Lo ngại xung đột leo thang ở Marawi
(Cadn.com.vn) - Ít nhất 44 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh nghiêm trọng ở thành phố Marawi thuộc khu vực miền nam đảo Mindanao của Philippines, trong đó có 31 phiến quân và 11 binh sĩ quân đội chính phủ. Hiện chưa rõ có bất kỳ dân thường nào thiệt mạng hay không?
Ngày 26-5, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và các phiến quân Hồi giáo nhóm Maute, vốn thề trung thành với tổ chức khủng bố IS, vẫn đang diễn ra ở thành phố Marawi thuộc khu vực miền nam đảo Mindanao của Philippines.
Marawi hiện đang được đặt trong tình trạng thiết quân luật sau khi bị các phiến quân vốn có quan hệ với nhóm khủng bố IS kiểm soát kể từ khi lực lượng an ninh Philippines thất bại trong cuộc tấn công trước đó nhằm bắt giữ tên Isnilon Hapilon - kẻ đứng đầu nhánh của IS tại Philippines. Các phiến quân đang đẩy nhanh các cuộc tấn công trong nỗ lực giải cứu tên này.
Trong báo cáo trình lên Quốc hội để giải thích về việc áp đặt thiết quân luật tại Mindanao, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, nhóm phiến quân Maute cố gắng thiết lập một tỉnh IS ở thành phố Marawi.
Xe tăng quân đội trên đường phố Marawi trong bối cảnh người dân tháo chạy khỏi thành phố này do lo ngại xung đột leo thang. Ảnh: AP |
Isnilon Hapilon – trung tâm cuộc chiến
Cái tên trung tâm trong làn sóng bạo lực ở Marawi là Isnilon Hapilon, nghi can khủng bố hàng đầu ở Philippines.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 26-5, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Eduardo Ano khẳng định, tên Hapilon vẫn đang ẩn náu trong thành phố bị bao vây này. Theo tướng Ano, chiến sự tiếp tục diễn ra khi phe phiến quân tìm cách giải cứu cho tên Hapilon. Binh sĩ Philippines được sự yểm trợ của các xe bọc thép và trực thăng phóng tên lửa nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố.
Trên thực tế, giao tranh tại Marawi bùng phát vào chiều 23-5 sau khi lực lượng an ninh đột kích ngôi nhà nghi là nơi ẩn náu của Hapilon, thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf, đồng thời là phần tử đứng đầu nhánh của IS tại Philippines. Kế hoạch của quân đội chính phủ thất bại. Các phiến quân đã kêu gọi tăng viện và đánh bại các lực lượng của chính phủ. Một lần nữa, Hapilon trốn thoát.
Hapilon cam kết trung thành với nhóm IS vào năm 2014. Y cho đến nay được xem là sợi dây liên hệ của một số nhóm phiến quân đang cố gắng hợp nhất thành lực lượng mạnh hơn. Y đứng đầu một liên minh bao gồm ít nhất 10 nhóm phiến quân nhỏ hơn, trong đó có Maute, hiện diện rất mạnh ở Marawi. Tất cả các nhóm này được lấy cảm hứng từ IS. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội, tướng Restituto Padilla cho biết: “Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về sự hỗ trợ vật chất từ IS”. Dù vậy, ông nói thêm rằng, các nhóm nhỏ hơn “đang nỗ lực để thực sự nhận được công nhận và được hỗ trợ”.
Tên Hapilon cũng bị Mỹ liệt vào danh sách những phần tử khủng bố nguy hiểm nhất thế giới và treo thưởng 5 triệu USD để bắt giữ. Hồi tháng 11-2016, Philippines mở cuộc không kích tấn công nhóm này khiến Hapilon bị thương, nhưng y đã lẩn trốn từ đó.
Có các phiến quân nước ngoài
Quan chức cấp cao phụ trách những vấn đề pháp luật của chính phủ Philippines, ông Jose Calida cho biết, các tay súng phiến quân Hồi giáo đang giao tranh với quân đội Philippines tại Marawi có cả người nước ngoài, đó là Malaysia và Indonesia. “Có cả người Malaysia và Indonesia nằm trong hàng ngũ phiến quân Maute”, ông Calida nêu rõ tại cuộc họp báo hôm 26-5.
Cho đến nay, theo AP, ít nhất 44 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh nghiêm trọng ở Marawi, gồm 31 phiến quân và 11 binh sĩ quân đội chính phủ. Hiện chưa rõ có bất kỳ dân thường nào thiệt mạng hay không. Nhưng đã có những thông tin mâu thuẫn. Trong dấu hiệu cho thấy sự nhầm lẫn về các sự kiện xảy ra bên trong thành phố, Giám đốc sở cảnh sát địa phương Romeo Enriquez nói với tờ AP hôm 26-5 rằng, ông không hề hấn gì - 2 ngày sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nói với báo chí rằng, ông đã bị các phiến quân chặt đầu dã man. Ông Enriquez cho biết có thể có sự nhầm lẫn vì người tiền nhiệm của ông ở Malabang, thị trấn gần Marawi, đã bị giết trong cuộc xung đột hôm 23-5.
Khi lực lượng quân đội đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Marawi, người dân liên tục nói về nỗi lo sợ của họ. Một người tên Mohammad Usman cho biết, hàng trăm ngàn người dân đã sống sót rời khỏi thành phố hôm 25-5 nhưng còn nhiều người vẫn mắc kẹt. “Vào ban đêm, mọi người có thể nghe tiếng súng nổ. Tôi chỉ cầu nguyện rằng, viên đạn sẽ không “tìm đường” đến nhà tôi và nhắm trúng chúng tôi”, ông nói với AP.
Khả Anh