Liberty Reserve và cách rửa tiền qua mạng
(Cadn.com.vn) - Bạn thử hình dung xem nếu cố gắng chặn đường đi của kiến bằng một hòn đá thì như thế nào? Tất nhiên, những con kiến sẽ sớm tìm thấy một con đường xung quanh và tiếp tục đi. Fyodor Yarochkin, chuyên gia về tội phạm mạng có trụ sở tại Đài Loan cho rằng, đây cũng sẽ là cách mà bọn tội phạm mạng phản ứng trước sự sụp đổ của Liberty Reserve, hệ thống thanh toán qua mạng vô danh, vốn được coi là “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động tội phạm mạng.
Sự sụp đổ của “công nghệ rửa tiền”
Theo thông báo từ Văn phòng công tố liên bang Mỹ, Liberty Reserve “rửa” số tiền bẩn lên tới 6 tỷ USD thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến trên toàn cầu.
Số tiền này có liên quan đến các hoạt động phi pháp trực tuyến như lừa đảo thẻ tín dụng, đánh cắp thông tin cá nhân cho tới việc mua bán các phần mềm được thiết kế để đánh cắp dữ liệu và xâm nhập các tổ chức tài chính, hoạt động buôn lậu... Các công tố viên bắt giữ 5 trong số 7 nghi phạm ở Tây Ban Nha, Costa Rica và New York (Mỹ) với tội danh điều hành mạng lưới chuyển tiền phi pháp này.
Hệ thống chuyển tiền trực tuyến này cho phép người dùng đăng ký thành viên mà không cần cung cấp giấy tờ tùy thân. Khi có tài khoản, khách hàng truy cập vào trang mạng của Liberty Reserve, dùng tiền thật (USD hoặc EUR) để mua tiền ảo LR (1 LR tương đương với 1 USD), rồi dùng số tiền ảo này để giao dịch với nhiều người khác. Người bán sau đó có thể đổi tiền ảo để lấy tiền thật thông qua một bên thứ ba. Đổi lại, Liberty Reserve thu phí 1% các giao dịch chuyển tiền. Chính điều này khiến bọn tội phạm lợi dụng, dùng tên và địa chỉ giả để thực hiện các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp.
![]() |
Luật sư Preet Bharara mô tả một biểu đồ cho thấy lợi ích toàn cầu của Liberty Reserve. Ảnh: AP |
“Ông vua” thế giới ảo
Kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2006, tổ chức giao dịch tiền ảo Liberty Reserve có trụ sở ở Costa Rica thực hiện 55 triệu giao dịch liên quan đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 200.000 người sử dụng tại Mỹ.
Liberty Reserve từng bị các nhà điều tra để mắt tới. Theo các công tố viên Brooklyn, đầu tháng 5 vừa qua, 8 nghi phạm bị buộc tội ăn trộm 45 triệu USD từ các máy rút tiền tự động ATM bằng cách sử dụng các số tài khoản tín dụng bị đánh cắp. Ít nhất một trong số các nghi phạm sử dụng tài khoản của Liberty Reserve để chuyển lượng tiền ăn trộm được đến một tài khoản khác. Bộ Tư pháp Mỹ sớm phát hiện và theo dõi các hành vi phạm pháp của Liberty Reserve từ năm 2010 và phối hợp với các cơ quan thẩm quyền khác để tiến hành điều tra. Hồi năm 2009, giới chức Costa Rica cũng nghi ngờ những hoạt động của Liberty Reserve. Điều này khiến Cty này phải tạo thêm một lớp vỏ bọc bằng cách thành lập một hệ thống giao dịch truyền thống giả tạo. Cuối năm 2011, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã cảnh báo các thể chế tài chính về rủi ro khi làm ăn với Liberty Reserve. Sau khi cảnh báo xuất hiện, Liberty Reserve lui về hoạt động ngầm và tiếp tục hoạt động ở Costar Rica với lượng nhân viên hoạt động bí mật và không bao giờ xuất hiện ở văn phòng cố định.
Nhiều người trong số họ mất cảnh giác trước sự sụp đổ của Liberty Reserve. Đây sẽ là một cú sốc rất lớn bởi chưa ai từng nghi ngờ trong việc sử dụng Liberty Reserve. Giờ đây, hàng trăm ngàn USD trong tài khoản của một số người đã biến mất. Cá nhân thiệt hại không nhỏ, nhưng thiệt hại lớn nhất phải kể đến những dịch vụ trung gian chuyển tiền, bởi vì đối với cộng đồng mạng, tiền LR trở thành một loại tiền điện tử thông dụng.
Việc Liberty Reserve bị cơ quan chức năng Mỹ khởi tố, phong tỏa điều tra khiến hàng loạt những khách hàng có tài khoản tiền ảo tại trang mạng này khốn đốn. Và dĩ nhiên, bọn chúng sẽ chuyển sang tìm kiếm các dịch vụ chuyển tiền khác. Một số chuyên gia an ninh cho biết, WebMoney- một dịch vụ có trụ sở tại Moscow đang dần thay thế cho Liberty Reserve, nhưng nhiều người vẫn rất thận trọng chuyển sang dùng dịch vụ này.
An Bình (Theo AP, BBC)