Lo sợ "thảm kịch MH17" ở Triều Tiên

Thứ tư, 23/07/2014 08:34

(Cadn.com.vn) - Mặc dù Mỹ đã ra lệnh cấm các máy bay dân sự bay qua không phận Triều Tiên, nhiều người vẫn lo sợ xảy ra thảm kịch tương tự MH17 ở khu vực này.

Triều Tiên thường xuyên bất ngờ bắn thử tên lửa, như một lời cảnh báo nhắm đến Hàn Quốc và Mỹ, nhất là trong thời điểm hai đồng minh này tiến hành tập trận chung. Vì vậy, không phận Triều Tiên luôn được Washington liệt vào danh sách “nguy hiểm”.

Mỹ lo sợ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa an toàn hàng không. Ảnh: AP

Mặc dù đang vấp phải sự chỉ trích của phương Tây cũng như sự ghẻ lạnh từ đồng minh truyền thống lớn nhất là Trung Quốc, Bình Nhưỡng vẫn không ngần ngại công khai đe dọa quân sự. 3 vụ thử nghiệm tên lửa Scud vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua của Bình Nhưỡng thật sự khiến các nước lo ngại. Và rồi, Triều Tiên bị liệt kê trong danh sách 6 quốc gia “cấm bay” của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, những vụ phóng tên lửa không báo trước của Bình Nhưỡng luôn là mối đe dọa lớn cho an toàn hàng không.

Thật sự, mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên càng tăng cao sau vụ MH17 bị bắn rơi ở vùng chiến sự thuộc miền đông Ukraine. Hôm 20-7, sau khi “cấm vận” máy bay đi qua không phận Ukraine, Mỹ cũng hạn chế các máy bay dân sự qua không phận Triều Tiên hoặc vùng biển xung quanh nước này vì lo sợ một vụ phóng tên lửa đạn đạo có thể xảy ra bất ngờ.

Đối với Mỹ, việc chỉ định Triều Tiên, Ethiopia, Somalia, Iraq, Libya và Ukraine nằm trong khu vực nguy hiểm cho máy bay dân sự là một bước chủ động nhằm tránh lặp lại thảm kịch MH17. Trên thực tế, khả năng máy bay dân sự bị tên lửa Triều Tiên bắn hạ, đặc biệt là máy bay của Mỹ, là rất khó xảy ra. Hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng chủ yếu là phản ứng lại các cuộc tập trận quân sự của Mỹ - Hàn, và gần như tên lửa chỉ đi vào vùng biển mở hoặc vùng lãnh thổ tranh chấp với Hàn Quốc.

Mặc dù rất cứng rắn, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn không thể không nhận ra giới hạn những gì mà nước láng giềng có thể chịu đựng được. Đặc biệt là khi ngày càng bị cô lập, Triều Tiên hầu như không có khả năng bắn rơi mục tiêu máy bay dân sự của Mỹ. Mặc dù vậy, những cảnh báo hay lệnh cấm bay như thế này là tối quan trọng cho các máy bay dân sự.

Sau vụ MH17 bị bắn rơi, nhiều chỉ trích nhắm vào Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), cơ quan của LHQ được cho là nơi đề ra các tiêu chuẩn hàng không toàn cầu nhưng thường phớt lờ việc thực thi. Mặc dù gần như các quốc gia đều ký tham gia ICAO, các chuyên gia cho rằng, vấn đề thực sự của tổ chức là không thể thực thi các khuyến nghị đưa ra. “ICAO không có răng”, một thanh tra của FAA cho biết. “Họ không thể ngăn cấm các nước thành viên làm điều gì đó, họ chỉ có thể khuyến nghị”, ông này nói thêm.

Trên thực tế, có hơn 20 máy bay dân sự bị bắn rơi kể từ những năm 1940. Thông thường, các sự cố trong những thập kỷ gần đây xảy ra ở các quốc gia phát triển và các điểm nóng toàn cầu, gồm Mozambique, Georgia, Ukraine và Iraq... Năm 1988, Hải quân Mỹ bắn rơi máy bay 655 của hãng Iran Air trên vịnh Persian, giết chết 290 người. Một máy bay của Hãng hàng không Siberia bị bắn rơi trong cuộc tập trận quân sự của Ukraine năm 2001. Gần đây nhất, tháng 3-2007, máy bay TransAVIAexport Airlines bị bắn rơi trong trận chiến Mogadishu ở  Somalia.

Khả Anh