu dài cho Kiev. Có 6 nước bỏ phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Nghị quyết tái khẳng định ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, đồng thời không công nhận các lãnh thổ Nga mới sáp nhập. Đại hội đồng LHQ kêu gọi xây dựng "nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài" tại Ukraine. Nghị quyết yêu cầu Nga lập tức rút quân toàn diện và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine tính theo đường biên giới được quốc tế công nhận và chấm dứt mọi hoạt động thù địch.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc chủ yếu mang tính biểu tượng, không có giá trị ràng buộc. Tuy nhiên, không giống ở Hội đồng Bảo an, Nga không thể đơn phương phủ quyết.

Phản ứng của các bên

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi nghị quyết cho thấy rõ sự ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraine không suy suyển sau một năm. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ nhận định nghị quyết "sẽ đi vào lịch sử", thể hiện lập trường quốc tế về hòa bình.

Trong khi đó, Moscow chỉ trích nghị quyết thiếu cân bằng và bài xích Nga. Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cáo buộc phương Tây đang lợi dụng Ukraine và hy sinh lợi ích của các nước đang phát triển để thỏa mãn tham vọng đánh bại Nga, "đẩy cả thế giới xuống vực sâu chiến tranh nhằm duy trì bá quyền". Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nói nghị quyết vừa được thông qua ở Đại hội đồng là "vô dụng", trong khi Belarus bỏ phiếu phản đối nghị quyết vì đại hội đồng không chấp nhận bổ sung kêu gọi "ngừng bơm vũ khí sát thương cho các bên để ngăn xung đột leo thang". Ông Polyanskiy nhấn mạnh nghị quyết sẽ không mang lại hòa bình mà chỉ kích động thêm các lực lượng hiếu chiến, khiến cho "thảm kịch Ukraine kéo dài".

Đáp lại cáo buộc này, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh: "Cuộc chiến này không phải vấn đề của châu Âu, cũng không phải cuộc chiến giữa phương Tây và Nga. Nó gây quan ngại cho cả thế giới, từ phương Bắc, phương Nam, phương Đông đến phương Tây".

Trung Quốc là một trong những nước bỏ phiếu trống. Trước cuộc họp, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Dai Bing khẳng định lại quan điểm trung lập của Bắc Kinh, kêu gọi hai bên ngừng xung đột và ngồi vào bàn đàm phán. "Chúng tôi ủng hộ Nga và Ukraine nối lại các cuộc đối thoại trực tiếp sớm nhất có thể, giải quyết các quan ngại thông qua đàm phán, đưa ra những phương án khả thi, nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng, nắm lấy cơ hội hòa bình", nhà ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Trung Quốc đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm

Theo Tân Hoa xã, ngày 24-2, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình.

Đề xuất gồm 12 điểm như sau: Tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia; Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh; Chấm dứt chiến sự; Nối lại các cuộc đàm phán hòa bình; Giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo; Bảo vệ người dân và các tù binh chiến tranh; Giữ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; Giảm các rủi ro chiến lược; Tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc; Chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và Thúc đẩy tái thiết sau xung đột.

"Tất cả các bên nên hỗ trợ Nga và Ukraine giải quyết theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng nhanh càng tốt, để dần hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-2, Đại sứ Trung Quốc Dai Bing nhấn mạnh việc cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không đem lại hòa bình cho khu vực này. "Đổ thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng. Kéo dài xung đột chỉ khiến người dân thường phải trả giá đắt hơn", ông Dai Bing kết luận.

AN BÌNH

Một số nước áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Nga

Ngày 24-2, một số quốc gia như Anh, New Zealand và Hàn Quốc thông báo áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Nga trong bối cảnh tròn 1 năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Anh, nước này đã ban hành thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu những mặt hàng sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine và lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng sắt, thép. Cụ thể, Anh sẽ áp đặt trừng phạt đối với 92 cá nhân và tổ chức của Nga, như giám đốc điều hành Công ty Nord Stream 2, Matthias Warnig, những quan chức điều hành các doanh nghiệp Nga như công ty điện hạt nhân Rosatom, các tổ chức quốc phòng và ngân hàng Nga. Anh cho biết các biện pháp trừng phạt cũng sẽ nhằm vào những mặt hàng thường được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine như phụ tùng máy bay, thiết bị vô tuyến và linh kiện điện tử. Ngoài ra, Anh sẽ cấm nhập khẩu 140 mặt hàng bao gồm sắt và sản phẩm thép gia công tại nước thứ ba.

Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta thông báo chính phủ nước này đã công bố vòng trừng phạt mới nhằm vào 87 cá nhân người Nga, trong đó có cả quân nhân và các nhân vật thân tín với Tổng thống Vladimir Putin. Ngoại trưởng Mahuta cho biết các biện pháp hạn chế tự động được áp dụng mở rộng đối với người thân và các cá nhân có liên quan khác của những người nằm trong diện bị trừng phạt.

Cùng ngày, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo chính quyền Seoul quyết định siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga và Belarus, thông qua việc mở rộng đáng kể danh sách các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu. Bản sửa đổi sẽ nâng tổng số mặt hàng trong danh sách lên 798 từ 57 mặt hàng hiện nay.

B.N