Lọc dầu Dung Quất vào chặng mới: Gấp rút và tối ưu hóa sản xuất

Thứ năm, 29/01/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất (Quảng Ngãi) lại bắt đầu bước vào chặng phát triển mới với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm (giai đoạn 2).

Được đánh giá là có công nghệ hiện đại nhất Khu vực Đông Nam Á chuyên về chế biến dầu thô ngọt, nhẹ, tuy nhiên, sau hơn 5 năm đi vào vận hành, sản xuất và kinh doanh, NMLD Dung Quất đang bị đe dọa về vấn đề thiếu nhiên liệu khi mà nguồn dầu thô (dầu ngọt, nhẹ) từ mỏ Bạch Hổ đang ngày một cạn kiệt nhưng lại gánh hai sứ mệnh quan trọng là xuất khẩu (giá cao hơn các chủng loại dầu thô khác của các nước trong và ngoài khu vực) và phục vụ chế biến của NMLD Dung Quất.

Lắp thiết bị tại phân xưởng thu hồi lưu huỳnh NMLD Dung Quất. 

Mối lo lắng đó cùng với nhận định việc tối ưu hóa sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc nhập dầu thô (dầu chua, nặng) từ nước ngoài về pha trộn với nguồn dầu Bạch Hổ để hạ thấp chi phí đầu vào, tăng giá trị cho những chủng loại sản phẩm đầu ra đã thôi thúc lãnh đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị chủ quản NMLD Dung Quất phải đi tìm giải pháp.

Ông Giang giải thích thêm: “Thực ra, khi thiết kế, xây dựng (giai đoạn 1) đã có nghĩ đến rồi. Nhưng nếu gộp lại cùng thời điểm thì vốn đầu tư quá lớn, trong khi kinh phí Nhà nước chưa đáp ứng. Vì vậy, giai đoạn này chỉ đủ sức thiết kế nhà máy dùng dầu Bạch Hổ. Đến nay mới là thời điểm thích hợp để thực hiện các bước mở rộng, nâng cấp nhà máy để chế biến được dầu chua dầu nặng. Đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn của công nghiệp hóa dầu”.Điều này đã được Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang thừa nhận: “Mỏ Bạch Hổ cho dầu ngọt và nhẹ, là loại dầu chất lượng tốt. Chủng dầu này giá cao, trong khi thế giới dùng phổ biến dải dầu chua và nặng, giá thấp. NMLD khi thiết kế xây dựng, mới chỉ dành cho dầu ngọt và nhẹ-dầu mỏ Bạch Hổ”.

Lao động kỹ thuật của BSR đang vệ sinh nồi chưng cất sản phẩm tại phân xưởng công nghệ NMLD Dung Quất trong đợt bảo dưỡng lần 2 trong năm 2014.

Ông Giang tính toán và so sánh: “Trong khi NMLD Dung Quất chi phí dầu thô chiếm 96% tổng chi phí, thì với những nhà máy trên thế giới dùng dầu thô là dầu chua, nặng, chi phí từ 80%-90%. Với lợi thế so sánh chỉ khoảng từ 5%-10% thôi, lợi nhuận đã khác nhau một trời một vực”. Một tín hiệu khả quan cho BSR theo ông Giang là năm 2014, BSR đã tiếp nhận một số chuyến tàu dầu Azeri, Champion, Tây Phi, Azerbaijan. Đó là cơ sở để BSR thay thế dần dầu Bạch Hổ trong những năm tới.

Để chuẩn bị tiếp nhận những nguồn dầu thô mới mà hàm lượng chua, nặng cao hơn dầu Bạch Hổ, BSR đang tối ưu hóa sản xuất bằng việc đầu tư dự án Phân xưởng Thu hồi lưu huỳnh (SRU). Hiện tiến độ đạt 59,3%, vượt 2,4% so với kế hoạch. Toàn bộ hạng mục kết nối đã được thực hiện thành công trong giai đoạn bảo dưỡng tổng thể nhà máy. Dự kiến tháng 9-2015 sẽ đưa phân xưởng vào chạy thử, vận hành nhằm nâng cao tỷ lệ chế biến dầu chua nhập khẩu (bao gồm cả dầu ESPO của Nga).

Năm 2015, BSR phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Theo ông Nguyễn Hoài Giang, thách thức đầu tiên có thể nói BSR vừa phải vận hành nhà máy hiệu quả, ổn định, an toàn, đồng thời từng bước thực hiện việc nâng cấp, mở rộng nhà máy. “Bắt đầu từ quý I-2015, BSR sẽ bắt tay ngay vào chặng mới của công trình từ việc chuẩn bị bộ máy Ban Quản lý dự án, triển khai phương án thu xếp vốn vay, ký các thỏa thuận cung cấp dầu thô dài hạn, chuẩn bị tài liệu đấu thầu thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) đồng thời tiếp tục đàm phán với đối tác Gazprom Neft về việc thành lập liên doanh…”.

Việc mở rộng, nâng cấp NMLD  Dung Quất cũng đang được tỉnh Quảng Ngãi tích cực ủng hộ. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho rằng: “Với tỉnh, nâng cấp mở rộng NMLD là ưu tiên số 1 trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ tối đa về mọi mặt để BSR đẩy nhanh tiến độ dự án như: giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn khu đất mở rộng nhà máy, di dân tái định cư… Tỉnh cũng sẽ thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc UBND tỉnh để phối hợp với Ban quản lý của BSR thúc tiến độ dự án”.

Trước những công việc hết sức nặng nề trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn lưu ý BSR nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức, vận hành tốt NMLD Dung Quất và thực hiện thắng lợi việc nâng cấp, mở rộng. “Cần đẩy nhanh tiến độ các bước công việc triển khai, không phải 78 tháng như luận chứng đã chứng minh, mà làm thế nào rút ngắn được 1 năm, nửa năm thì mới nâng cao được hiệu quả. Trong quá trình triển khai, PVN giao toàn quyền cho BSR tổ chức BQLDA, tổ chức các khâu công việc, nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời của cả PVN cũng như các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ”- ông Sơn lưu ý.

Hà Minh