Lô đất 5.000m2 ở sân vận động Chi Lăng bị đem đi thế chấp như thế nào?

Thứ năm, 03/05/2018 14:00

Ngày 2-5, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín - tiền thân của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam VNCB), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) và 6 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) bị trích xuất tham dự phiên tòa.

Trước đó, vào tháng 9-2016, khi xét xử giai đoạn 1 đại án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khởi tố tại tòa vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với các thành viên hội đồng tín dụng của Ngân hàng Đại Tín. Đến đầu năm 2017, ông Toàn bị bắt, sau đó các cán bộ liên quan lần lượt bị khởi tố. Từ khi bị bắt đến quá trình điều tra, Hoàng Văn Toàn và đồng phạm đồng loạt kêu oan, cho rằng đã làm đúng trình tự thủ tục.

Các bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cũng được trích xuất tới tham dự phiên tòa hôm nay với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến có trụ sở tại tỉnh Long An. Tháng  6-2010, ngân hàng được nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, trong đó đại gia Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) nắm 85% cổ phần và giữ chức vụ cố vấn cấp cao. Đại diện theo pháp luật gồm ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Trần Sơn Nam. Ông Phạm Công Danh đại diện cho nhóm cổ đông Thiên Thanh, sau đó mua lại Ngân hàng Đại Tín từ nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trước khi chuyển giao quyền điều hành ngân hàng cho ông Danh, cuối tháng 12-2012, Hoàng Văn Toàn và dàn lãnh đạo cấp dưới đã thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng với lãi suất 15% trong thời hạn 12 tháng. Đây chính là hai công ty sân sau của Phạm Công Danh thành lập, vay tiền để mua lại lô đất hơn 5.000m2 tại khu vực Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) thuộc một công ty khác của ông Danh trị giá gần 940 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm chính là giá trị lô đất này. Tiền giải ngân được chuyển về tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh cho ông Danh sử dụng.

Cơ quan điều tra xác định, khi phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty này vay vốn, các thành viên hội đồng tín dụng gồm: Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Hồ Trọng Thắng (nguyên Trưởng phòng Quản lý tín dụng), Ngô Trí Đức (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Trần Thị Hồng Phương (nguyên Giám đốc khối kế toán) và Phạm Thị Quỳnh Ngân (nguyên Trưởng phòng Pháp chế) đã không thực hiện đúng quy định như: Hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro...

Trên thực tế, các doanh nghiệp này không hoạt động kinh doanh, hồ sơ vay vốn đều lập khống. Khi thông qua việc cấp tín dụng, Hoàng Văn Toàn và cấp dưới đã căn cứ vào chứng thư thẩm định tài sản hình thành trong tương lai với giá trị được đẩy lên nhiều lần. Thực tế lô đất tại Sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận và cũng không có bất cứ hoạt động đầu tư nào.

Hiện hai khoản vay đã quá hạn tất toán từ ngày 28-3-2014 nhưng VNCB không thể thu hồi. Trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, VNCB bị thiệt hại hơn 470 tỷ đồng. Cáo trạng cũng xác định, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của vụ án này thuộc về Phạm Công Danh, đã được tuyên tại bản án hình sự sơ thẩm ngày      9-9-2016 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh và bản án hình sự phúc thẩm ngày 24-1-2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trong vụ án này còn có Đỗ Hoàng Linh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín đã bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã, tuy nhiên hết thời hạn điều tra vẫn chưa bắt được nên cơ quan này đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Linh và quyết định tách vụ án, khi nào bắt được bị can sẽ xử lý sau. Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 4-5.

P.V – T.T