Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ V: Cơ hội để điện ảnh Việt hội nhập

Thứ hai, 29/10/2018 09:37

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (Haniff) lần thứ V do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT TP Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 27 đến 31-10. Đã trải qua 4 kỳ tổ chức, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội luôn là tâm điểm điện ảnh thu hút sự quan tâm của công chúng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Với khẩu hiệu “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”, bên cạnh các hoạt động tuyển chọn phim, Liên hoan Phim sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Trại sáng tác Haniff  và Chợ Dự án làm Phim; Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan”, Hội thảo “Kinh nghiệm thành công quốc tế của Điện ảnh Iran”; Triển lãm “Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam”...

Cảnh trong phim “Chờ em đến ngày mai” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.
* Tại Liên hoan, ngành điện ảnh Việt Nam tham gia 35 bộ phim đương đại, gồm 21 phim truyện và 14 phim ngắn. Trong đó có các phim được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao như: 100 ngày bên em; 11 niềm hy vọng; Bạn gái tôi là sếp; Chàng vợ của em; Chờ em đến ngày mai; Cô Ba Sài Gòn; Bố ơi con ước; Cô bé rơm vàng; Dòng chảy không có tận cùng; Hải âu bé bỏng; Hành trình hóa giải; Hồi sinh; Khát vọng Hoàng Sa-Trường Sa…

Cơ hội cho các nhà làm phim trẻ

Haniff 2018 với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn đối với công chúng yêu nghệ thuật thứ Bảy, nhất là với những người trẻ tuổi đang làm việc trong lĩnh vực điện ảnh. Sau thành công của Trại sáng tác trẻ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV năm 2016, tại Liên hoan Phim lần này Cục Điện ảnh phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Cầu nối đỏ tiếp tục tổ chức Trại sáng tác trẻ Haniff 2018 từ ngày 27 đến 30-10. Năm nay, Trại sáng tác tổ chức 2 lớp học: Lớp diễn viên và lớp đạo diễn - sản xuất. Sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung, 30 tài năng trẻ gồm cả người Việt Nam và nước ngoài tham dự các lớp học sẽ được các chuyên gia hướng dẫn nghiên cứu, thảo luận và thực hành theo từng lĩnh vực chuyên ngành.

Cùng với các lớp học, trong khuôn khổ Trại sáng tác trẻ Haniff 2018, các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên ngành sẽ được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, cơ hội để các nhà làm phim Việt Nam trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trên thế giới. Trại sáng tác có sự tham gia của nhiều khách mời danh tiếng đến từ trong nước và quốc tế, các công ty của Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh. Trong đó có hai nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch người Iran là Homayoun Asadian và Rouhollah Hejazi; đạo diễn người Balan Allan Starski; đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, chuyên gia ngôi sao điện ảnh Australia, nhà sản xuất David Wenham và diễn viên điện ảnh Đỗ Hải Yến…

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ V chia sẻ: Trại sáng tác trẻ đầu tiên được khai mở tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ II với tính chất như một lớp học. Tại Liên hoan phim này, Trại sáng tác trẻ lần thứ 4, Chợ dự án lần 3 được tổ chức, đều có đổi mới là chú trọng việc kết hợp giữa hai yếu tố thực tiễn và lý thuyết trong các sự kiện chuyên ngành chứ không đơn thuần là một lớp học thuần túy như trước. Trại sáng tác và Chợ dự án là hai hoạt động thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đóng vai trò hỗ trợ, tìm kiếm các tài năng trẻ. Năm nay có 5 dự án được tuyển chọn tham dự Chợ dự án phim, trong đó có 3 dự án phim của các đạo diễn trẻ Việt Nam là “99 Lifes with you” của Phạm Hữu Nghĩa, “Good morning, and goodnight” của Chung Chí Công và "Litle fishes in paradise” của Nguyễn Khắc Huy.

Giới thiệu cảnh quay phim đẹp tại Việt Nam

Trong khuôn khổ Haniff 2018, Cục Điện ảnh phối hợp với Viện phim Việt Nam tổ chức Triển lãm "Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam” từ ngày 21-10 đến 31-10-2018 như một hình thức “khoe” những cảnh đẹp của Việt Nam trước công chúng và những nhà làm phim quốc tế. Triển lãm giới thiệu hơn 100 ảnh bối cảnh quay phim đặc sắc trong một số phim do các nhà làm phim trong nước, nước ngoài thực hiện tại Việt Nam từ năm 1992 đến nay và 30 ảnh về những điểm đến nổi tiếng của các vùng miền tại Việt Nam. Tham dự sự kiện, người xem được đến với những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng; khung cảnh mênh mông, rộng lớn của biển cả; sự huyền bí, lôi cuốn của các hang động… trên khắp các vùng miền của dải đất hình chữ “S”.

Nhiều địa danh nổi tiếng, những miền đất xinh đẹp của Việt Nam đã được các nhà làm phim trong nước và quốc tế chọn làm bối cảnh, tạo nên những thước phim ấn tượng với khán giả. Từ miền Bắc tới miền Trung và miền Nam – nơi nào cũng đều có những nét đẹp độc đáo riêng trở thành những chất liệu quý để các nhà làm điện ảnh khai thác và phát triển.

Ở miền Bắc, công chúng yêu điện ảnh có thể “bắt gặp” Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), làng quê Bắc Bộ… được khai thác trong những khuôn hình của các bộ phim “Đông Dương”, “Chuyện của Pao”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Kong – Đảo đầu lâu”, “Bến không chồng”…

Đến với mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, một trong những hình ảnh đẹp của Hang Én tại Quảng Bình đã được xuất hiện trong phim “Hollywood Pan”. Dưới ống kính, hang động trở nên ma mị và huyền ảo tựa như một phần của xứ sở thần tiên.

Tiếp đến là một Ninh Thuận với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ; những cồn cát trải dài, kết hợp những góc máy ấn tượng từ giám đốc hình ảnh người Mỹ - Joel Spezeski trong “Lạc giới” đã tạo ra những thước phim hoành tráng, làm thỏa mãn con mắt khắt khe của khán giả. Hay những bãi biển tuyệt đẹp, xanh mướt được bờ cát trắng ôm trọn, vây quanh là những dãy núi đá vôi chạy dài hùng vĩ và thơ mộng tại Cam Ranh – Khánh Hòa được dùng khi quay các phân cảnh trên biển trong “Mỹ nhân kế”, “Những nụ hôn rực rỡ”. Đặc biệt, những khung hình nên thơ của cảnh sắc làng quê Phú Yên với những đồng lúa rì rào hoa vàng đong đưa trong gió, màu xanh ngọc bích của nước biển với con tàu lặng lẽ trôi, những con lạch, con suối, những ghềnh đá ven biển… trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”(đạo diễn Victor Vũ) đến giờ vẫn khiến khán giả nao lòng. Hay một Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước với vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính hiện lên qua những ánh đèn lồng tại các quán trà, những chiếc xích lô cũ, phố xá thênh thang... trong “Người Mỹ trầm lặng”. Ấn tượng, chân thực và đong đầy cảm xúc là hình ảnh hàng trăm con trâu giữa cánh đồng nước nổi của mảnh đất An Giang trong “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh…

Đại diện Ban tổ chức, ông Vũ Nguyên Hùng, quyền Viện trưởng Viện Phim Việt Nam hy vọng, qua khả năng truyền tải kỳ diệu của điện ảnh Triển lãm nói chung, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội nói riêng sẽ là con đường nhanh nhất, góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, văn hóa, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với đông đảo người xem trong nước và quốc tế.

M.B