Loạn múa lân, dân phiền toái...

Thứ ba, 17/09/2013 09:50

(Cadn.com.vn) - Múa Lân luôn mang đến cho trẻ em niềm háo hức khôn tả trong mỗi dịp Trung thu. Song hiện nay, do nhận thấy việc kiếm tiền thưởng của chủ nhà một cách dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tập hợp các nhóm trẻ lại lập thành nhóm múa Lân để đi "hành nghề" bất chấp thủ đoạn, gây phiền nhiễu cho không ít gia đình, doanh nghiệp. Người dân sinh sống tại TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), nơi tập trung các doanh nghiệp và các hộ gia đình buôn bán lớn, đã và đang gánh chịu nhiều phiền toái vì tình trạng này. 

Loạn múa Lân

Tại TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), theo thống kê chưa đầy đủ, có tới hàng trăm đội múa Lân. Đã thành thông lệ, khi các đội Lân đã vào nhà thì dù ít hay nhiều gia chủ buộc phải "thưởng" tiền. Do vậy, các đội Lân đã nhanh chóng "mọc như nấm sau mưa". Hơn nữa, người lớn ngày càng can thiệp sâu vào các đội Lân, đẩy trẻ nhỏ ra rìa hoặc cấp tốc thuê đầu lân, mặt nạ, trống... về tập 2 đến 3 ngày là đi "biểu diễn".

Ông Lê Quốc Trung, trú tại P. Tân Hòa (Buôn Ma Thuột) than thở: "Nếu như thời gian trước chỉ có một vài nhóm "hành nghề" múa Lân trên địa bàn của phường, thì những năm gần đây đã có tới cả chục nhóm. Các nhóm Lân này chỉ mang theo vài món dụng cụ tương tự như "đội lân" và múa chẳng có bài bản gì cả, đầu và đuôi mỗi người múa một phách... chẳng giống ai. Song tiền vẫn... thế".

Không chỉ vậy, vì lợi ích kinh tế, các đội Lân còn thuê hẳn ô-tô tải (dạng nhỏ) để chở đội Lân đi "hành nghề" cho người dân thấy sự "bài bản" của đội Lân cũng như phải "hậu tạ" cho tương xứng. Chị Nguyệt (P. Tân Hòa) nhận xét: "Ô- tô chở đi hẳn hoi, nên chúng tôi thường phải cho nhiều tiền hơn...".


Các đội múa Lân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đua nhau mọc như "nấm sau mưa".

Dân phiền toái

Theo quan niệm chung của người dân, Lân là con vật tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, may mắn... nhưng càng ngày càng sợ mất của, cháy nhà... nên đành đóng cửa, tắt điện "án binh bất động", chờ Lân đi qua. Bà Hương (xã Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột) tâm sự: "Những ngày này, vào buổi tối một số thanh niên không biết từ đâu tới, mang theo vài món dụng cụ tương tự như đội lân nhưng không đầy đủ rồi tự ý vào từng nhà múa máy, quay cuồng xong rồi xin tiền. Nếu chủ nhà không chịu thưởng tiền thì đội lân dỏm sẽ múa lung tung, loạn xạ, đánh trống om sòm cho đến khi chủ nhà chịu hết nổi, buộc phải móc tiền ra lì xì, họ mới chịu rút đi...".

   Không chỉ vậy, nhiều đội Lân vào nhà sau khí múa xong gia chủ còn bị mất đi một vài món đồ trong nhà. Anh Long (P. Tân Hòa) cho biết: "Vào buổi tối, khi thấy gia đình nào có điện sáng là ngay lập tức các đội Lân liền "như khách không mời mà đến", tự ý xông vào gõ trống, múa inh ỏi... không chỉ làm mất không gian học hành của trẻ nhỏ, gây phiền toái cho gia đình mà lợi dụng đám đông còn bị họ "trộm" mất một số đồ đạc nữa. Mới đây khi mở cửa cho đội Lân vào nhà, lúc họ về gia đình tôi bị mất trộm 1 bức tượng Di Lặc nữa. Bực mình nhưng không biết được ai lấy vì đông người quá...".

Nhiều đội Lân còn ra đường Phạm Văn Đồng - TP Buôn Ma Thuột
để chặn xe hòng biểu diễn xin tiền.

    Đặc biệt hơn, hiện các nhóm múa Lân dạo ngang nhiên "diễu hành" ra các đường quốc lộ, tỉnh lộ chặn các loại ô-tô để "biểu diễn" nhằm xin tiền khách. Điều này không những gây ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông, gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của tục múa Lân trong ngày Tết Trung thu. Một tài xế xe khách bức xúc nói: "Múa máy gì đâu, mấy cậu thanh niên vô công rỗi nghề rủ nhau đi móc túi thiên hạ, chặn ô-tô, buộc chúng tôi phải dừng lại và cho tiền. Không cho thì không được".

Thiết nghĩ, để mùa Trung thu trong mắt trẻ em lẫn người lớn đều có nét đẹp riêng nhờ những đội Lân có tổ chức, khổ công rèn luyện kỹ năng biểu diễn cũng như tận tình phục vụ khán giả. Chính vì vậy, mong rằng hình ảnh múa Lân luôn đẹp, chứ không phải là nỗi ám ảnh, phiền phức, làm mất đi ý nghĩa của ngày hội trăng rằm. Do đó, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng hằng năm nên tập hợp tất cả đoàn múa Lân trên địa bàn, để nắm số lượng, cá nhân đơn vị tổ chức. Nên tổ chức thi múa Lân và bắt buộc các đội Lân phải đăng ký thi như một cuộc sát hạch để có những "sản phẩm đủ tiêu chuẩn" phục vụ nhu cầu xã hội. Có như vậy mới không để lại nỗi ám ảnh của người dân trước sự xuất hiện của đội Lân.

Bài, ảnh: Bá Thăng