Liên quan đến vụ "Bức xúc chuyện đền bù, người dân cản trở thi công": Chính quyền cam kết giải quyết dứt điểm trong tháng 11-2015

Thứ năm, 12/11/2015 10:42

(Cadn.com.vn) - Liên quan đến vụ "Bức xúc chuyện đền bù, người dân cản trở thi công" mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài phản ánh, chiều ngày 11-11, tại trụ sở UBND xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), UBND TP Tam Kỳ tiếp tục tổ chức buổi đối thoại với người dân về những bức xúc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ chủ trì buổi đối thoại.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ trả lời ý kiến người dân
và đông đảo người dân tham dự buổi đối thoại.

Người dân nhầm lẫn giữa các loại đất bồi thường

Tại buổi đối thoại, nhiều hộ dân phản ánh lại một số vấn đề liên quan mà lãnh đạo TP Tam Kỳ chưa trả lời trước đó. Ông Trần Minh Nghị (trú thôn Đồng Nghệ, xã Tam Ngọc) cho biết, dự án đường cao tốc đã có những hộ đã nhận tiền bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) cách đây nhiều năm, nhưng khoản tiền thưởng mà cán bộ hứa với dân vẫn chưa giải quyết. "Bên cạnh đó, Nhà nước đã áp dụng đơn giá đất thay thế là 84.000 đồng/m2, nhưng sao bồi thường chỉ với 44.000 đồng/m2"- ông Nghị thắc mắc. Giải thích việc này, ông Nguyễn Minh Nam cho rằng, theo Quyết định số 3960/QĐ-UBND ngày 4-12-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đơn giá thay thế tại TP Tam Kỳ với loại đất ở nông thôn và đất vườn là 84.000 đồng/m2. "Đất vườn ao ở đây được hiểu là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở. Còn giá đất nông nghiệp (đất trồng lúa nước, đất trồng cây hằng năm...) đền bù với mức 44.000 đồng/m2. Cho nên việc khiếu nại đòi tăng mức đền bù đất nông nghiệp lên 84.000 đồng/m2 là không có cơ sở giải quyết. Còn về tiền thưởng các hộ chấp hành tốt chủ trương bàn giao mặt bằng, di dời sớm, chính quyền sẽ chỉ đạo chi trả sớm nhất bắt đầu từ ngày 12-11"- ông Nam khẳng định.

Về trường hợp của anh Đoàn Văn Tịnh, ông Trần Nam Hưng, Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho rằng: "Nguồn gốc đất trước đây UBND xác định đó là đất thủy lợi do xã quản lý. Còn cây cối, hoa màu trên đất gia đình anh Tịnh đã nhận và ký biên bản thống nhất bàn giao mặt bằng. Thế nhưng đến tháng 8-2015, anh Tịnh có đơn kiến nghị đòi bồi thường đất. Bởi anh Tịnh cho rằng đây là đất gia đình anh đã canh tác lâu năm. Sau khi nhận được đơn, Hội đồng giải tỏa đền bù của thành phố tiến hành xác minh. Qua xác minh, đây là đất gia đình anh Tịnh canh tác trước ngày 1-7-2004, nhưng khi lập phương án bồi thường thì xảy ra tranh chấp với một số hộ dân. Do đó thủ tục giải quyết mới kéo dài. Tuy nhiên, trong tháng 11 này, anh Tịnh sẽ nhận được tiền bồi thường thỏa đáng".

Ngoài ra, một số hộ dân cũng bức xúc phản ảnh đất trên cùng một thửa nhưng hộ này được đền bù, hộ kia thì không; thi công đường cao tốc gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán, kinh doanh do tình trạng nắng bụi mưa lầy xuất hiện thường xuyên. Dân có đơn tập thể kiến nghị song đến nay vẫn chưa khắc phục. Bên cạnh đó, các xe thi công, vận chuyển vật liệu phá nát đường giao thông nông thôn.

Sẽ giải quyết dứt điểm trong tháng 11-2015

Dự án đường cao tốc qua xã Tam Ngọc có tổng chiều dài 2,3km từ km66+335.75 đến km68+309 với 427 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay có 416 hộ đã nhận tiền BT, còn 9 trường hợp chưa nhận tiền BT, bên cạnh đó có khoảng 10 hộ phát sinh mới; Đơn vị chức năng đã chuyển cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất Tam Kỳ 75 tỷ đồng, trong đó Trung tâm này đã chi trả BT-HT cho người dân là 56,8 tỷ đồng… Hiện Trung tâm Phát triển Quỹ đất Tam Kỳ đang còn giữ 3,2 tỷ đồng, trong đó có khoảng 500 triệu đồng là tiền thưởng của người dân chưa được nhận.

Qua các ý kiến của người dân, Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng nhận định: Phần lớn ý kiến người dân khiếu nại đều tập trung vào đơn giá bồi thường, nhầm lẫn giữa đất vườn ao và đất nông nghiệp thuần túy ban hành theo đơn giá công bố hằng năm của tỉnh. Quan điểm nhất quán của địa phương là việc áp giá bồi thường cho người dân trên địa bàn xã Tam Ngọc là hoàn toàn đúng, không sai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số vướng mắc, phát sinh thêm như một số người dân đã nhận tiền đền bù cây cối trên thửa đất khai hoang nhưng nay lại đòi bồi thường đất; một số hộ gia đình kê khai nhân khẩu thiếu so với thực tế gia đình nhưng không bổ sung; UBND xã Tam Ngọc và các cơ quan chức năng còn chậm trong việc thẩm định, xét duyệt một số hồ sơ do nguồn gốc đất phức tạp đã gây bức xúc cho người dân.

"Quan điểm giải quyết của các cơ quan chức năng TP Tam Kỳ là những diện tích người dân khai hoang và tổ chức sản xuất ổn định trước ngày 1-7-2004 mà không có tranh chấp, thành phố sẽ đền bù theo đúng quy định. Đối với những hộ còn chậm làm hồ sơ hoặc chưa đúng thủ tục, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn thủ tục để người dân được hưởng đúng quyền lợi. Riêng tiền thưởng cho các hộ chấp hành tốt chủ trương bàn giao mặt bằng sẽ triển khai sớm nhất trong tuần sau, không để bất cứ trường hợp nào bị thiệt..."- ông Trần Nam Hưng khẳng định.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ cũng thừa nhận những sai sót và có lời xin lỗi với người dân, đồng thời hứa sẽ giải quyết quyền lợi cho người dân trong tháng 11 này.

"Qua cuộc đối thoại này, chính quyền sẽ có thêm bài học liên quan đến công tác bồi thường - hỗ trợ. Có nhiều vụ việc chưa giải quyết kịp thời khiến người dân bức xúc. Đó là lỗi của một số đơn vị liên quan. Hiện thường trực Thành ủy đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Các cá nhân, đơn vị nào sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt người dân; chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại các trường hợp bồi thường - hỗ trợ thiếu sót để xử lý dứt điểm" - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam nói.

Đến chiều tối cùng ngày, cuộc đối thoại mới kết thúc, trong khi một số người dân cho rằng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng, do vậy họ cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp chức năng.

Bão Bình